Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, V.I.Lênin cho rằng công tác kiểm tra là một nội dung, phương thức lãnh đạo quan trọng đối với các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước. Khi đã giành được chính quyền, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết là phải tiến hành công tác kiểm tra và xây dựng được tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng; có trình độ, có năng lực và phẩm chất cách mạng, biết vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những tư tưởng của V.I.Lênin về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra là những bài học có giá trị đối với Đảng Cộng sản (b) Nga và Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng nói riêng. 

1. Về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra

Theo V.I.Lênin, để chính quyền Xô - viết đứng vững trước sự chống phá của các thế lực phản cách mạng cả trong và ngoài nước thì những người lãnh đạo phải tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Người chỉ ra rằng: “Hiện nay, thực tiễn là tất cả; rằng đã đến một thời kỳ lịch sử mà lý luận biến thành thực tiễn, trở nên sinh động bằng thực tiễn, được sửa chữa bằng thực tiễn, được kiểm tra lại trong thực tiễn” (1).

Ở đây, V.I.Lênin khẳng định kiểm tra như là nội dung, phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng vì có chủ trương đúng, có tổ chức thực hiện nhưng thiếu kiểm tra cũng rất khó có kết quả tốt được.

Người còn khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, kiểm soát và coi đây là công cụ chắc chắn nhất để bảo vệ những mầm mống của xã hội mới. Người yêu cầu Đảng, Nhà nước phải nắm chắc công tác kiểm tra, V.I.Lênin nhấn mạnh: "Theo ý tôi, điều chủ yếu là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các sắc lệnh và mệnh lệnh (đấy là chúng ta u mê đến ngu xuẩn) sang việc lựa chọn người và kiểm tra sự thực hiện. Đó là vấn đề then chốt nhất" (2). "Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn" (3).

Kiểm tra con người và kiểm tra việc chấp hành trong thực tế có mục đích và ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình lãnh đạo. V.I.Lênin cho rằng: Kiểm tra như thế là cần thiết cả về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn. Về mặt lý luận là để căn cứ vào thực tế, vào kinh nghiệm mà biết chắc được rằng các nghị quyết đã được thông qua có đúng hay không và đúng đến mức nào, cần phải sửa đổi những gì. Về mặt thực tiễn là để học tập cho biết cách tuân theo các nghị quyết ấy một cách thật sự, học tập để biết coi các nghị quyết ấy là những chỉ thị cần được áp dụng trực tiếp và ngay lập tức vào thực tế.

Người viết: “nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của giai đoạn không phải là ra những sắc lệnh, tiến hành các cuộc cải tổ mà là lựa chọn người; thiết lập chế độ trách nhiệm cá nhân đối với công việc đang làm; kiểm tra công việc thực tế” (4).

Như vậy, mục đích của công tác kiểm tra theo V.I.Lênin nhằm hoàn thiện quy trình lãnh đạo của Đảng (bao gồm các khâu: ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định và kiểm tra việc thực hiện); phát hiện người tốt, việc tốt; ngăn ngừa vi phạm, giữ gìn kỷ luật của Đảng; thực hiện có kết quả cao nhất các quyết định đã được đưa ra và xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, bộ máy nhà nước, các đoàn thể xã hội ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Điều đó có nghĩa bất kỳ một chủ trương, quyết định, nghị quyết, chỉ thị, chính sách nào dù lớn hay nhỏ đều phải được kiểm tra với kế hoạch, chương trình kiểm tra cụ thể. Bởi vì, khi đã có chủ trương, nghị quyết, chính sách dù là đúng thì vẫn phải tiến hành công tác kiểm tra. Chỉ có kiểm tra và kiểm tra thường xuyên thì những chủ trương, chính sách đó mới hoàn thiện và trở thành hiện thực. 

