UBND thị xã Duy Tiên lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cộng đồng dân cư về nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thị xã đến năm 2050   |    MTTQ xã Mộc Nam tổ chức Đại hội lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024-2029   |    Đại hội đại biểu Ủy ban MTTQ xã Yên Nam lần thứ XX, nhiệm kỳ 2024 - 2029   |    Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên phường Bạch Thượng lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029   |    Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị lễ phát động tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người và ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân   |    Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Duy Tiên tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách xã hội năm 2024   |   

Sitemap  

Tổng quan
Điều kiện tự nhiên
Bản đồ hành chính
Hệ thống tổ chức
Thành tựu phát triển KT-XH
Định hướng phát triển KT-XH
Khu CN, cụm CN-TTCN
Các dự án đầu tư
Làng nghề
Cơ chế chính sách
Sơ đồ hệ thống tổ chức
Lịch sử - Văn hoá
Danh nhân
Phong tục-Tập quán
Lịch sử Đảng bộ thị xã
Ẩm thực
Văn nghệ
Lễ hội
Kinh tế - Chính trị
Văn hoá - Xã hội
An ninh - Quốc phòng
Khoa học - Công nghệ
Tin tức
Trong nước
Quốc tế
Dự báo thời tiết
Văn bản của thị xã
Báo cáo
Văn bản chỉ đạo (giấy mời,công văn,quyết định)
Tài liệu tham khảo
Thông báo đấu giá đất
Đăng nhập PM một cửa điện tử
Tài liệu tập huấn
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020
TTHC thị xã
Lĩnh vực Công an
Lĩnh vực Giáo dục
Lĩnh vực Nội vụ
Lĩnh vực tài nguyên
Lĩnh vực Xây dựng - Giao thông
Lĩnh vực Nông nghiệp
Lĩnh vực Thanh tra- Tài chính- Văn hóa- Thông tin TT
Lĩnh vực Kế hoạch - đầu tư; Công thương
Lĩnh vực Quân sự- Quốc phòng
Lao động- TB-XH
TTHC cấp xã, phường
Công an
Lao động TBXH
Y tế- Văn hóa và Thanh tra
Tài nguyên MT và Tài chính
Kế hoạch đầu tư
Nội vụ
Nông nghiệp và giao thông VT
Giáo dục ĐT và Công thương
Tư pháp
Quốc phòng Quân sự
Sức khoẻ - Đời sống
Gương người tốt việc tốt
Khuyến học-Khuyến tài
Lịch tiếp công dân
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Văn bản QPPL
Lĩnh vực hộ tịch
Trung ương
Thủ tục Công an và Thanh tra
thủ tục Công thương
Tỉnh
Y tế- Văn hóa- Thanh tra
Công an
Thư viện ảnh
Xin ý kiến góp ý của nhân dân
Lấy ý kiến của cử tri về Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Duy Tiên
Lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của huyện Duy Tiên
Lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thị xã Duy Tiên lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước
Chào mừng Đại hội Đảng các cấp
QH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Mặt trận Tổ quốc các cấp
Luật và các văn bản liên quan
Thành lập thị xã Duy Tiên
Cải cách hành chính
Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội
LIÊN KẾT WEBSITE
Cơ quan Đảng, Nhà nước
Các Tỉnh, thành phố
Thông tin đại chúng
THỐNG KÊ
Lịch sử - Văn hoá >> Lịch sử Đảng bộ thị xã

LỜI GIỚI THIỆU
 
Huyện Duy Tiên thuộc tỉnh Hà Nam là địa phương có lịch sử lâu đời, giàu truyền thồng yêu nước và cách mạng. Từ xa xưa dưới các triều đại Phong kiến, trong huyện đã có 33 vị tiên hiền là Tiến sĩ, Tướng công, Bảng nhãn, Thám hoa, Phó bảng. 78 vị Hương cống (cử nhân), 31 vị sinh đồ và tú tài. Với số người đỗ đạt cao nhất của tỉnh đã góp phần tạo dựng nên miền quê địa linh nhân kiệt.
Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, Duy Tiên là nơi sớm đón nhận ánh sáng cách mạng của Đảng, là nơi sinh ra người đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam kiên cường - Nguyễn Hữu Tiến, người vẽ lá cờ Tổ quốc.Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Duy Tiên đã thực hiện diệt ác, phá tề, vây đồn, diệt bốt, để giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 20 tháng 8 năm 1945 và tiêu diệt địch giải phóng hoàn toàn quê hương vào ngày 3 tháng 7 năm 1954.
Thời kỳ 1954 - 1975, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng, vừa thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã kết thúc, nhưng chiến công của quân và dân Duy Tiên mãi mãi còn vang dội. Những anh hùng liệt sỹ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, bà mẹ sông Hồng và biểu tượng 10 cô gái Lam Hạ đã dũng cảm hy sinh trong trận chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ đã trở thành những huyền thoại sống mãi trong lòng người dân Duy Tiên và lưu danh mãi mãi là tấm gương chói lọi cho các thế hệ mai sau.
Bước vào thời kỳ cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, nhân dân Duy Tiên đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, tạo ra những bước tiến vượt bậc trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nền sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp luôn đạt cao nhất tỉnh.
Với những thành tích nổi bật trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, huyện Duy Tiên và 7 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Xã Đọi Sơn, xã Lam Hạ được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hai đơn vị là hợp tác xã nông nghiệp xã Châu Giang, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Yên Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Phát huy truyền thống hiếu học, ngày nay đã có hàng ngàn Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, Kỹ sư đã kế tiếp lớp trước trưởng thành và đang giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước phục vụ trên khắp mọi miền đất nước và làm giàu cho quê hương Duy Tiên trên con đường hội nhập và phát triển.
Nhằm giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng và nâng cao lòng tự hào dân tộc. Thực hiện Chỉ thị số 15 - CT/ TW, ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Thông tri số 27 - TT/TU, ngày 26/4/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Nam; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Duy Tiên lần thứ XXI về công tác sưu tầm, nghiên cứu và biên tập lịch sử Đảng bộ; Ban chấp hành Đảng bộ khoá XXI đã chỉ đạo trực tiếp sưu tầm, biên tập lịch sử giai đoạn 1975 – 2005 và bổ sung, hoàn chỉnh toàn bộ cuốn Lịch sử Đảng bộ thời kỳ 1930 – 2005.
Kế thừa những kết quả nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện các khoá từ XVIII – XX, được sự giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sự đóng góp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện; Đến nay cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên thời kỳ 1930 – 2005 đã hoàn thành.
Cuốn sách được biên soạn thành 3 phần, 8 chương:
Phần thứ nhất:Tiếp thu đường lối cách mạng của Đảng. Tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương (1930 – 1954).
Phần thứ hai: Đảng bộ lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội góp phần chi viện cho cách mạng miền Nam, đấu tranh thống nhất Tổ quốc (1954 – 1975).
Phần thứ ba: Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975 – 2005).
Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2009) và 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2009); Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện Duy Tiên xin trân trọng giới thiệu tới Đảng bộ và nhân dân trong huyện cùng bạn đọc cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Duy Tiên giai đoạn 1930-2005”.
Cuốn sách ghi lại những sự kiện lịch sử 75 năm qua dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã vượt qua khó khăn, thử thách để cùng cả nước giành chính quyền về tay nhân dân, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thắng lợi và thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Mặc dù bộ phận sưu tầm, biên soạn đã có nhiều cố gắng trong sưu tầm, nghiên cứu, biên tập; Song chắc chắn sẽ không tránh khỏi những sai sót. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, phê bình, bổ sung của bạn đọc để cuốn sách ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Duy Tiên xin chân thành cảm ơn Tỉnh uỷ, các ban ngành của Tỉnh Hà Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện, các đồng chí cán bộ ở các nơi đã từng tham gia công tác ở huyện Duy Tiên và toàn thể nhân dân đã cung cấp tư liệu lịch sử để chúng tôi hoàn thành cuốn sách này.
 
T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN
 
BÍ THƯ
 
 
CHU TIẾN HIỆP
PHẦN THỨ NHẤT
TIẾP THU ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG
TIẾN HÀNH ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1930 - 1954)
CHƯƠNG MỞ ĐẦU
TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI CỦA HUYỆN TRONG THỜI KỲ THỰC DÂN PHONG KIẾN THỐNG TRỊ
Huyện Duy Tiên nằm ở phía bắc của tỉnh Hà Nam, là huyện được hình thành khá sớm, ngay từ thời kỳ Hùng Vương dựng nước người Lạc Việt đã đến lập nghiệp ở vùng đất này. Trong các di chỉ khảo cổ học đã được khai quật như: khu mộ cổ Yên Từ (xã Mộc Bắc); khu mộ cổ Đọi Nhất (xã Đọi Sơn); cánh đồng Quan Nha (xã Yên Bắc) đã tìm thấy nhiều hiện vật như: giáo đồng, thố đồng, mai sắt, trống đồng (ở Văn Xá, Vũ Xá, Lũng Xuyên) và một số công cụ sản xuất như nhíp gặt...
Tổ chức làng cổ ở Duy Tiên với nhiều bản hương ước có giá trị trong việc duy trì làng, xã, thôn như: Văn Xá, Nguyễn Xá, Ngô Xá, Lương Xá, Lê Xá... là biểu hiện điểm tụ cư dân đầu tiên do ông tổ cùng họ đến lập làng, chạ. Sau khi các dòng họ đã phát triển đông thì chia ra từng giáp như: Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp Ba...
Từ xa xưa, mảnh đất này đã có tên gọi là “Phù Vân”, sau đó được đổi là Duy Tân. Đến thời vua Lê Kính Tông (1600 - 1619) vì phạm huý, nên mảnh đất Duy Tân lại được đổi là Duy Tiên. Tên huyện Duy Tiên bây giờ có từ thời đó.
Trước năm 1890 huyện Duy Tiên thuộc phủ Thường Tín, sau đó lại thuộc phủ Lỵ Nhân, trấn Sơn Nam Thượng. Huyện có 6 tổng: Bạch Sam, Hoàng Đạo, Hồng Khê, Nguyễn Xá, Đọi Sơn, Lam Cầu và 60 xã, thôn, phường, trang.
Ngày 20/10/1890 thực dân Pháp cắt một phần đất của tỉnh Hà Nội và Nam Định để thành lập tỉnh Hà Nam. Chúng cắt hai tổng Mộc Phàm và tổng Chuyên Nghiệp của huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín và tổng Trác Bút huyện Nam Xang, phủ Lỵ Nhân nhập vào huyện Duy Tiên. Huyện Duy Tiên bị cắt đi một số xã của tổng Đọi Sơn.
Từ năm 1901 để thiết lập bộ máy cai trị của huyện và xã, thực dân Pháp đã tiến hành chia Duy Tiên ra làm 9 tổng, 88 xã, 160 làng; huyện lỵ đóng tại thôn Lão Cầu (tổng Lam Cầu). Hiện nay, Duy Tiên có 21 xã thị trấn, Hoà Mạc là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của toàn huyện. Huyện Duy Tiên nằm ở phía Đông sông Đáy, phía Tây sông Hồng, Phía Bắc sông Nhuệ, phía Nam sông Châu. Chạy từ Bắc xuống Nam huyện là đường quốc lộ 1A nối liền thị trấn Đồng Văn với Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định. Từ Đồng Văn đi thị trấn Hoà Mạc, ra bến đò Yên Lệnh sang thị xã Hưng Yên là đường 60 (nay là Quốc lộ 38A). Từ thị trấn Hoà Mạc xuống các xã phía Nam là đường 61(nay là đường 9711).
Duy Tiên phía Bắc giáp huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội), phía Nam và Đông Nam giáp với huyện Bình Lục, Thanh Liêm và Lý Nhân, Phía Đông giáp thị xã Hưng Yên tỉnh Hưng Yên, phía Tây giáp với huyện Kim Bảng. Với địa thế 4 mặt là sông nước, lại có mạng lưới giao thông đường bộ thuận tiện, đã tạo điều kiện phục vụ đắc lực cho việc phát triển kinh tế, xây dựng quốc phòng trong huyện.
