
|
Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân sẽ chơi nhạc điện tử tại lễ hội đền Lảnh Giang. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
|
Đền Lảnh Giang thờ Tam vị Đại Vương thời Hùng Duệ Vương có công đánh Thục và thờ Tiên Dung. Mỗi năm ở đây có hai kỳ lễ hội vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Kỳ hội tháng 6 diễn ra từ ngày 18 đến 25, kỳ hội tháng 8 diễn ra vào ngày 20. Năm nay, với chủ trương phục dựng lễ hội, dự án “Nâng cấp lễ hội đền Lảnh Giang” đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nghiên cứu và phối hợp cùng địa phương thực hiện, dựa vào tư liệu, huyền tích để tái hiện với quy mô hoành tráng, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ để thổi hơi thở đương đại vào chương trình, giúp lễ hội tiếp cận gần hơn với thế hệ trẻ.
Nét đặc biệt của lễ hội năm nay là màn diễn xướng dân gian hầu Thánh, tái hiện huyền tích vị Thánh đền Lảnh Giang. Đây cũng chính là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà sắp tới, theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, rất có thể sẽ được nghiên cứu để xếp vào danh sách đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

|
Phác thảo vẽ trên người (body-art) của họa sĩ Phương Vũ Mạnh. Ảnh: Viettems.com
|
Màn diễn xướng tái hiện huyền tích vị thánh đền Lãnh Giang sẽ là sự kết hợp của video art (video về “Thuỷ phủ” do nghệ sĩ Phương Vũ Mạnh thực hiện) và âm nhạc (nhạc điện tử của Vũ Nhật Tân làm), cùng màn trình diễn peformance art do Trường Art hướng dẫn và biểu diễn với các trai làng trong diễn xướng. Trên sân khấu xuất hiện một bọc trứng lớn, nứt dần ra theo tiếng nhạc dồn dập và nở ra ba con rắn lớn (chu vi chừng 40 cm, dài khoảng 12 m) với ba màu đỏ, vàng, trắng. Sau màn múa lượn của ba con rắn dưới hồ, trong khói và ánh sáng lazer kỳ ảo, ba chàng trai, hiện thân của ba vị thần rắn xuất hiện, được chào đón bằng các màn múa hát rút tỉa và nâng cấp từ nghệ thuật diễn xướng hầu thánh. Sau màn múa đuốc của 100 cô đồng, ba vị thánh sẽ hóa thành ba vệt ánh sáng bay đi ba hướng. Những màn hát múa ca ngợi công đức của các vị thần sẽ được người dân địa phương trình diễn suốt trong quá trình tái diễn huyền tích kỳ ảo này.
Trong các ngày diễn ra liên hoan dân gian diễn xướng hầu thánh, khoảng 30 họa sĩ đương đại sẽ tiến hành vẽ các họa tiết hình rồng, rắn lên những người (tứ trụ) tham gia diễn xướng. Mỗi ngày có khoảng 20 người được vẽ lên mình các hoa văn này. Nội dung trình diễn sẽ được hỗ trợ rất nhiều bằng âm thanh điện tử, ánh sáng và các kỹ xảo. Sau khi lễ hội kết thúc, các kỹ xảo sân khấu sẽ được Viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chuyển giao cho nhân dân địa phương để nhân dân chủ động thực hiện vào các dịp lễ hội sau.
Ngọc Trần (VnExpress)