Điều chúng ta cần lưu ý là việc hiểu về quy trình lãnh đạo bao gồm các khâu cơ bản là: ra quyết định, tổ chức thực hiện quyết định và kiểm tra việc thực hiện chỉ có tính tương đối về mặt nhận thức. Nếu trên thực tế tuyệt đối hóa các khâu của quy trình lãnh đạo thành từng bước riêng rẽ như thực hiện quy trình kiểm tra hiện nay là: bước chuẩn bị, bước tiến hành và bước kết thúc sẽ dẫn đến sai lầm rất nghiêm trọng.

Trong quy trình lãnh đạo, khi tiến hành từng khâu thì luôn phải tiến hành công tác kiểm tra. Kiểm tra ngay từ khi chuẩn bị ra quyết định để xem quyết định đó có đúng hay không, kiểm tra lúc tổ chức thực hiện quyết định và kiểm tra ngay cả những cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm tra. Nếu máy móc thực hiện tuần tự từng bước như để ra quyết định xong, tổ chức thực hiện quyết định rồi mới tiến hành kiểm tra thì chúng ta đã biến công tác kiểm tra thành việc đi “bới móc”, “vạch lá tìm sâu”, kiểm tra chỉ để thi hành kỷ luật bởi đã ra quyết định sai, tổ chức thực hiện sai thì tất yếu khi kiểm tra chỉ còn việc đánh giá xem có sai phạm nhiều hay ít, phải thi hành kỷ luật ở mức nào. Kiểm tra phải được lồng vào tất cả các khâu sẽ có tác dụng ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm ngay từ khi mới manh nha từ lúc ra quyết định hoặc khi tổ chức thực hiện. Trong thực tế, do nhận thức sai dẫn đến khi thực hiện đã tách rời thành những khâu trong quy trình lãnh đạo thành độc lập, thậm chí biệt lập nên hậu quả để lại rất nghiêm trọng. Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật khi đứng trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng từng nói, giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề như vậy.

V.I.Lênin cho rằng, làm tốt công tác kiểm tra sẽ đẩy mạnh cuộc đấu tranh “chống chủ nghĩa quan liêu, nhằm mở rộng dân chủ, phát huy óc sáng kiến, nhằm phát hiện, lột mặt nạ và đuổi ra khỏi Đảng những kẻ lén lút chui vào đảng” (5).

V.I.Lênin khẳng định, kiểm tra tốt sẽ góp phần đấu tranh chống bệnh quan liêu, bệnh giấy tờ: “Trọng tâm công tác của các đồng chí chính là chấn chỉnh lại công việc đang quan liêu đến ghê tởm của chúng ta, là đấu tranh chống bệnh quan liêu giấy tờ, là kiểm tra việc thực hiện.

Kiểm tra việc thực hiện, kiểm tra xem cái gì diễn ra trong thực tế - đó là nhiệm vụ chủ yếu và nhiệm vụ chính của đồng chí” (6). 

2. Về xây dựng cơ quan kiểm tra 

Sau Cách mạng tháng Mười, khi trở thành Đảng cầm quyền, các cơ quan lãnh đạo quan trọng nhất của Đảng được thành lập, bao gồm: Bộ Chính trị, Bộ Tổ chức, Ban Bí thư (tất cả các cơ quan này đều được thành lập sau Đại hội VIII của Đảng Cộng sản (b) Nga vào năm 1919). Trong "Dự thảo nghị quyết về những nhiệm vụ trước mắt của công tác xây dựng Đảng", trình bày tại Hội nghị IX toàn Nga của Đảng Cộng sản (b) Nga, ngày 24-11-1920 có ghi: "thừa nhận sự cần thiết phải thành lập Ban kiểm tra song song với Ban Chấp hành Trung ương, thành phần ban này phải gồm những đồng chí có trình độ nhất định trong lĩnh vực công tác đảng, có kinh nghiệm nhất, không thiên vị và có khả năng thực hiện công tác kiểm tra hoàn toàn theo tinh thần của Đảng. Là một cơ quan do Đại hội bầu ra, Ban kiểm tra phải được quyền thu nhận mọi đơn thư khiếu tố và xem xét các đơn ấy, trao đổi ý kiến với Ban Chấp hành Trung ương, trong trường hợp cần thiết, thì tổ chức những phiên họp chung, liên tịch với Ban chấp hành trung ương hoặc chuyển vấn đề cho đại hội đảng giải quyết" (7).