Duy Tiên có diện tích tự nhiên là 142km2, trừ 2 khu vực núi Điệp và núi Đọi, địa hình trong huyện không bằng phẳng. Toàn huyện có 29.900 mẫu ruộng canh tác, chủ yếu là đồng chiêm trũng, hàng năm chỉ cấy được 1 vụ, năng suất rất thấp chỉ đạt khoảng 1.300kg/ha/năm. Ngoài cây lúa, người dân còn trồng thêm một số cây khác như: khoai lang, ngô, đỗ, lạc, mía, đay...
Một số xã ở gần sông Hồng như Mộc Hoàn Bắc, Mộc Hoàn Nam, Chuyên Nghiệp Nội, Chuyên Nghiệp Ngoại đã phát triển nghề vớt cá bột, đánh cá và thả cá, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi gà vịt...
Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhân dân trong huyện còn phát triển nhiều nghề thủ công như: đan thúng, dệt go và nhiều mặt hàng thủ công tinh xảo khác như trong sách Hoàng Lê Nhất thống chí đã từng chép: “Lụa Nha Xá, hàng song mây Ngọc Động, thợ mộc sành nghề đều có cả...”.
Trong quá trình tồn tại và phát triển của mình, người dân Duy Tiên từ bao đời nay đã phải chống chọi với thiên tai hết bão lụt lại hạn hán. Để chiến thắng họ phải đoàn kết với nhau, lao động cần cù sáng tạo. Chính vì vậy đã hun đúc nên tình yêu quê hương, ý chí kiên cường và lòng dũng cảm của nhân dân nơi đây. Đức tính đó càng được nhân lên gấp bội mỗi khi có giặc ngoại xâm tràn vào đất nước, xâm chiếm quê hương. Nhân dân Duy Tiên đã từng đứng lên chiến đấu oanh liệt, bảo vệ từng tấc đất cha ông mà sử sách từ xa xưa đến nay vẫn lưu truyền, ca ngợi như những thần tích ở đình làng Tường Thuỵ (xã Trác Văn), đình đá thôn An Mông (xã Tiên Phong)...
Hiếu học cũng là truyền thống quý báu của người dân Duy Tiên. Tính siêng năng, khắc phục khó khăn trong học tập, nâng cao trí lực, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh với những tấm gương học rộng, tài cao đỗ đạt trong các triều đình phong kiến như: Tiến sỹ Nguyễn Công Thành người làng Dưỡng Hoà (nay là thôn An Mông, xã Tiên Phong), tiến sỹ Trương Minh Lượng người làng Nguyễn Xá (nay là thôn Nguyễn Xá, xã Tiên Nội), thám hoa Nguyễn Quốc Hiệu người làng Cái Thứa (nay là thôn Phú Thứ, xã Tiên Hiệp)...
Trải qua nhiều thế kỷ phát triển kinh tế - văn hoá và xã hội, đến những năm cuối thế kỷ XX, dân số trong huyện đã đông tới 120.000 người, bình quân gần 1000 người/km2. Người dân sống trong huyện đều là dân tộc Kinh, tôn giáo chủ yếu là đạo Phật và một số ít theo đạo Thiên chúa.
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng câu kết chặt chẽ với chế độ phong kiến để áp bức ,bóc lột nhân dân. Vì vậy cuộc sống của nhân dân ở các thôn xóm ngày càng bị bần cùng hoá, sự mâu thuẫn xã hội ngày càng lên cao. Nhân dân quanh năm lao động vất vả, lam lũ cơ hàn mà vẫn không đủ ăn, cảnh túng bẫn, nợ nần, buộc chặt lấy cuộc đời của người nông dân như những lời thề truyền kiếp:
Bao giờ thôn Tiêu có đình
Làng Gạo sạch nợ thì mình lấy ta
Bao giờ đồng Láng Quan Nha
Mà cạn hết nước thì ta lấy mình.
Dưới chế độ thực dân, phong kiến, mâu thuẫn giữa dân tộc ta với đế quốc Pháp, mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ diễn ra ngày càng sâu sắc. Có áp bức, có đấu tranh, nhân dân Duy Tiên vốn có truyền thống bất khuất lâu đời. Ngay từ khi thực dân Pháp mới đặt nền thống trị trên đất Hà Nam, nhân dân Duy Tiên đã hăng hái theo lời kêu gọi của các sĩ phu yêu nước, vùng dậy đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và bọn quan lại phong kiến, tay sai. Nhiều người đã tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào chống Pháp do Đề Yêm khởi xướng.
Đầu thế kỷ XX, kép Trà người làng Lê Xá (nay thuộc xã Châu Sơn), nhà thơ nổi tiếng đã dùng văn thơ làm vũ khí đấu tranh, đả kích bọn cường hào, tay sai bán nước, hại dân. Nông dân An Bảo (Tiên Xá Ngoại) tổ chức đấu tranh không nộp tô 83 mẫu ruộng cho tên Bùi Hướng Thành đã giành được thắng lợi.
Những cuộc đấu tranh lúc đó tuy có đạt được một vài thắng lợi nhưng còn rất hạn chế, vì những người nông dân bị áp bức bóc lột quá nặng, họ tự phát vùng dậy đấu tranh ở một vài nơi, chống lại địa chủ cường hào, chưa có một tổ chức do giai cấp tiên phong lãnh đạo. Song những cuộc đấu tranh đó là sức mạnh khơi nguồn nối tiếp truyền thống yêu nước, nung nấu thêm tinh thần và ý chí cách mạng của người dân Duy Tiên.
 
CHƯƠNG I
ĐẢNG BỘ DUY TIÊN RA ĐỜI LÃNH ĐẠO CUỘC ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1930 - 1945)
I/ Đảng bộ ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng (1930 - 1931).
Do chính sách vơ vét, khai thác bóc lột thuộc địa tàn nhẫn của thực dân Pháp, đồng thời thiên tai, hạn hán xảy ra liên tiếp, đời sống nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Duy Tiên nói riêng càng thêm điêu đứng, khổ cực. Giá nông sản xuống thấp, sưu thuế ngày càng nặng thêm, không những bần cố nông bị lao đao mà cả một số trung nông, phú nông cũng bị phá sản.
Trước tình cảnh đó nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác là vùng đứng lên đánh đổ chế độ áp bức bóc lột của đế quốc, tay sai để giải phóng cho mình. Những năm đầu thế kỷ XX, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc và xu hướng cách mạng vô sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của Người truyền bá về trong nước đã có ảnh hưởng sâu sắc tới Duy Tiên. Nhiều tài liệu sách báo đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, đặc biệt là trong hàng ngũ giáo viên và học sinh của huyện. Người đầu tiên được giác ngộ và truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin ở Duy Tiên là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, một giáo viên dạy học quê ở Lũng Xuyên, xã Yên Khê Bắc.
Năm 1925- 1926, cả nước dấy lên làn sóng đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh, phong trào yêu nước mạnh mẽ đó đã dội về Duy Tiên, lay động những trái tim tràn đầy nhiệt huyết yêu nước. Hoà trong làn sóng đấu tranh của cả dân tộc, ở Duy Tiên đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã vận động một số thanh niên, học sinh tiến bộ như: Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Văn Phác, Bùi Xuân Lan... đi dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh ở nghĩa trang Bắc Tế thành phố Nam Định. Khi đi các đồng chí mang theo bức trướng đề dòng chữ “Tinh thần bất tử” để tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với tấm lòng yêu nước của cụ Phan. Sau đó đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và đồng chí Nguyễn Văn Trưởng còn đi dự buổi xử án của thực dân Pháp đối với nhà yêu nước Phan Bội Châu tại Hội đồng đề hình- Hà Nội. Vụ án này đã có tác động sâu sắc khơi dậy lòng căm thù, tinh thần yêu nước của những người con quê hương Duy Tiên đặc biệt là đối với Nguyễn Hữu Tiến.
Năm 1927, tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội (Hội Việt Nam cách mạng thanh niên), một tổ chức cách mạng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 ở Trung Quốc đã phát triển về Nam Định, Phủ Lý rồi từ đó phát triển về nông thôn. Cũng từ năm 1927, Nguyễn Hữu Tiến được đồng chí giáo Việt và một số bạn bè bí mật trao cho các sách báo cách mạng như báo “Nhân Đạo” của Đảng cộng sản Pháp, báo “Người cùng khổ”, tư tưởng cách mạng vô sản đã thấm sâu vào tư tưởng của anh và năm ấy cùng một số đồng chí được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở thôn Lũng Xuyên. Đây là chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên của Duy Tiên do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tuyên truyền và phát triển. Chi bộ đầu tiên có 3 đồng chí gồm Nguyễn Hữu Tiến, Vũ Hưng (tức Uyển) và Trần Tử Yến. Đến cuối 1927, chi bộ đã kết nạp thêm một số hội viên ở Thận Tu, Quan Nha, Hoà Mạc và Văn Bút.
Cuối năm 1927 đầu năm 1928, đồng chí Đào Gia Lựu được tỉnh bộ Việt Nam cách mạng thanh niên phân công đặc trách Hà Nam. Về Duy Tiên đồng chí Đào Gia Lựu liên lạc với đồng chí giáo Dương quê ở Bối Cầu (Bình Lục) đang dạy học ở Hoà Mạc. Đồng chí Dương và đồng chí Lựu đến gặp đồng chí Nguyễn Doãn Chấp quê ở Hoàng Giang, Hoằng Hoá,Thanh Hoá đang dạy học ở Tường Thuỵ, tổng Chuyên Nghiệp để tuyên truyền giác ngộ cách mạng, đồng thời giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp tuyên truyền, phát triển vào các thôn: Tường Thuỵ, Trì Xá, Yên Lệnh của tổng Chuyên Nghiệp. Sang năm 1928, từ chi bộ thôn Lũng Xuyên đã lập được Hội học sinh trong trường học.
Tóm lại, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thâm nhập vào Duy Tiên khá sớm, đã được phát triển mạnh về tổ chức và công tác tuyên truyền.
Tháng 8 năm 1928, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời là sự kiện quan trọng, đã đáp ứng được yêu cầu của cách mạng trong nước và nguyện vọng của quần chúng nhân dân lao động. Cho nên sau khi tuyên ngôn của Đông Dương cộng sản Đảng được công bố, những hội viên ưu tú nhất trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã được gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng (Lúc ấy thường gọi là “Chuyển Đảng”).
Ngày 19/6/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định được thành lập. Tháng 10/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng Nam Định đã cử đồng chí Lê Công Thanh về Hà Nam xây dựng chi bộ Đảng.
Sau khi xây dựng được chi bộ ở Bình Lục (tháng 10/1929), đầu tháng 11/1929 đồng chí Đông Sơn đưa đồng chí Lê Công Thanh về Duy Tiên gặp đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đang dạy học ở Tường Thuỵ và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến dạy học ở làng Lũng Xuyên để bàn bạc thực hiện “Chuyển Đảng”.
Trên cơ sở lựa chọn các hội viên ưu tú của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, năm ngày sau đã thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở trường học cạnh miếu (Đệ Tứ) thôn Tường Thuỵ. Chi bộ gồm 6 đảng viên: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Doãn Chấp, Vũ Uyển (tức Hưng), Nguyễn văn Trạc, Phạm văn Tô, Phạm Văn Bình (tức Phó Đoàn); đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được cử làm Bí thư chi bộ.
Tháng 7/1930, đồng chí Trần Phú (Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng) đã về Nam Định làm việc với Tỉnh uỷ và khảo sát phong trào công nhân.
