06/08/2009
Nguyễn Hữu Tiến (1901 - 1941)
Nguyễn Hữu Tiến sinh ngày 5-1-1901 tại thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên. Ngày từ nhỏ, ông đã là người thông minh, thích đọc thơ văn của nhóm Đông Kinh Nghĩa thục và cụ Phan Bội Châu. Những vần thơ yêu nước đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của ông. Lớn lên, ông trở thành chiến sỹ cộng sản kiên cường, bị thực dân Pháp kết án tử hình, sau giảm án xuống án chung thân, chuyển về giam ở Hoả Lò rồi nhà tù Sơn La, sau đó đầy đi Côn Đảo năm 1933.
Tháng 4 – 1935, Chi bộ Côn Đảo lại quyết định tổ chức cho Nguyễn Hữu Tiến và một số đồng chí vượt biển lần thứ hai về đất liền an toàn. Ông được cử về hoạt động ở Hậu Giang, với bí danh Quế Lâm. Sau đó, ông được điều động về Sài Gòn, Chợ Lớn phụ trách cơ quan ấn loạt của Đảng.
Lúc này, ở Pháp, lực lượng phản động đã lên nắm quyền thay Mặt trận Bình dân. Thực dân Pháp ở miền Nam tăng cường đàn áp phong trào cách mạng, ráo riết truy lùng những người cộng sản. Trước tình hình đó, Ban thường vụ Xứ uỷ Nam Kỳ quyết định tổ chức cuộc khởi nghĩa chống lại hoạt động khủng bố của kẻ thù. Các đồng chí trong Xứ uỷ chủ trương cần có một lá cờ làm biểu tượng tập hợp quần chúng cách mạng và nhiệm vụ đó được giao cho Nguyễn Hữu Tiến. Trong ngôi nhà tranh ở xóm Bàn Cờ, Hoóc Môn (Gia Định), ông đã trăn trở suy nghĩ, nhiều đêm thức trắng để tìm hình tượng là cờ cách mạng. Hình ảnh máu đào của các anh hùng, chiến sỹ và quần chúng cách mạng hy sinh vì đất nước dưới ánh sáng soi đường của Đảng đã gợi lên cho Nguyễn Hữu Tiến sáng tác nên lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ Việt Nam. Ngày 23 – 11- 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, lần đầu tiên lá cờ cách mạng được phất cao cùng đoàn quân cách mạng, thôi thúc quần chúng đấu tranh.
Ngày 30 – 7 – 1940, Nguyễn Hữu Tiến bị địch bắt. Ngày 26 – 8-1941, thực dân Pháp đã đem Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn tại Hoóc Môn, Gia Định./.
(Theo Hà Nam)