Ý kiến của V.I.Lênin đã được Hội nghị IX toàn Nga của Đảng Cộng sản (b) Nga thông qua và cơ quan - Ban Kiểm tra Trung ương đã được Đại hội bầu ra. V.I.Lênin chuẩn bị viết: "Tôi đề nghị đại hội bào vào Ban kiểm tra trung ương từ 75 đến 100 (tất cả các con số, đương nhiên đều áng chừng) ủy viên mới, lựa chon trong công nhân và nông dân” (8). 

Thực tế sau hơn một năm hoạt động, Ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra đã làm việc rất có hiệu quả. Tại Đại hội XI Đảng Cộng sản (b) Nga, tháng 3-1922, V.I.Lênin đã đánh giá: "Ban Kiểm tra Trung ương là một cơ quan rất tốt, và bây giờ chúng ta sẽ giao cho nó nhiều quyền hành hơn" (9). V.I.Lênin cho rằng trong Đảng có ba cơ quan đảng, là những cơ quan bảo đảm đầy đủ nhất trong việc chống lại những ảnh hưởng của địa phương và cá nhân, “tức là: Bộ Tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương và Ban Kiểm tra Trung ương. Nên nói thêm rằng cơ quan thứ ba này, tức là Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan chỉ chịu trách nhiệm trước đại hội đảng mà thôi, phải được cấu tạo như thế nào để cho các uỷ viên của mình tuyệt đối khỏi phải kiêm nhiệm thêm chức vụ của bất cứ bộ dân uỷ nào, cơ quan hành chính nào và cơ quan nào của Chính quyền xô-viết" (10). Đến tác phẩm "Chúng ta phải cải tổ Bộ Dân uỷ Thanh tra công nông như thế nào?" viết tháng Giêng năm 1923, V.I.Lênin lại một lần nữa khẳng định: Ban Kiểm tra Trung ương có quyền tham dự vào các kỳ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương - Hội nghị tối cao của Đảng. Người đề nghị trao quyền hạn cụ thể cho các Uỷ viên Ban Kiểm tra Trung ương: “có nhiệm vụ tham dự, với một số lượng nhất định, vào mỗi phiên họp của Bộ Chính trị, sẽ phải là một nhóm cố kết; nó, "không được vị nể cả nhân", phải giữ gìn sao cho không được một uy quyền nào của Tổng Bí thư hay một uỷ viên trong Ban Chấp hành Trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn, kiểm tra các hồ sơ, và nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức đúng đắn” (11). Những uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương có nhiệm vụ (dưới sự lãnh đạo của Đoàn Chủ tịch của họ), xem xét đều đặn tất cả những hồ sơ và tài liệu và còn có quyền kiểm tra hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước.

Để đạt được như vậy, về cách thức tổ chức, theo V.I.Lênin, Ban Kiểm tra “là cơ quan do Đại hội bầu ra” và “chỉ chịu trách nhiệm trước Đại hội Đảng mà thôi, phải được cấu tạo như thế nào để cho các uỷ viên của mình tuyệt đối khỏi phải kiêm nhiệm thêm chức vụ của bất cứ Bộ dân uỷ nào, cơ quan hành chính nào của Chính quyền xô-viết" (12).

Tư tưởng này của V.I.Lênin là nhằm nâng tầm ảnh hưởng của cơ quan kiểm tra vì nếu cơ quan kiểm tra do đại hội bầu ra và chỉ chịu trách nhiệm trước đại hội sẽ làm cho hoạt động của cơ quan này độc lập, không bị chi phối bởi nếu là cơ quan tham mưa giúp việc cho cấp ủy sẽ rất khó đảm báo tính khách quan trong thực hiện nhiệm vụ. 