Tháng 9/1930, tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Trạc làng Lũng Xuyên, Đảng bộ Hà Nam họp, có đầy đủ đại biểu các huyện tham dự. Hội nghị chủ trương: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc, người cày có ruộng, tăng cường phát triển Đảng và các tổ chức quần chúng; Tăng cường rèn luyện đảng viên qua đấu tranh”. Hội nghị cử ra Ban Tỉnh uỷ lâm thời gồm 3 đồng chí : Lê Công Thanh, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Duy Huân. Đồng chí Lê Công Thanh làm Bí thư.
Trên cơ sở đó các chi bộ Đảng đã lựa chọn trong nhân dân có tinh thần hăng hái cách mạng, tổ chức họ vào Nông hội đỏ, làm nòng cốt cho phong trào quần chúng rộng rãi, nhờ vậy các tổ chức quần chúng trong huyện phát triển khá mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Đến tháng 4/1931, toàn huyện có 81 hội viên Nông hội đỏ ở các làng: Lũng Xuyên, Thận Tu, Quan Nha, Hoà Mạc, Văn Bút, Lệ Thuỷ, Tường Thuỵ, Chìa Xá, Chuôn, Nguộn, Mang Sơn, Đỗ Nội, Thôn Trung... Ngoài ra Đảng còn đưa một số người vào các tổ chức như: Xích Trợ, Xích vệ hội viên.
Làng Lũng Xuyên đã trở thành cơ sở cách mạng của huyện và của tỉnh Hà Nam. Việc canh gác được tổ chức thường xuyên để theo dõi người lạ mặt, nhất là khi phát hiện bọn mật thám vào làng thì đánh chống, thổi tù và báo hiệu.
Trong những năm 1930- 1931 Duy Tiên đã được Tỉnh uỷ Hà Nam tin tưởng đặt trụ sở cơ quan lãnh đạo của tỉnh tại làng Lũng Xuyên, cũng là cơ sở an toàn để cán bộ của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ qua lại ăn ở thường xuyên. Cơ quan ấn loát cũng được đặt tại nhà đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ở Lũng Xuyên do đồng chí Tiến phụ trách. Các báo như “Búa liềm”, “Quân nhân”, “Vô sản” và nhiều khẩu hiệu truyền đơn in ra được các gia đình ông Trạc, bà Thân cất giấu cẩn mật.
Từ cuối năm 1929 đến 1931 trong huyện đã tổ chức 11 cuộc treo cờ búa liềm và trên 20 cuộc mít tinh rải truyền đơn vào những ngày kỉ niệm 1/5, kỉ niệm Cách mạng tháng Mười Nga. Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 1930, các chi bộ Đảng đã lãnh đạo đảng viên và quần chúng cách mạng đi rải truyền đơn và treo cờ Đảng ở nhiều nơi trong huyện để tuyên truyền sự ra đời của Đảng. Cờ búa liềm đã được treo trên các ngọn cây đa, cây gạo cao to như: cây gạo đình Lũng Xuyên, cây đa dốc Lương Xá (Yên Khê Bắc), cây đa miếu Đồng Văn (Hoàng Đạo Đông), cây đa chùa Yên Lạc (Mộc Hoàn Nam), ba hàng Quan Phố (Chuyên Nghiệp Ngoại), Chìa Xá, Thôn Đông, thôn Đoài (Trác Bút), bến đò Mom, Cầu Giát (Trác Văn) và ở trên đỉnh núi Đọi, núi Điệp....
Để tiếp tục giới thiệu sự ra đời của Đảng, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và vận động quần chúng đấu tranh, Đảng bộ huyện đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, lớn nhất là cuộc mít tinh ở đền Lảnh (thuộc Yên Lạc, xã Mộc Hoàn Nam).
Tháng 9/1930, được sự giúp đỡ của Ban tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam, Đảng bộ đã lợi dụng ngày hội đền Lảnh để tổ chức cuộc mít tinh rộng lớn. Các chi bộ đã huy động trên 200 người gồm: đảng viên, cán bộ, hội viên, nông hội đỏ và các tổ chức quần cách mạng. Từ các ngả đường, đoàn người tiến về tập trung ở Ba Hàng ra Dốc Lệnh, đi theo đê Đại Hà hướng về đền Lảnh. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trong ban lãnh đạo tỉnh chỉ huy vừa đi vừa giải truyền đơn và hô vang khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp và phong kiến, chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức bóc lột...”.
Tháng 1/1931, Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam họp tại nhà ông trưởng thôn Lũng Xuyên, có đại diện của Xứ uỷ và 13 đại biểu của các huyện, thị xã tham dự. Hội nghị làm việc trong 3 ngày để học tập Luận cương chính trị, nghiên cứu Điều lệ Đảng, kiểm điểm công tác trong năm qua và đề ra nhiệm vụ công tác mới. Hội nghị cũng đã thông qua Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ nhất (10/1930) về việc đổi tên Đảng thành Đảng cộng sản Đông Dương. Hội nghị đã bầu ra ban Tỉnh uỷ chính thức gồm 7 đồng chí và đồng chí Lê Công Thanh được bầu làm Bí thư. Huyện Duy Tiên được vinh dự có 3 đồng chí tham gia Ban Tỉnh uỷ: Nguyễn Hữu Tiến (phụ trách tuyên truyền và huấn luyện của Đảng bộ), Vũ Hưng (phụ trách huyện Lý Nhân), Phạm Văn Tô (phụ trách và làm Bí thư huyện uỷ Duy Tiên).
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ Hà Nam, Đảng bộ Duy Tiên rất coi trọng công tác nội bộ, chống tư tưởng cầu an, đẩy mạnh hoạt động để chống lại sự khủng bố của địch. Trên cơ sở tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ của quần chúng, Đảng bộ đã hướng quần chúng đấu tranh đòi các quyền lợi trước mắt như: bài trừ các hủ tục lạc hậu đang là gánh nặng cho nhân dân lao động. Được nhân dân đồng tình ủng hộ, chi bộ Lũng Xuyên còn lãnh đạo nhân dân đấu tranh phá lệ tế quan ôn, giảm nhẹ lệ tế quan viên...
Ngày 26/2/1931, nhân việc một đồng chí đảng viên bị ốm, chi bộ Văn Bút đã vận động Nông hội đỏ, Công nông, Tương tế và nhân dân tổ chức làm lễ truy điệu, dùng bức trướng đề 4 chữ “Kỳ nhân như ngọc”, gần 100 người dự lễ đều đeo băng tang. Qua đám tang này chi bộ Văn Bút đã thành công trong việc vận động nhân dân chống lại các hủ tục ma chay tốn kém. Như vậy cùng với sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tổ chức cơ sở đảng ở Duy Tiên cũng được thành lập. Đó là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng huyện nhà. Ngay từ khi được thành lập, chi bộ đã chú ý đi sâu vào tuyên truyền, giáo dục đưa quần chúng ra đấu tranh.
Qua thực tế phong trào cách mạng trong huyện, Đảng bộ đã nhận thức được vai trò lãnh đạo của Đảng, nên đã ra sức xây dựng Đảng trên các mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Song trong công tác xây dựng Đảng cũng có một số hạn chế: cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng chưa phát triển đều khắp trong huyện, mới chỉ tập trung ở những nơi gần, có phong trào ở khu trung tâm, Đông Bắc huyện, phía Nam huyện hầu như không có cơ sở Đảng.
II/ Kiên trì chống địch khủng bố, giữ gìn cơ sở, tổ chức đẩy mạnh đấu tranh trong phong trào đòi dân sinh, dân chủ (1932 - 1939).
Từ tháng 3/1931 đến tháng 5/1932, thực dân Pháp tổ chức 6 cuộc lùng bắt cán bộ, đảng viên ở 16 làng trong huyện. Chúng đã bắt 51 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Chúng xét hỏi, tra tấn rất dã man, trong đó có 2 đồng chí Tỉnh uỷ viên là đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và Phạm Văn Tô và 3 đồng chí là Huyện uỷ viên là đồng chí Đặng Xuân Tiếp, Phạm Văn Bình và Vũ Văn Bạch.
Địch khủng bố mạnh ở Duy Tiên bắt đầu từ thôn Văn Bút (Trác Văn) trong dịp chi bộ Văn Bút tổ chức truy điệu 8 nông dân Tiền Hải (Thái Bình). Chi bộ chủ trương dựa vào ngày lễ Thượng Nguyên để tổ chức lễ truy điệu tại chùa Văn Bút. Việc chuẩn bị có phần chủ quan, sơ hở, cho nên bọn hương lý biết được ý định của chi bộ, chúng cho người lên tỉnh báo với công xứ Hà Nam và tuần phủ Lê Nhiếp. Vì vậy chúng hô quân về vây bắt và giải tán đám lễ. Kết quả 3 đảng viên và 7 hội viên nông hội đỏ và công nông tương tế bị bắt.
Ngày 25/5/1931, tên Nghiêm Thượng Biền Xứ uỷ Bắc kỳ đã phản bội, dẫn mật thám đến vây bắt các đồng chí lãnh đạo cách mạng của một số tỉnh tại số nhà 165 phố Gia Long- Hà Nội, trong đó có 2 đồng chí là Tỉnh uỷ viên của Hà Nam, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến bị kết án 20 năm tù khổ sai. Cuộc vây bắt lần này là một tổn thất cho phong trào cách mạng của tỉnh Hà Nam trong đó có Duy Tiên. Mặc dù địch ra sức khủng bố, bắt bớ nhưng chúng không thể triệt phá hết được các cơ sở cách mạng trong toàn huyện. Một số tổ chức quần chúng tuy ngừng hoạt động, nhưng ở những nơi có phong trào cách mạng thời kỳ 1930- 1931 lại trở thành những căn cứ địa để mở rộng phong trào cách mạng cho thời kỳ sau.
Tháng 9/1936, chính phủ cánh tả Pháp lên cầm quyền đã thi hành một số quyền tự do dân chủ ở chính quốc và thuộc địa như: ân xá tù chính trị, ban bố một số quyền tự do dân chủ... Những chính sách tuy rất hạn chế đó của Pháp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng ở Đông Dương phát triển.
Tháng 7/1936, Trung ương Đảng họp, căn cứ vào Nghị quyết 7 của Quốc tế cộng sản đã quyết định: Tạm thời không nêu khẩu hiệu đánh đổ đế quốc Pháp tịch thu ruộng đất của địa chủ chia cho dân cày mà tập trung chống bọn phản động thuộc địa, tay sai của chủ nghĩa phát xít, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình. Chủ trương thành lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi, sau đó đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương.
Đầu năm 1938, Ban Tỉnh uỷ chính thức Hà Nam được thành lập, Tỉnh uỷ đã đề ra một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh việc tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và đường lối của Đảng; Tăng cường củng cố, phát triển cơ sở Đảng; Lợi dụng mọi hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp, tập hợp lực lượng phát động quần chúng đấu tranh, chống hủ tục, chống áp bức, đẩy mạnh phong trào truyền bá quốc ngữ.
Ở Duy Tiên, một số đảng viên và quần chúng cách mạng, thông qua sách báo công khai của Đảng đã tuyên truyền, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức nhằm đòi lại tự do, dân chủ, hoà bình, chống mê tín dị đoan, chống bọn cường hào, hương lý tham nhũng.
Trong những năm 1936- 1937, ở Lũng Xuyên cũng như một số xã trong huyện, Mặt trận thống nhất dân chủ đã vận động quần chúng tổ chức đấu tranh bỏ một số tục lệ phong kiến như: lệ Khai hạ, lệ Tư văn... lấy ra được một số ruộng công điền. Cuộc đấu tranh kéo dài gần một năm, mặc dù bọn thống trị ra sức bênh vực cho bọn tay sai nhưng nhân dân vẫn kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi.
Phong trào tìm và đọc sách báo tiến bộ được phát triển ở một số nơi trong huyện. Cuối năm 1937, ở khu vực Đọi Sơn và Điệp Sơn tổ chức Thanh niên dân chủ được thành lập, hàng ngày tổ chức đọc sách báo của Đảng, mở lớp truyền bá chữ quốc ngữ, thành lập đội bóng đá ở Điệp Sơn...
Tháng 5/1938, thực dân Pháp bày ra cuộc bầu cử viện dân biểu Bắc kỳ, cuộc bầu cử được tiến hành xuống đến huyện. Tỉnh uỷ Hà Nam chủ trương đưa đồng chí Nguyễn Bá Ương ra tranh cử, nhằm tạo điều kiện công khai tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng. Lợi dụng mọi điều kiện đấu tranh công khai, hợp pháp, ban vận động ở Duy Tiên đã sử dụng nhiều hình thức như: Dán khẩu hiệu, rải truyền đơn... với nội dung đòi tự do, dân chủ, chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức, bóc lột và vận động cử tri bỏ phiếu cho người của Đảng.
Ngày 1/5/1938, diễn ra cuộc đấu tranh ở nhà đấu sảo Hà Nội. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng to lớn gồm trên 2.500 người trong đó Duy Tiên có hơn 20 người tham gia. Tại Duy Tiên ngày 21/4/1938 (tức ngày 21/3 âm lịch), nhân ngày hội chùa Đọi, tỉnh đã tổ chức cuộc mít tinh lớn với hơn 200 người tham gia nhằm lên án đế quốc, phong kiến, vạch trần những thủ đoạn bóc lột của bọn cường hào và đòi các quyền tự do, dân chủ.
Qua thời kỳ cách mạng 1932- 1939 cho chúng ta thấy tinh thần đấu tranh kiên cường và sự hy sinh anh dũng của Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên vì mục tiêu của cách mạng, vì quyền lợi của toàn dân. Chính vì vậy, Đảng bộ Duy Tiên mặc dù bị địch khủng bố trắng, các tổ chức cơ sở Đảng và quần chúng của cách mạng bị phá vỡ nhưng phong trào đã nhanh chóng được phục hồi và phát triển rầm rộ trong thời kỳ 1936- 1939. Qua đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ mà Đảng đã tăng cường sự gắn bó với dân, được nhân dân tin tưởng bảo vệ Đảng, tổ chức Đảng bộ Duy Tiên dần dần được khôi phục, phát triển để đảm đương nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
III/ Củng cố tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945).
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, Pháp là nước tham chiến, vì vậy Đông Dương nói riêng và các nước thuộc địa của Pháp nói chung cũng bị đẩy vào vòng khói lửa chiến tranh. Thực dân Pháp một mặt ra sức bóc lột sức người, sức của ở các nước thuộc địa để phục vụ cho cuộc chiến tranh, mặt khác chúng ráo riết khủng bố phong trào cách mạng ở Đông Dương. Do đó chế độ thống trị ở Đông Dương chuyển sang chế độ phát xít quân phiệt thuộc địa, nền kinh tế thời bình cũng dần chuyển sang nền kinh tế thời chiến.
Tháng 9/1940, phát xít Nhật xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp đã hèn nhát đầu hàng dâng nước ta cho Nhật, vì vậy nhân dân ta chịu cảnh một cổ hai tròng. Chúng đã câu kết với bọn phong kiến tay sai bắt nhân dân nhổ lúa trồng đay. Ở Duy Tiên các làng ven sông Hồng, sông Châu phải phá ngô, đỗ, lúa để trồng đay. Ngoài ra chúng còn thực hiện chính sách vơ vét thóc gạo để phục vụ cho cuộc chiến tranh, chúng thay thế chính sách nộp thuế bằng tiền sang chính sách nộp thuế bằng thóc. Bên cạnh đó chúng còn lập ra các tổ chức “Liên đoàn thóc gạo”, “Tiếp tế nhà binh”... Xây dựng kho dự trữ ở khắp nơi như phố ga Đồng Văn, phố huyện Điệp Sơn, chợ Lương, chợ Đại...
Về chính trị Nhật, Pháp tiến hành hàng loạt các cuộc vây ráp, bắt bớ, khủng bố nhằm tiêu diệt triệt phá cơ sở cách mạng. Chúng cấm lưu hành và bán sách báo tiến bộ, khám xét nhà cửa, gọi những người tham gia phong trào Mặt trận dân chủ lên tỉnh, lên huyện để xét hỏi, kê khai căn cước.
Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã chỉ đạo các cơ quan và cán bộ hoạt động hợp pháp hoặc nửa hợp pháp rút vào hoạt động bí mật. Tại hội nghị 6 (tháng 11/1939) của Trung ương đã nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc, coi đó là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương. Cuối tháng 11/1939, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã mở hội nghị để quán triệt Nghị quyết 6 và quyết định chuyển hướng đấu tranh trong tình hình mới..
Sau Hội nghị Tỉnh uỷ Hà Nam ở Cổ Viễn (tháng 11/1939) phong trào ở Duy Tiên có chuyển biến. Các tổ chức cơ sở Đảng và quần chúng được củng cố, rút vào hoạt động bí mật. Tháng 9/1940, tổ chức Đảng ở Duy Tiên đã bắt được liên lạc với Đảng cấp trên, đồng chí Phạm Văn Côn quê ở Ngọc Động đã sang Kim Bảng bắt liên lạc với đồng chí Hiền, phụ trách tỉnh Hà Nam. Nhận được sự chỉ đạo của cấp trên, các tổ chức đoàn thể quần chúng như Thanh niên phản đế ở Ngọc Động đã tổ chức treo cờ đỏ sao vàng, rải truyền đơn ở đầu làng Chuông (Duy Minh), dán áp phích ở ga Đồng Văn... Phong trào thanh niên từ Ngọc Động đã phát triển sang một số địa phương khác như Yên Lạc (Mộc Hoàn Nam), Tường Thụy (Trác Văn)...
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào đang lên của quần chúng, đầu năm 1942 chi bộ ghép Duy Tiên và Kim Bảng được thành lập gồm 5 đồng chí, ở Duy Tiên có đồng chí Phạm Văn Côn (Ngọc Động). Thực hiện chủ trương của liên Tỉnh uỷ và Tỉnh uỷ Hà Nam, một số đảng viên của chi bộ ghép đã phối hợp với đảng viên của huyện Mỹ Đức (Hà Đông) nhân ngày hội chùa Hương (9/3/1942) đã treo cờ đỏ sao vàng ở bến Đục Khê, rải truyền đơn nhằm giới thiệu chương trình hành động và điều lệ của Việt Minh.
Phong trào cách mạng ở Duy Tiên đang phục hồi và phát triển thì cuối tháng 4 đầu tháng 5/1942, cơ quan liên Tỉnh uỷ bị địch khủng bố, 12 cán bộ, đảng viên thuộc huyện Duy Tiên, Kim Bảng và thị xã Phủ Lý bị bắt. Tối ngày 30/4/1942, bọn mật thám về Ngọc Động, ập vào nhà đồng chí Trần Quyết, bắt đồng chí và đồng chí Lê Thành, cán bộ phụ trách tỉnh Hà Nam.
Đêm ngày 9/3/1945. giữa lúc Nhật nổ súng đánh Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Đầu tháng 4/1945, một số đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh Hà Nam vừa thoát khỏi nhà tù đã tìm cách liên lạc với tổ chức Đảng tại nhà “lều” của đồng chí Ba Hoán ở bờ sông Nhuệ. Mấy ngày sau một Hội nghị của tỉnh được triệu tập ở nhà đồng chí Phạm Văn Hoán, thôn Ngọc Động, Duy Tiên có đồng chí Trần Quyết và Phạm Văn Hoán tham dự. Hội nghị bàn kế hoạch chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh và cử ra Ban cán sự lâm thời gồm 5 đồng chí, Duy Tiên có hai đồng chí: Trần Quyết, Phạm Văn Hoán quê ở Ngọc Động. Vài tháng sau, các cơ sở trong huyện được phát triển nhanh và khá vững mạnh ở tổng Hoàng Đạo, Tường Thụy, Hoà Mạc. Ở khu giữa làng Lũng Xuyên là bàn đạp phát triển sang Thận Tu, Quan Nha, Đọi Sơn, Điệp Sơn, Lê Xá... Có nơi thanh niên đi tìm Việt Minh về xây dựng phong trào như ở Ngô Xá (Tiên Xá Nội).
Đầu tháng 5/1945, Hội nghị Ban Cán sự Đảng của tỉnh Hà Nam họp tại Cao Mật (Kim Bảng) để phát động phong trào kháng Nhật cứu nước. Hội nghị chủ trương:
- Ra sức phục hồi và phát triển cơ sở, mở rộng Mặt trận Việt Minh, lập các Ban cán sự Việt Minh huyện.
- Kết hợp đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế và chính trị, chính quyền về tay nhân dân.
- Phát triển và củng cố các đội tự vệ cứu quốc, tiến hành huấn luyện quân sự.
Trong thời gian này, Chỉ thị “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng đã được truyền đạt tới cơ sở ở Duy Tiên. Duy Tiên khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho khởi nghĩa giành chính quyền. Cuối tháng 5/1945, Ban Cán sự Việt Minh huyện Duy Tiên được thành lập.
Tháng 6 năm Ất Dậu (tức tháng 7/1945), Ban Cán sự Việt Minh huyện Duy Tiên đã tổ chức một cuộc mít tinh nhằm tập hợp quần chúng nhân dân nhân ngày hội đền Lảnh (Mộc Hoàn Nam). Cuộc mít tinh ở đền Lảnh đã nâng cao thanh thế của Việt Minh trong toàn tỉnh nhất là đối với huyện nhà, ảnh hưởng của Việt Minh ngày càng được lan rộng, cơ sở cách mạng ngày càng phát triển nhiều thêm. Các đoàn thể cứu quốc thu hút được nhiều hội viên mới nhất là lực lượng thanh niên, một số người ở tầng lớp trên cũng tham gia hoặc tích cực ủng hộ.
Việc xây dựng lực lượng vũ trang cũng được đặc biệt coi trọng. Ban Cán sự huyện Duy Tiên đã cử đồng chí Nguyễn Huân (ở thôn Lũng Xuyên, Yên Khê Bắc) đi dự lớp huấn luyện quân sự ở tỉnh mở ở Phú Cốc (Lý Nhân). Sau khi huấn luyện về, đồng chí Huân được giao nhiệm vụ tổ chức đội tự vệ chiến đấu đầu tiên của huyện. Lúc đầu có 7 người ở thôn Lũng Xuyên do đồng chí Huân làm đội trưởng, sau một thời gian luyện tập đội đã phát triển lên được 21 đội viên chia thành 3 tiểu đội.
Các nơi như Ngọc Động, Tường Thụy, Yên Từ, Yên Lạc, Lê Xá, Đọi Sơn đội tự vệ cũng được tổ chức.
Ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh không điều kiện. Bọn Nhật ở nước ta hoang mang, dao động đến cực độ. Chớp thời cơ ngàn năm có một, đêm ngày 13/8/1945 Uỷ ban toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Trước tình thế cấp bách và cơ hội ngàn năm có một, Ban Cán sự tỉnh Hà Nam đã triệu tập Hội nghị cán bộ vào 2 ngày 15 và 16/8/1945 tại Lũng Xuyên bàn kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Trong hai ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị đã quyết định:
- Giành chính quyền ở các huyện trước, không cần đợi nổ ra cùng một lúc nhưng phải nhanh gọn để tập trung lực lượng giành chính quyền tỉnh và huyện Thanh Liêm.
- Phương châm hành động là kết hợp quân sự với chính trị, chủ yếu lấy dụ hàng làm tan rã quân địch trước khi đánh. Triệt để cô lập quân Nhật, sẵn sàng đối phó khi chúng chống phá. Đối với bọn tay sai, nếu chúng đầu hàng thì đảm bảo tính mệnh và tài sản, nếu tình nguyện tham gia cách mạng thì sử dụng, nếu chống lại thì nghiêm trị.
- Thành lập Uỷ ban quân sự cách mạng gồm 5 đồng chí, Duy Tiên có ba đồng chí: Trần Quyết, Phạm Văn Hoán (Ngọc Động), Lưu Quang Bích (Yên Từ).