Về nhiệm vụ và chế độ công tác, V.I.Lênin chỉ rõ: “Ban Kiểm tra phải được quyền thu nhận mọi đơn thư khiếu tố và xem xét các đơn thư ấy, trao đổi ý kiến với Ban Chấp hành Trung ương, trong trường hợp cần thiết thì tổ chức những phiên họp chung, liên tịch với Ban Chấp hành Trung ương hoặc chuyển cho Đại hội Đảng giải quyết” (13). 

Đến năm 1923, một lần nữa V.I.Lênin lại yêu cầu: “Ban Kiểm tra có quyền tham dự vào các kỳ hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương - hội nghị tối cao của Đảng” và Người yêu cầu phải: “Biến Ban này thành cơ quan thật sự đại diện cho lương tri của Đảng và giai cấp vô sản” (14).

Vào năm 1923, tức là sau 5 năm hoạt động của các cơ quan đảng và bộ máy chính quyền Xô viết, V.I.Lênin đã phát hiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo của chúng. Việc cải tổ bộ máy nhà nước Xô viết và các cơ quan đảng theo nguyên tắc "thà ít mà tốt" đã được V.I.Lênin chỉ ra. Ý tưởng hợp nhất hai cơ quan: Bộ Dân uỷ thanh tra công nông với Ban Kiểm tra Trung ương đã được hình thành. V.I.Lênin cho rằng, việc hợp nhất hai cơ quan đó sẽ có ích cho cả hai. Một mặt, Bộ Dân uỷ thanh tra công nông sẽ vì thế mà có được một uy tín rất cao; mặt khác, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cùng với Ban Kiểm tra Trung ương sẽ hoàn toàn trở thành một hội nghị tối cao của Đảng. Rất tiếc, quan điểm này của V.I.Lênin chưa được thực hiện trên thực tế vì Người đã qua đời.

Lênin diễn thuyết trước các chiến sĩ cách mạng Hồng vệ binh
tại Quảng trường đỏ Mátxcơva trong Cách mạng tháng Mười Nga. (Ảnh tư liệu)

 

3. Về xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra 

Không chỉ quan tâm kiện toàn cơ chế tổ chức Ban kiểm tra, V.I.Lênin còn rất quan tâm đến đội ngũ những người làm công tác kiểm tra từ khâu lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến chế độ đãi ngộ. Người quan niệm, những cán bộ kiểm tra phải thật sự là những người mẫu mực nhất, "không thể chê trách được". 

Để trở thành cán bộ kiểm tra, theo V.I.Lênin, người cán bộ đó phải qua lựa chọn cẩn thận, sát hạch, thanh tra kỹ, được đặc biệt tin cẩn và được huấn luyện rất công phu: “Những công nhân mà chúng ta chỉ định là Uỷ viên Ban Kiểm tra Trung ương phải là những người cộng sản không thể chê trách được, và tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nỗ lực lâu dài để huấn luyện cho họ hiểu biết những phương pháp và những mục tiêu công tác của họ” (15). Nội dung kiến thức mà những cán bộ kiểm tra phải tiếp nhận rất phong phú, toàn diện, bao gồm kiến thức lý luận, công tác tổ chức, quản lý nhà nước, pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn v.v. V.I.Lênin viết: "Họ cũng có nhiệm vụ phải học lý luận, nghĩa là lý luận về tổ chức công tác mà họ có ý định chuyên làm; họ cũng sẽ phải thực tập dưới dự lãnh đạo của những đồng chí có kinh nghiệm, hoặc của những giáo sư các viện nghiên cứu cao cấp về tổ chức lao động" (16). Người cán bộ kiểm tra không chỉ được đào tạo trên sách vở - "hoạt động thuần tuý học viện", mà họ sẽ còn phải chuẩn bị để làm những công tác thực tiễn trong cuộc đấu tranh với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước như “...chuẩn bị đi săn, tôi không nói là săn bọn ăn cắp, mà là săn một hạng người cũng đại loại như vậy” (17). 