Trong khi Hội nghị của tỉnh còn đang họp thì Ban Cán sự Việt Minh huyện đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn huyện. Sáng ngày 17/8, trên 20 cán bộ trong toàn huyện đã về họp tại nhà bà Nguyễn Thị Thóc, đồng chí Nguyễn Văn Hoán thay mặt Uỷ ban quân sự tỉnh truyền đạt Nghị quyết của Ban cán sự Đảng tỉnh. Hội nghị đã thống nhất kế hoạch giành chính quyền và cử ra Uỷ ban quân sự cách mạng lâm thời gồm 7 đồng chí do đồng chí Lưu Quang Bích làm chủ tịch. Hội nghị đã quyết định khởi nghĩa vào ngày 20/8/1945.
Sau Hội nghị, cán bộ được phân công gấp rút về các cơ sở truyền đạt lại lệnh khởi nghĩa. Tại huyện Duy Tiên, ngày 19/8/1945 ở các cơ sở Đảng đã xuất hiện quang cảnh tấp nập khác thường, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, canh gác nghiêm ngặt sẵn sàng chờ lệnh.
Đêm ngày 19/8/1945, lực lượng chính của quân đội cách mạng tập trung ở đình Lũng Xuyên để chờ lệnh xuất phát. Sáng sớm ngày 20/8/1945, tại đình Lũng Xuyên 3 tiểu đội vũ trang của huyện đã làm lễ tuyên thệ trước lá cờ Tổ quốc, sau đó tiến quân theo kế hoạch đã định: Tiểu đội 1 do tiểu đội trưởng Hiển chỉ huy, tiến theo đê bối Châu Giang đánh dọc phía Đông Bắc huyện; Tiểu đội 2 do tiểu đội trưởng Chiêm chỉ huy đã đi tắt qua làng Mang Sơn lên lách Điệp đánh chiếm nhà dây thép, đến 9 giờ cùng ngày thấy có thời cơ tiểu đội 2 đã nhanh chóng cắt đứt các đường dây thép, cắt đứt sự liên lạc giữa huyện và tỉnh của địch; Tiểu đội 3 do đồng chí Huân chỉ huy đã bí mật xen kẽ với nhân dân đi chợ Đệp để về nơi tập kết. Đúng 10 giờ, chiếc kèn đồng trong tay đồng chí Nguyễn Huân đã vang lên từng hồi, mệnh lệnh khởi nghĩa đã điểm, một chiến sỹ dũng cảm đã trèo qua cửa nhảy vào cướp súng của tên lính gác, bị đánh bất ngờ tên lính gác không kịp đối phó, cả tiểu đội 3 thừa cơ xông vào huyện đường, chính quyền của địch ở huyện đã nhanh chóng đầu hàng và giao toàn bộ sổ sách, giấy tờ cho cách mạng.
11 giờ trưa, Uỷ ban quân sự cách mạng huyện đã điều thêm một lực lượng chiến đấu ra đê sông Hồng để phối hợp với lực lượng của khu Mộc Hoàn để bắt tên huyện trưởng.
Chiều ngày 20/8/1945, tại huyện lỵ Điệp Sơn, Uỷ ban quân sự huyện đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn khoảng trên 2000 người đến dự. Đồng chí Phạm Chí Long và Đặng Xuân Tiếp đại diện cho Việt Minh đã lên công bố 10 chính sách của Mặt trận, giới thiệu Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện, kêu gọi quần chúng nhân dân trong huyện triệt để thực hiện chính sách của Việt Minh. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tích cực phòng hộ đê, chống lụt bảo vệ mùa màng.
Tin Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi đã lan rất nhanh đến các làng xóm trong toàn huyện. Ngày 21/8/1945 các xã, các tiểu khu đã tổ chức mít tinh. Tiếng trống, tiếng loa, tiếng hò reo chào mừng chính quyền cách mạng vang vọng khắp nơi.
Trong hai ngày từ 21 đến 22/8/1945, toàn bộ chính quyền tay sai của địch ở các xã đã bị giải tán, bọn hương lý, cường hào đã phải giao nộp con dấu, bằng sắc, giấy tờ, văn tự, khế ước cho chính quyền cách mạng ở các xã trong huyện.
Thi hành quyết định của Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh, sáng sớm ngày 24/8/1945 Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Duy Tiên đã tổ chức một lực lượng gồm hàng ngàn cán bộ và quần chúng nhân dân toàn huyện được chuẩn bị đầy đủ các loại vũ khí: súng trường, lựu đạn, giáo mác, gậy gộc... trong đó có 36 chiến sỹ trong trung đội tự vệ của huyện dẫn đầu tiến về thị xã Phủ Lý, phối hợp với lực lượng cách mạng của tỉnh và các huyện để giành chính quyền của địch ở tỉnh Hà Nam.
Đoàn quân cách mạng với khí thế hùng dũng của người chiến thắng vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam độc lập muôn năm”... Nhân dân các làng dọc hai bên đường 60, đường số 1, dọc đê Châu Giang cũng ùa ra nhập vào hàng ngũ quân cách mạng, lực lượng của huyện Duy Tiên mỗi lúc một thêm đông.
Đúng 10 giờ sáng ngày 24/8/1945, chính quyền cách mạng tỉnh Hà Nam đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thị xã Phủ Lý. Hàng vạn người phấn khởi, chào mừng chính quyền cách mạng ra đời. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng diễu quanh thị xã Phủ Lý rồi toả về các địa phương trong huyện.
 
 
 
 
CHƯƠNG II
ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (8/1945 - 1954)
I/ Bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn (22/8/1945- 3/1946)
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Duy Tiên cũng như các địa phương khác trong cả nước, sau Cách mạng tháng Tám chính quyền dân chủ nhân dân đã được thành lập.
Hậu quả do giặc Nhật, thiên tai tàn phá, cả nước nói chung và nhân dân Duy Tiên nói riêng đều lâm vào tình trạng đói kém, mất mùa; do thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân nên cả nước có trên 95% dân số bị mù chữ, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn nhằm bóp chết chính quyền non trẻ của ta. Riêng huyện Duy Tiên, đoạn đê phía Bắc sông Châu Giang từ Lạc Tràng đến Quang Ấm (Lam Cầu Hạ) bị vỡ, nước tràn vào các cánh đồng gây lụt lớn ở một số xã phía Nam huyện, phía Bắc đường 60 bị uy hiếp nghiêm trọng. Nước sông Hồng dâng lên cao, nhiều đoạn đê xung yếu bị vỡ, nhiều người không có công ăn việc làm đã lâm vào cảnh bần cùng, túng thiếu.
Đứng trước muôn vàn khó khăn, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những chủ trương, chính sách sáng suốt, kịp thời từng bước đưa cách mạng vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo. Ngày 3/9/1945, Chủ Tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ và nêu ra nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay:
- Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống đói.
- Mở phong trào chống nạn mù chữ.
- Tổ chức tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.
- Bỏ ngay 3 thứ thuế: Thuế thân, thuế chợ, thuế đò....
Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng họp ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” thực hiện với phương châm: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh.
Dưới ánh sáng chỉ thị của Trung ương, Đảng bộ Hà Nam họp và triển khai nhiệm vụ trong toàn tỉnh, đó là:
- Khẩn trương giải quyết đời sống của nhân dân, ban bố các quyền tự do, dân chủ, phải tập trung chống giặc đói, giặc dốt, bài trừ mê tín, dị đoan, xây dựng nông thôn mới, tích cực chi viện cho kháng chiến của đồng bào Nam Bộ.
- Quyết tâm giữ vững và củng cố chính quyền, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, xây dựng lực lượng vũ trang, đối phó với hoạt động phá hoại của quân Tưởng, trấn áp bọn phản cách mạng.
- Tích cực củng cố phát triển Đảng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, của Tỉnh, chính quyền huyện Duy Tiên đã tiến hành chia lại ruộng đất cho tất cả nông dân. Xã nào cũng có ruộng công, xã ít cũng có 2/3 đất canh tác và công điền. Riêng xã Trác Bút có nhiều ruộng công điền chiếm hơn 90% diện tích.
Để giúp các xã ở vùng bị ngập lụt khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống, Uỷ ban cách mạng lâm thời đã vận động nhân dân tích cực tham gia sản xuất, tận dụng mở mang ruộng đất hoang hoá, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đồng thời tuyên truyền sâu rộng truyền thống thương yêu, đùm bọc lẫn nhau: “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”...
Được sự giúp đỡ của Ban cán sự tỉnh, Uỷ ban cách mạng huyện đã mở các lớp huấn luyện thời gian từ 10 đến 15 ngày bồi dưỡng nghiệp vụ cho cho các đồng chí chủ tịch Việt Minh, chủ tịch Uỷ ban cách mạng lâm thời các xã. Huyện còn tổ chức các đoàn cán bộ của các ngành xuống các xã vận động nhân dân và các nhà giàu, phát động tinh thần yêu nước, hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, “Quỹ độc lập” của Chính phủ và Hồ Chủ tịch đồng thời động viên thanh niên tham gia các đơn vị tự vệ, xung phong ra nhập đội quân “Nam tiến” chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ Tổ quốc.
Hưởng ứng phong trào “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng”, các xã đã gửi về huyện được 6.420 đồng và 4 dây chuyền, một số đôi khuyên và khong. Huyện đã tổ chức lại các đơn vị hành chính, quyết định hợp 88 xã nhỏ trước cách mạng tháng Tám thành 57 xã.
Phong trào giáo dục và công tác xã hội cũng được đẩy mạnh.Toàn huyện đã phát động phong trào bình dân học vụ sôi nổi, rộng khắp trong nông thôn. Lớp học được tổ chức ở bất cứ địa điểm nào có thể học được, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, người người đều học, nhà nhà đều học. Hết năm 1946, toàn huyện đã có trên 3 vạn người biết đọc, biết viết.
Để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc chính quyền, huyện đã chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Ở huyện xây dựng đội cảm tử quân gồm 30 người được trang bị vũ khí như súng trường, tiểu liên, dao găm, mã tấu... mỗi xã đều có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội tự vệ chiến đấu. Lực lượng vũ trang trong huyện thường xuyên được học tập chính trị và huấn luyện kỹ thuật quân sự, hàng ngày tổ chức canh gác, tuần tra nghiêm ngặt ở những nơi quan trọng.
Ngày 6/1/1946, ngày hội của quần chúng đã đến, tất cả các cử tri trong huyện nô nức đi bầu cử. Kết quả 90% số cử tri đã làm tròn nghĩa vụ công dân của mình. Sau cuộc bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hà Nam đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và Hội đồng nhân dân xã.
Chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã trong toàn huyện, tình hình diễn ra phức tạp, bọn Tưởng đóng ở thị xã Hà Nam ngày ngày tuần tiễu ở quốc lộ 1, bọn Quốc dân đảng cùng bọn tay sai cấu kết với giặc Tưởng phản tuyên truyền về cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân của ta. Tại các xã Lam Cầu Thượng, Lam Cầu Hạ, Hoàng Đạo Đông, Hoàng Đạo Bắc, Châu Can bọn Quốc dân đảng công khai bỏ tiền ra mua chuộc cử tri, bỏ tiền phục vụ cho các cuộc nói chuyện vận động bầu cử cho chân tay của chúng. Ở các xã: Trác Bút, Chuyên Nội, Yên Nam, Châu Sơn bọn Quốc dân đảng cấu kết với những tên khoác áo Chúa ra sức nói xấu những ứng cử viên do Mặt trận Việt Minh giới thiệu.
Do có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền, sự đoàn kết, cảnh giác của nhân dân đã đập tan những âm mưu phá hoại gây rối của các phần tử phản động, đảm bảo cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Thành phần chính quyền của các xã đã trúng cử đa số là những đại biểu do Mặt trận Việt Minh giới thiệu.
Thắng lợi của cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã thắng lợi, thành lập Uỷ ban hành chính cấp cơ sở là một đảm bảo chắc chắn cho việc bảo vệ chính quyền cách mạng. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã làm cho quần chúng nhân dân trong huyện thấy rõ được tính ưu việt của chế độ mới, làm tăng thêm niềm tin tưởng, phấn khởi, quyết tâm thực hiện mọi nhiệm vụ được cách mạng giao cho.
II/ Đảng bộ được khôi phục và phát triển, lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược (3/1946 – 20/5/1950).
Thực hiện chủ trương phát triển Đảng và củng cố cơ sở của Trung ương, tháng 2/1946 Ban tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam được thành lập do đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư. Tháng 3/1946, tỉnh uỷ lâm thời cử đồng chí Phạm Thái (tức Xiêm) về Duy Tiên xúc tiến việc khôi phục, phát triển Đảng. Đầu tháng 6/1946 hai chi bộ ở hai khu Phạm Ngọc Nhị và Nguyễn Hữu Tiến được thành lập. Đến cuối năm 1946 một số các chi bộ đã được thành lập ở các xã: chi bộ Trác Bút (12/8/1946), chi bộ Mộc Hoàn Nam (10/10/1946), chi bộ Yên Khê (10/11/1946), chi bộ Yên Hà (7/11/1946), chi bộ Tiên Nội (25/12/1946), chi bộ Trác văn (12/1946). Cuối năm 1946, được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Hà Nam, huyện đã tổ chức Đại hội đại biểu đảng viên của các chi bộ cơ sở Đảng về họp tại đình Ngô Xá (Tiên Xá Nội) để thành lập Đảng bộ huyện. Hội nghị đã bầu Ban chấp hành đảng bộ và cử đồng chí Lê Hoàn làm Bí thư huyện uỷ.
Thựcdân Pháp phản bội Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, chúng cố tình xâm chiếm nước ta một lần nữa. Tiếng súng đã nổ ở khắp nơi, chúng gửi tối hậu thư đòi tước khí giới của lực lượng vũ trang cách mạng. Thời kỳ hoà hoãn không còn nữa. Ngày 19/12/1946, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng họp quyết định kháng chiến. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19/12/1946 cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Vinh, Huế, Đà Nẵng đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Chấp hành chỉ thị của Trung uơng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh uỷ Hà Nam đã triệu tập hội nghị tại Duy Tiên. Hội nghị nhận định: “Địa lý Hà Nam giáp thành phố Nam Định mà Nam Định lại có quân đội Pháp đồn trú cho nên phải sớm chuẩn bị mọi mặt để phòng các cuộc tấn công của địch”. Tỉnh uỷ đã chủ trương chuyển hướng sự lãnh đạo và hoạt động của các cơ quan, đoàn thể cho phù hợp với thời chiến.
Thực hiện chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng, các nhiệm vụ cụ thể của Tỉnh uỷ đề ra, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo chính quyền, mặt trận phát động toàn dân, phát triển lực lượng mọi mặt, bảo vệ hậu phương, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến. Trong những ngày lịch sử này, tiếng súng chống xâm lược chưa lan tới Duy Tiên, khắp nơi trong toàn huyện, phong trào thi đua yêu nước của quần chúng đã phát động sôi nổi và mạnh mẽ. Nghe theo lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, nhân dân Duy Tiên đã tự tay phá bình địa 17 công thự, 43 ngôi nhà lớn ở ven đường giao thông như phố Ga Đồng Văn, Ba Đa, Chợ Lương, Hoà Mạc, Điệp Sơn ... lực lượng bán vũ trang cùng nhân dân trong huyện liên tục phá các trục đường giao thông lớn như đường 1 đoạn từ Ba Đa đến Cầu Giẽ, đường 60 từ Đồng Văn đến Yên Lệnh, đường 61 từ Hoà Mạc đến Câu Tử, trên ba tuyến đường đó quân dân Duy Tiên đã đào 6.832 hố hoa mai làm công sự sẵn sàng chiến đấu. Trên đê sông Hồng từ Mộc Bắc đến Chuyên Ngoại, đê Bắc Châu Giang từ Câu Tử đi Phủ Lý đã đắp 1.235 ụ đất để ngăn cản giao thông của giặc Pháp...
Song song với việc thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Đảng bộ đã đề ra nhiệm vụ cấp bách cho toàn thể nhân dân trong huyện: phải kịp thời trấn áp ngay bọn phản động đang hoạt động với âm mưu làm suy yếu chính quyền, phá hoại hậu phương kháng chiến của ta. Sau cách mạng tháng 8/1945 nhất là sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Duy Tiên cũng là một trong những địa bàn hoạt động mạnh của bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo, đứng đầu là bọn Đinh Thành Chung, Trần Ngọc Thục dưới sự chỉ đạo của Lê Hữu Từ, một giám mục ở địa phận Bùi Chu- Phát Diệm. Đồng bào công giáo ở Duy Tiên nói chung có lòng yêu nước và hết sức tin đạo. Lợi dụng lòng kính Chúa của đồng bào, thực dân Pháp đã thực hiện âm mưu thâm độc, dùng bọn phản động trong giáo hội giả danh kính Chúa, núp dưới thánh đường để dễ bề hoạt động, chống phá cách mạng, chia rẽ lương- giáo, chia rẽ lực lượng kháng chiến.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ đã đề ra “phải trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng và những phần tử làm tay sai cho đế quốc phá hoại cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh trong điều kiện lực lượng cách mạng chưa phát triển mạnh mẽ ”. Đảng bộ và chính quyền huyện tuyên truyền giải thích và phát động quần chúng nâng cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của người công dân trong việc bảo vệ chính quyền. Đồng thời củng cố và phát triển các tổ chức quần chúng mạnh mẽ hơn nữa nhất là ở đồng bào Thiên Chúa giáo. Công tác tuyên truyền càng được đẩy mạnh làm cho giáo dân hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng và Chính Phủ, thấy rõ luận điểm xuyên tạc của kẻ địch để xây dựng khối đoàn kết lương giáo, do đó đã gây được niềm tin tưởng, phấn khởi, tình đoàn kết của nhân dân trong huyện ngày càng được gắn bó chặt chẽ hơn.
Phong trào ủng hộ tiền tuyến cũng được phát động rộng rãi trong toàn huyện. Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện đã nhiệt tình đóng góp lương thực, quà bánh, thuốc men và quần áo gửi ra mặt trận. Bệnh xá của tỉnh đã được xây dựng tại thôn An Mông (xã Tiên Phong) để nuôi dưỡng thương binh từ tiền tuyến gửi về.
Để giúp Đảng bộ trong việc chỉ đạo công tác quân sự, tháng 4/1947 cơ quan huyện đội và các Ban chỉ huy xã đội chính thức được thành lập, thay thế cho các ban chấp hành tự vệ chiến đấu. Hệ thống chính trị viên đều do Đảng cử cấp uỷ, đảng viên sang phụ trách, đảm bảo sự lãnh đạo sâu sát của Đảng trong lực lượng vũ trang và bán vũ trang.
Sau khi chiếm được Hà Nội, nhờ viện binh ở chính quốc đưa sang, ngày 6/3/1947 địch tập trung 1500 quân với 120 xe cơ giới, 1 tàu chiến, 4 ca nô lợi dụng dòng sông Hồng phối hợp thuỷ- lục- không quân từ Hà Nội qua Hà Nam để giải vây cho 500 quân địch đang bị ta vây chặt từ cuối năm 1946 ở Nam Định. Địch vừa đặt chân tới đất Duy Tiên, chúng đã vấp phải sự chiến đấu dũng cảm của quân và dân trong huyện nhờ các ụ, các hố trên đê sông Hồng, ta đã ngăn cản bước tiến quân của địch. Trên đoạn đường từ Mộc Hoàn Bắc đến Chuyên Ngoại chưa đầy 4km quân địch phải mất hàng ngày mới qua được. Tới xã Chuyên Nghiệp Ngoại chúng đóng quân tại Yên Lệnh. Ngày 21/3/1947 chúng từ Yên Lệnh chia làm 2 ngả tấn công vào thị xã Phủ Lý: Một mũi quân từ Đập Phúc (Lý Nhân) tiến theo đường Điệp Sơn xuống Câu Tử, qua Đỗ Ngoại, Đỗ Nội, Quán Nha, Thường Ấm (xã Lam Cầu Hạ) về Lạc Tràng; một mũi xuống Ngô Khê (huyện Bình Lục) theo đường 62 về thị xã Phủ Lý. Trên đường hành quân với hoả lực mạnh, địch đi đến đâu là đốt phá, bắn giết đến đấy, không có địa phương nào địch đi qua mà không có người bị giết, hãm hiếp. Trong cuộc hành quân này địch đã bắn chết 25 con trâu, bắt 260 con lợn và nhiều gà, vịt, chúng xả súng bắn chết 36 người hầu hết là cụ già, phụ nữ và trẻ em. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, quân địch đi đến đâu cũng bị lực lượng vũ trang và bán vũ trang trong huyện đánh trả quyết liệt. Bộ đội địa phương huyện phối hợp với bộ đội tỉnh đã tiêu diệt một đại đội lính Âu Phi tại làng chiến đấu Trì Xá (xã Chuyên Nghiệp Nội).
Phong trào thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng” đã được nhân dân trong huyện hưởng ứng sôi nổi. Diện tích cây trồng hàng ngày càng được mở rộng, tổng sản lượng lương thực trong toàn huyện tăng hơn năm 1946, chăn nuôi cũng được đẩy mạnh. Mỗi gia đình đều có hũ gạo tiết kiệm. Các tổ chức đoàn thể cũng phát động tăng gia sản xuất, tự cấp, tự túc. Toàn huyện đã xây dựng được 4 hợp tác xã đó là : Hợp tác xã Trác Bút, hợp tác xã Trung Gián Đông, hợp tác xã nông nghiệp Lảnh Trì và hợp tác xã Hồng Việt đã thu hút được 442 xã viên, với tổng số vốn là 68.030 đồng.
Phong trào bình dân học vụ được duy trì và ngày càng phát triển. Hết năm 1949, toàn huyện đã có 63.482 người biết đọc, biết viết đạt tỷ lệ 86%. Năm 1950, Ty bình dân học vụ Hà Nam đã tổng kết phong trào thi đua trong toàn tỉnh, Duy Tiên được công nhận là huyện dẫn đầu trong toàn tỉnh, được trao tặng quà luân lưu và một bức chân dung của Hồ Chủ Tịch. Toàn huyện đã xây dựng 12 trường cơ bản, 3 trường sơ cấp và 34 trường tư với 3.660 em học sinh. Trong huyện đã có một trường trung học đặt ở Hoà Mạc với 4 lớp, 3 Giáo Sư và 150 học sinh con em nhân dân lao động.
Năm 1948, phong trào xây dựng làng chiến đấu được đẩy mạnh. Toàn huyện đã xây dựng được 4 làng: Yên Từ, Tường Thuỵ, Trì Xá, Bút Đông. Ở những làng chiến đấu, vòng ngoài có những luỹ tre kiên cố, vòng trong là hào sâu, trong làng có lối đi bí mật xuyên qua các nhà và các xóm.
Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng, tháng 3/1949 Đảng bộ huyện tiến hành Đại hội lần thứ II với 106 đại biểu thay mặt cho 2.793 đảng viên trong toàn huyện. Đại hội đã kiểm điểm lại việc thực hiện chủ trương, đường lối của Trung ương và của tỉnh, đồng thời cử đại biểu đi dự Đại hội đảng bộ tỉnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ mới, đồng chí Vũ Minh được cử làm Bí thư huyện uỷ.
Đại hội quyết định vai trò lãnh đạo của Đảng trong các ngành, các đoàn thể để đáp ứng yêu cầu kháng chiến kiến quốc. Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên.
Công tác củng cố chính quyền cũng được Đảng bộ thường xuyên chú trọng. Tháng 4/1949 toàn huyện đã bầu cử Hội đồng nhân dân xã. Đầu tháng 5/1949 Uỷ ban kháng chiến hành chính các xã được kiện toàn.