Đối với thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, theo V.I.Lênin: “Những đồng chí được tuyển lựa sẽ phải trải qua, với tư cách là đảng viên, một cuộc thẩm tra giống như cuộc thẩm tra mà tất cả các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải trải qua, vì các đồng chí ấy sẽ có hết thảy mọi quyền hạn của chức vụ ấy” (18). 

Ngoài công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, V.I.Lênin còn đặc biệt quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với cán bộ kiểm tra nhằm tạo cho họ toàn tâm toàn ý làm việc. Thực tế cho thấy, nếu cán bộ kiểm tra có cuộc sống quá bần hàn và kham khổ thì rất khó yêu cầu họ đứng vững trước mọi cám dỗ đời thường. Người chỉ rõ: "họ sẽ phải có năng lực công tác cao, phải được thanh tra một cách cẩn thận, phải là người đặc biệt tin cẩn, và sẽ được hưởng lương cao giúp cho họ thoát khỏi hoàn cảnh thật sự là khốn khổ (nếu không phải là hơn thế) như hoàn cảnh hiện thời của những viên chức trong Bộ dân uỷ thanh tra công nông" (19). VI.Lênin yêu cầu cán bộ kiểm tra phải thật sự là những người mẫu mực: “Những công nhân mà chúng ta chỉ định là Uỷ viên Ban Kiểm tra Trung ương phải là những người cộng sản không thể chê trách được. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nỗ lực lâu dài để huấn luyện cho họ hiểu biết những phương pháp và những mục tiêu công tác của họ" (20).

4. Những suy nghĩ về việc vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I.Lênin vào công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ kiểm tra đảng nói chung phải bảo đảm các tiêu chuẩn cơ bản sau:

1. Phải tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đây là nhiệm vụ của đảng viên nói chung, đồng thời cũng là yêu cầu nghiêm ngặt và quan trọng đầu tiên đối với người cán bộ kiểm tra. Nếu không trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, không thường xuyên nghiên cứu, nắm vững và trung thành với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chính sách và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thì cán bộ kiểm tra không thể thực hiện được tốt nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng do Điều lệ Đảng quy định và nhiệm vụ cấp uỷ giao.

2. Phải có dũng khí cách mạng, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật cao.

Dũng khí cách mạng và tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ kiểm tra thể hiện ở sự yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề, ý chí phấn đấu để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác; kiên quyết khắc phục và không lùi bước trước mọi khó khăn, trở ngại trong công tác và đời sống; tập trung trí tuệ, năng lực, chủ động và sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ động cơ trong sáng, kiên quyết đấu tranh chống những hành động vô tổ chức, vô kỷ luật, vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Tôn trọng sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên và uy tín của tổ chức đảng. Khi xem xét, kết luận, xử lý kỷ luật phải đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời, có lý, có tình; dám bảo vệ cái đúng, đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm; chịu trách nhiệm đầy đủ với các kết luận, quyết định mà bản thân tham gia thảo luận và biểu quyết. Tác phong công tác phải khoa học, thận trọng, cụ thể, tỷ mỉ; không chủ quan, đơn giản, qua loa, tắc trách.

Cán bộ kiểm tra không những phải có dũng khí cách mạng và tinh thần trách nhiệm cao, mà còn phải có ý thức tổ chức kỷ luật, tự giác và nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và các nguyên tắc, chế độ công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện đúng quy trình, phương pháp công tác kiểm tra; giữ bí mật nội dung, tài liệu, thực hiện đúng quy định về kỷ luật báo cáo, kỷ luật phát ngôn. 

3. Phải trung thực, khách quan, công tâm, trong sạch.

Cán bộ kiểm tra phải có đức tính trung thực, khách quan, công tâm, trong sạch, đó vừa là phẩm chất đạo đức vừa là cơ sở tạo nên sự tin cậy của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên và quần chúng nhân dân đối với cán bộ kiểm tra.

Khi xem xét, đánh giá người và việc, cán bộ kiểm tra phải vì lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng mà nói đúng sự thật, không thiên vị, định kiến, không chen động cơ cá nhân hoặc chạy theo tình cảm riêng tư; không bị chi phối trước bất cứ sức ép nào. Trong điều kiện kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, những nhân tố tiêu cực đang hằng ngày, hằng giờ tác động vào đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng. Do đó, cán bộ kiểm tra phải biết giữ gìn lối sống trong sạch, lành mạnh, không vì lợi ích cá nhân mà làm những điều sai trái, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ cán bộ kiểm tra, hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành, làm tổn hại đến lợi ích và thanh danh của Đảng.

4. Phải có tinh thần đoàn kết đúng đắn và tình cảm cách mạng sâu sắc.

Đoàn kết là nguyên tắc của Đảng, là yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay. Đoàn kết trong Đảng phải trên cơ sở thống nhất về quan điểm chính trị, nguyên tắc tổ chức của Đảng, vì lợi ích chung; không để cho chủ nghĩa cá nhân chen vào làm suy yếu sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết gắn liền với tình cảm cách mạng và tình thương yêu đồng chí.

Khi tiến hành công tác kiểm tra, phải xem xét sự việc một các toàn diện, phải thấu hiểu hoàn cảnh và điều kiện công tác, mặt mạnh, mặt yếu của tổ chức đảng và đảng viên. Mạnh dạn đấu tranh và có phương pháp trong đấu tranh, phê bình; giúp đỡ đồng chí, phân định rõ đúng, sai. Kịp thời cổ vũ mặt tốt, nhân tố mới, bảo vệ những tổ chức và cá nhân làm đúng; có phương hướng khắc phục mặt xấu, tiêu cực; góp phần chủ động phòng ngừa vi phạm kỷ luật của tổ chức đảng và đảng viên. Biết thương yêu, quý trọng đồng chí nhưng không vì thế mà xuê xoa, bỏ qua một cách tuỳ tiện đối với khuyết điểm, sai lầm của đồng chí. Biết nghiêm khắc với khuyết điểm của bản thân, nhưng biết rộng lượng với khuyết điểm của đồng chí. Không xa lánh mà phải gần gũi giúp đỡ đồng chí khi có khuyết điểm, sai lầm.

Có tinh thần đoàn kết và tình cảm cách mạng, cán bộ kiểm tra mới có điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt việc phối hợp công tác trong nội bộ và với các ngành liên quan; góp phần giúp cấp uỷ có giải pháp đúng đắn trong việc giải quyết các hiện tượng mất đoàn kết, bè phái, cục bộ, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Những tiêu chuẩn cơ bản, chủ yếu nêu trên đối với đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng cũng chính là nội dung chủ yếu của văn hoá kiểm tra mà mỗi cán bộ kiểm tra  phải phấn đấu rèn luyện hiện nay./. 

----------------------------------------------
1. (1), V.I.Lê-nin: Toàn tập, t. 35 Nxb Tiến bộ, M, 1975, tr. 243.

2. (2), (3), (4), (6), V.I. Lênin: Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, M., 1978, tr. 450; 449; 452; 445; 

3. (5), V.I. Lênin: Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ, M., 1978, tr. 109.

4. (7), (13), (14) V.I.Lê-nin, Toàn tập, t. 41, Nxb Tiến bộ, M, 1979, tr. 348; 348; 467.

5. (8), (9), (10), (11), (12), (15), (16), (17), (18), (19), (20), V.I.Lê-nin, Toàn tập, t. 45,  Nxb Tiến bộ, M, 1978, tr. 436; 108; 235; 440; 235; 446; 450; 451; 436; 438; 466.

 
 
PGS,TS Lê Văn Cường, Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo: dangcongsan.vn