Sau Đại hội, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt, toàn huyện có 26 chi bộ với 2.793 đảng viên trong đó 96% thuộc hai thành phần cơ bản là công nhân và nông dân, đảng viên nữ chiếm tỷ lệ 12%, đảng viên Công giáo mới có 2%. Ban chấp hành Đảng bộ huyện thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày để nâng cao chất lượng đảng viên, thực hiện nguyên tắc phát triển đi đôi với củng cố xây dựng Đảng. Ngoài ra Huyện uỷ còn cử một số Huyện uỷ viên, Chi uỷ viên đi dự lớp tập huấn của tỉnh. Từ tháng 4 đến tháng 9/ 1949 toàn huyện có 10 chi bộ đạt tiêu chuẩn “Chi bộ tự động công tác”. Công tác phê bình và tự phê bình cũng được đẩy mạnh. Vấn đề đoàn kết trong Đảng luôn được Huyện uỷ quan tâm lấy khẩu hiệu: “Chi bộ như gia đình, đồng chí như tình anh em” để giáo dục đảng viên trong Đảng bộ.
Cuối năm 1949 đầu 1950, địch đã dùng máy bay đến trút bom đạn xuống các xóm làng và những chỗ đông người mà chúng nghi là có kho tàng, bộ đội ở. Chiều ngày 19/12/1949 địch ném 8 quả bom xuống thôn Đồng Văn làm 5 người chết và 4 người bị thương. Trên sông Hồng chúng dùng tàu chiến, ca nô kiểm soát. Mỗi lần địch tuần tiễu, chúng bắn bừa bãi vào các thôn xóm ven sông, với ý đồ uy hiếp tinh thần của nhân dân và đuổi lực lượng vũ trang của ta ra xa. Với tinh thần bám địch mà đánh, bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích các xã đã tổ chức đánh trả địch quyết liệt. Từ tháng 12/1949 ta đã đánh 5 trận trên sông Hồng, bắn cháy 1 ca nô, diệt nhiều tên địch trong đó có 30 tên Pháp.
Thực hiện chỉ thị của Liên Khu II và nghị quyết của tỉnh uỷ Hà Nam, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân sôi nổi, khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới. Các phong trào trong huyện lúc này được phát triển rất mạnh nhất là phong trào xây dựng lực lượng vũ trang. Ngoài việc xây dựng kiện toàn các lực lượng vũ trang, Đảng bộ đã mở rộng cuộc vận động quân sự hoá toàn dân nhằm đạt 3 mục đích: Toàn dân luyện tập quân sự, gây phong trào xung phong toàn quân, vũ trang toàn dân.
Kể từ ngày kháng chiến bùng nổ 19/12/1946 đến 19/5/1950, cuộc chiến tranh đã lan rộng cả nước và khắp tỉnh Hà Nam, nhưng Duy Tiên vẫn là vùng tự do của tỉnh, thỉnh thoảng chỉ phải đối phó các cuộc càn của địch vào địa bàn huyện nhằm thăm dò lực lượng và vơ vét của cải của ta. Thời gian hoà bình quý báu đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ và nhân dân xây dựng cơ sở vật chất đủ sức chi viện cho tiền tuyến và trực tiếp chiến đấu bảo vệ quê hương.
III/ Đảng bộ lãnh đạo chống địch càn quét, chiếm đóng, phát triển chiến tranh du kích, phá tề trừ gian, bảo vệ và xây dựng cơ sở kháng chiến (5/1950- 12/1951).
Cuối tháng 5/1950, địch đã đánh chiếm thêm một số vị trí như Điệp Sơn, Hoà Mạc và Ba Đa. Sang tháng 6, địch chiếm đóng Bút Thượng (Lam Cầu Thượng). Như vậy với hệ thống đồn bốt từ Cầu Giẽ, Đồng Văn, Ba Đa, Thượng, Hoà Mạc, Điệp Sơn địch đã kiểm soát được hầu hết huyện Duy Tiên.
Thực hiện chiến thuật vết dầu loang, từ các vị trí đóng quân, địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét, cướp phá, uy hiếp tinh thần của nhân dân. Lợi dụng lúc lúa đang chín rộ, địch ép dân lập tề mới cho gặt, cho nên chúng đã lập được một số ban tề ở các xã. Giặc Pháp còn cấu kết với những phần tử phản động đội lốt tôn giáo lập ra các ban tề vũ trang để chống phá các cơ sở kháng chiến, gây chia rẽ giữa lương và giáo.
Ngày 22/5/1950, Tỉnh uỷ Hà Nam họp phiên bất thường ra Nghị quyết: phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, duy trì cơ sở kiên quyết không cho địch lập tề, bảo vệ mùa màng, kêu gọi toàn Đảng bộ quyết tâm đánh địch. Tiếp đến ngày 29/5/1950, Tỉnh uỷ lại họp ra nghị quyết nêu rõ: Cán bộ, đảng viên bật đất phải nhanh chóng trở về lãnh đạo nhân dân chiến đấu duy trì cơ sở. Đồng thời Tỉnh uỷ chỉ thị cho lực lượng vũ trang tỉnh, huyện phải phân tán về các cơ sở quan trọng đánh địch, tổ chức canh gác, bảo vệ cho nhân dân thu hoạch lúa chiêm.
Trên địa bàn huyện, quân địch tăng cường càn quét, cướp phá của cải của nhân dân và mở rộng đánh phá các cơ sở cách mạng của ta.
Trước tình hình đó, trong toàn huyện đã diễn ra phong trào thi đua giết giặc lập công: du kích xã Trác Bút đã tổ chức phục kích, gài bom mìn đánh bọn địch dùng lừa ngựa chở lương thực, đạn dược từ bốt Hoà Mạc ra bốt Đồng Văn; một phân đội bộ đội huyện phối hợp với du kích Bạch Sam Thượng táo bạo đánh địch trên đường số 1; cùng thời gian đó du kích xã Châu Can đã độc lập tác chiến, phối hợp với nội ứng, anh em đã đột nhập vào bắt gọn tề vũ trang ở Bài Lễ, thu được 9 súng trường.
Ngày 23/8/1950, địch mở trận càn lớn vào thôn Trạng Chiến (Đỗ Ngoại) trong đó có 3 tên quan Pháp chỉ huy, từ bốt Điệp Sơn tràn qua thôn Giáp Ba (Đọi Sơn), chúng tiến hành đánh thôn Đỗ Ngoại (Lam Cầu Hạ). Làng này được xây dựng thành làng kháng chiến, vòng ngoài có luỹ tre và hàng rào bao kín, cổng làng đắp luỹ, ở trong làng có giao thông hào, hầm chông mìn, lựu đạn... lực lượng trong làng có 20 du kích và một tiểu đội bộ đội huyện. Chúng dùng nhiều biện pháp để xông vào làng nhưng đều bị đánh bật ra. Đến chiều tối không thể tiến vào làng được bọn giặc kéo nhau về bốt Điệp Sơn. Trong trận chiến đấu bảo vệ thôn Trạng Chiến, bộ đội huyện và du kích xã đã tiêu diệt được 11 tên, bị thương 6 tên và thu được một số vũ khí.
Để giành lại thế chủ động đối với địa bàn yết hầu của Hà Nam và phía Nam Hà Nội, thực dân Pháp quyết tâm đánh chiếm và bình định toàn bộ Duy Tiên, khai thông 2 tuyến đường giao thông quan trọng là đường quốc lộ 1 và đường sông Hồng để khống chế toàn bộ tuyến phòng thủ bao quanh đồng bằng Bắc Bộ và vùng sông Đáy.
Ngày 14/12/1950, địch tập trung lực lượng lớn mở trận càn “Cất vó” khu Bắc Duy Tiên gồm các xã: Mộc Hoàn Bắc, Mộc Hoàn Nam, Chuyên nghiệp Nội, Chuyên Nghiệp Ngoại, Trác Văn với chiến thuật bao vây lớn kết hợp với bao vây nhỏ chia cắt các thôn, xã để đánh úp lực lượng kháng chiến của huyện.
Mũi thứ nhất địch từ Hưng Yên đổ quân lên bến đò Yên Lệnh chiếm đê sông Hồng, mũi thứ hai địch từ vị trí Hoà Mạc cùng với tề vũ trang Bút Đông đánh vào thôn Trì Xá, Đầm Đọ, Du My (Chuyên Nghiệp Nội), Dĩ Phố (Mộc Hoàn Bắc). Trong trận càn quét này địch tàn phá làng mạc, cướp của, bắt dân làm bia đỡ đạn cho chúng, tìm diệt lực lượng kháng chiến của ta.
Sau khi chiến đóng các xã phía Bắc huyện, chúng lập thêm bốt Giáng trên đê sông Hồng đoạn giáp gianh giữa 2 huyện Duy Tiên và Phú Xuyên, chúng cung cấp vũ khí và lập các ban tề để củng cố, đe doạ, ép dân ly khai, tố cáo cán bộ kháng chiến, đồng thời chúng đưa những tên phản động về quê hoạt động
Trước tình hình địch mở rộng chiếm đóng bình định, hoạt động của lực lượng vũ trang huyện gặp nhiều khó khăn. Nhưng các chiến sỹ cùng với nhân dân không hề khiếp sợ, vẫn tổ chức những cuộc đánh trả quyết liệt khi quân địch đi càn, cướp phá ở các nơi.
Chiều ngày 29/10/1950, một toán quân địch gần 100 tên từ Hoà Mạc qua chợ Lương theo bờ máng kéo vào làng Đoài (Tiên Xá Nội) càn quét cướp phá. Biết được âm mưu của địch, ta đã bố trí lực lượng chủ động đánh trả, một trung đội bộ đội huyện phối hợp với 30 anh em du kích xã chia ra đánh địch ở nhiều hướng. Chi uỷ và ban chỉ huy xã đội dựa vào làng chiến đấu, trực tiếp chỉ huy đánh giặc. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt ngay trong từng ngõ xóm, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất trong làng. Suốt 5 giờ đồng hồ chúng không thể tiêu diệt được lực lượng của ta. Trái lại bộ đội địa phương cùng với du kích và nhân dân thôn Đoài đã tiêu diệt 48 tên địch, đa số là lính da trắng, da đen trong đó có một quan ba, một quan một và hai đội Tây. Về phía ta 10 chiến sĩ hy sinh, hai chiến sĩ bị thương và 50 ngôi nhà dân bị địch đốt cháy.
Ba tháng đầu năm 1951, tình hình Đảng bộ gặp nhiều khó khăn. Một số xã như: Yên Khê Nam, Tiên Xá Ngoại, Trác Bút, Mộc Hoàn Bắc, Bạch Sam Thượng, Bạch Sam Hạ chỉ còn có đồng chí Bí thư chi bộ nên không thể trụ lại được cơ sở. Các xã Hoàng Đạo Bắc, Hoàng Đạo Tây ban lãnh đạo cũng bật sang phía Tây sông Đáy, vùng tự do của tỉnh. Thời kỳ này Đảng bộ và nhân dân bị tổn thất lớn, có 3 đồng chí Huyện uỷ viên, 17 đảng viên bị bắt, 10 đồng chí Bí thư chi bộ, 21 đồng chí chi uỷ viên hy sinh, một số cán bộ vào Hà Nội hoặc tìm cách đầu thú. Vững vàng như xã Trác Văn mà trong tình hình gay go này cũng có 1 chi uỷ viên chạy vào Hà Nội cầu an.
Về phía địch chúng đưa 5 tên tay sai của chúng ra làm chánh tổng ở: Tổng Lam Cầu, Tiên Xá, Yên Khê, Hoàng Đạo, Đọi Sơn và lập được 16 ban tề võ trang với 479 tên được trang bị đầy đủ vũ khí đạn dược. Đến đây chúng coi như đã bình định xong Duy Tiên. Ngày 11/3/1951, địch tổ chức cuộc mít tinh lớn ở huyện đường Điệp Sơn. Tên Hoàng Thuỵ Năm tỉnh trưởng tỉnh Hà Nam đến hiểu dụ. Hắn ca ngợi tài thao lược của tướng Đờ Cát đang giành thắng lợi trên chiến trường để củng cố, khích lệ tinh thần bọn tay sai cho Pháp.
Trong lúc tình hình gay go nhất, đen tối nhất thì Huyện uỷ Duy Tiên nhận được chỉ thị của Tỉnh uỷ Hà Nam, chỉ thị nêu rõ nhiệm vụ cấp bách cho các cấp uỷ cơ sở: “Đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, lập thành tích chào mừng thắng lợi rực rỡ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng”. Ban chỉ huy tỉnh đội Hà Nam cũng ra lệnh cho huyện đội Duy Tiên chuẩn bị địa bàn cho đại đội 25 và đại đội 60 của tỉnh về phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ đánh giặc, xây dựng khu du kích.
Tháng 3/1951, Huyện uỷ Duy Tiên đã triệu tập cuộc họp mở rộng đến các đồng chí Bí thư chi bộ, trung đội trưởng bộ đội huyện, xã đội trưởng. Huyện uỷ đã kiểm điểm, đánh giá lại lực lượng trong toàn Đảng bộ. Lúc này Đảng bộ còn 1.919 đảng viên, 261 chi uỷ viên trong đó có 187 đồng chí hoạt động, 745 đảng viên giữ vững ý chí chiến đấu, có 400 đồng chí hoạt động trong các lực lượng vũ trang, 112 đảng viên đầu thú, 11 đảng viên phản bội, 482 đảng viên nằm im, 408 đảng viên chạy dài.
Trải qua những tháng ngày đen tối chiến đấu với địch, Đảng bộ còn được gần 50 đảng viên trung kiên qua thử thách đã tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với nước với dân. Đánh giá tình hình mọi mặt. Huyện uỷ đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho các cấp uỷ cơ sở:
- Phá tề kết hợp với xây dựng cơ sở chính trị trong nhân dân, trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị phá những ban tề phản động ở gần bốt địch.
- Lực lượng vũ trang huyện và xã tổ chức đánh những toán địch tràn vào làng cướp bóc, bảo vệ tài sản của nhân dân.
- Theo dõi quy luật hoạt động của địch, tổ chức những trận đánh phục kích trên đường giao thông, mở địa bàn cho bộ đội tỉnh, quân khu hoạt động.
- Mở thông đường giao liên sang vùng tự do và sang tả ngạn sông Hồng, vận chuyển cung cấp thuốc men, lương thực, đạn dược phục vụ cho chiến trường cả nước.
Đêm ngày 28/5/1951, chiến dịch Quang Trung bắt đầu. Một bộ phận của Đại đoàn 320 phối hợp với quân dân các địa phương tiêu diệt một số vị trí địch và tề vũ trang đóng ở vành đai sông Đáy. Được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực, quân và dân Duy Tiên đã tấn công vị trí tề võ trang Thần Nữ (Bạch Sam Thượng), Hương Cát (Hoàng Đạo Bắc) giành thắng lợi nhanh gọn, mở đầu cho việc thực hiện nghị quyết của Huyện uỷ.
Từ thắng lợi vang dội, tiêu diệt vị trí tề võ trang Thần Nữ, Hương Cát đã làm lung lay các vị trí tề ngụy trong huyện. Tề ở Ngọc Thị (Hoàng Đạo Bắc) cứ tối đến lại kéo nhau lên ngủ trên bốt Cầu Giẽ. Cơ quan lãnh đạo và anh em du kích Hoàng Đạo Bắc có điều kiện từ Ứng Hoà (Hà Đông) trở về bám đất, bám dân xây dựng lại cơ sở kháng chiến.
Cuối tháng 12/1951, được sự hỗ trợ của bộ đội tỉnh, bộ đội huyện và du kích xã Tiên Xá Ngoại đã bao vây, tiêu diệt vị trí tề vũ trang Bèo, chỉ trong vòng nửa tháng, hầu hết các ban tề trong huyện đều bị phá. Trước sức mạnh mới của quân và dân trong huyện bọn giặc đóng ở các bốt Điệp Sơn, Thượng, Ba Đa, Hoà Mạc, Đồng Văn không dám đi càn quét, lùng sục tự do như trước.
Song song với việc đánh giặc, phá tề, chi bộ Đảng và chính quyền các xã đã vận động nông dân tích cực tăng gia sản xuất, gửi gạo nuôi quân. Năm 1951 nhân dân trong huyện đã nộp cho Nhà nước 10 tấn thóc. Huyện đã mở thông hai con đường giao liên, vận chuyển số thóc ra vùng tự do Lạc Thuỷ, một đường qua Châu Can và một đường qua Hoàng Tây.
Cuối năm 1951 ta đã xây dựng lại được nhiều cơ sở kháng chiến. Bộ đội địa phương và du kích được tổ chức lại vững chắc. Huyện đã xây dựng 5 khu du kích. Trong các khu du kích, ta tổ chức diệt ác trừ gian và tiến hành tổ chức quân dân lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống văn hoá trong điều kiện chiến tranh. Thời kỳ này hầu hết các địa bàn trong huyện ta đều kiểm soát được nhất là các tuyến đường giao thông quan trọng như đường 60, đường số 1. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào lực lượng kháng chiến của huyện nhà.
IV/ Kết hợp ba thứ quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực chống càn, bao vây bức rút đồn bốt địch, giải phóng quê hương (1952- 7/1954)
Thực hiện chủ trương của Trung ương, Huyện uỷ đã lãnh đạo chặt chẽ các lực lượng vũ trang trong huyện, tổ chức nhiều trận đánh để phối hợp với quân dân vùng địch hậu kìm chân địch, không cho chúng chi viện cho chiến trường Hoà Bình.
Mở đầu cho đợt hoạt động này là cuộc tấn công của du kích xã Tiên Xá Nội để lập thành tích chào mừng ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà đầu tiên (6/1/1946). Ngày 6/1/1952, một tiểu đội du kích đã táo bạo, bất ngờ đột nhập vào phố Đồng Văn diệt tên ác ôn nguy hiểm Phạm Quang Trung. Sau đó được nhân dân báo tin, một tốp 5 tên biệt kích từ Đồng Văn vào Xa Lao thăm dò tình hình, du kích Tiên Nội đã bố trí tóm gọn.
Ngày 13/1/1952, du kích xã Đọi Sơn được sự hỗ trợ của bộ đội huyện đã phục kích toán địch từ Điệp Sơn kéo xuống cướp bóc ở thôn Đọi Nhất. Sau 1 giờ chiến đấu, lực lượng vũ trang của ta đã bắt sống 13 tên địch, thu 11 súng. Ngày 15/1/1952, du kích Yên Khê Nam và bộ đội huyện tổ chức trận đánh ngay tại thôn Thận Tu bãi, bắt 15 tên, thu 2 tiểu liên, 15 súng trường. Tại đường 60 qua thôn Văn Xá, Vũ Xá, 1 trung đội bộ đội huyện đã cùng du kích Yên Khê Bắc chặn đánh bọn đi tuần từ Đồng Văn đi Hoà Mạc. Sau 10 phút chiến đấu ta diệt 5 tên địch, bắt sống 20 tên, thu 24 súng các loại.
Thắng lợi vang dội nhất là đêm 7/2/1952, bằng nội công, ngoại kích bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trong huyện đã tiêu diệt gọn đại đội biệt động cực kỳ tàn ác của địch đóng ở Lạc Tràng. Thắng lợi này đã làm cho bọn địch đóng ở các bốt và các ban tề vũ trang trong huyện lo sợ. Từ đêm 8/2/1952 bọn tề vũ trang ở Lam Sơn, Thận Tu, Bút Đông cứ tờ mờ tối là vác súng lên bốt Hoà Mạc, Điệp Sơn để ngủ.
Ở bốt Điệp Sơn du kích các xã: Đọi Sơn, Yên Khê Nam, Tiên Xá Ngoại tổ chức bao vây uy hiếp, bọn địch đóng ở bốt Chi Long (Lý Nhân) hành quân đến giải vây. Đại đội 60 của tỉnh cùng với du kích Trác Văn, Chính Lý (Lý Nhân) giăng sẵn thế trận phục kích đánh địch. Nhân dân xã Trác Văn, Chính Lý cũng sẵn sàng hỗ trợ bắt tù binh. Trận đánh có sự phối hợp của nhân dân đã nhanh chóng giành thắng lợi. Ta tiêu diệt 5 tên địch, bắt 29 tên trong đó có 2 tên Pháp, thu nhiều súng đạn.
Tại mặt trận phía sông Hồng, du kích và nhân dân thôn Hoàn Dương (Mộc Hoàn Bắc) gài bẫy chông làm bị thương tên đồn phó bốt Giáng. Cùng ngày địch từ Hưng Yên dùng thuyền máy chở quân đổ bộ lên Yên Lệnh, hội quân với bốt Chi Long (Lý Nhân) tràn vào xã Chuyên Ngoại, chúng vừa đặt chân lên bờ đã bị du kích chặn đánh quyết liệt, 2 tên giặc bị tiêu diệt.
Sau ngày 23/2/1952, địch tháo chạy khỏi Hoà Bình. Để gỡ thế bị động trên chiến trường, thực dân Pháp thu quân về đồng bằng Bắc Bộ, mở những trận càn lớn nhằm củng cố tinh thần binh lính, vơ vét lương thực, thực phẩm và bắt thanh niên bổ sung quân số. Huyện uỷ đã nhận được chỉ thị của cấp trên: phải chuẩn bị chống những trận càn quét lớn của địch vào hậu phương của ta. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Huyện uỷ đã mở đợt sinh hoạt chính trị cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ, lực lượng vũ trang và nhân dân trong huyện học tập ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Hoà Bình để nâng cao khí thế kháng chiến.
Ngày 9/3/1952, trận càn Ăm- Phi- Bi bắt đầu, địch huy động lực lượng lớn càn vào Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên. Tại phía Bắc Duy Tiên địch từ tầu chiến đổ bộ 500 quân lên bến đò Yên Lệnh, được pháo binh yểm trợ, chúng ồ ạt đánh vào các xã Chuyên Nghiệp Ngoại, Chuyên Nghiệp Nội, Trác Bút, Trác Văn, Mộc Nam, Mộc Bắc, Yên Bắc. Trên đường tiến quân của địch, bộ đội và du kích các xã chặn đánh nhiều trận tiêu biểu là trận đánh phối hợp xã Trác Văn. Lực lượng của ta bao gồm: đại đội 25 của tỉnh, 1 trung đội của huyện cùng du kích và nhân dân các xã, thôn: Văn Bút, Tường Thuỵ bãi phục kích đánh địch. Các xã Trác Bút, Chuyên Nội cũng đưa lực lượng đến phối hợp. Quân địch đến Tường Thuỵ, chúng tách ra thành từng mũi nhỏ thọc vào làng cướp phá. Chờ cho chúng lọt vào trận địa đã bố trí sẵn, ta phát lệnh tấn công. Sau 20 phút chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn 1 trung đội, thu 1 trung liên, 6 tiểu liên, 7 súng trường. Quân giặc còn lại rút về mũi chính kéo xuống Bắc Lý Nhân, trong trận này lực lượng vũ trang Duy Tiên trực tiếp giáp mặt với các binh đoàn cơ động của địch. Do có những trận chống các cuộc càn của quân cơ động lần trước, ta đã đúc rút được những kinh nghiệm tổ chức đánh địch phù hợp nhằm vào chỗ yếu, chỗ chủ quan khinh thường của địch, nên đã gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Từ ngày 28/5 đến 3/6/1952, địch mở tiếp trận càn Ăng- Ti- Lốp vào hai huyện ứng Hoà (Hà Đông) và Kim Bảng (Hà Nam), sau đó mở rộng càn quét vào Lý Nhân, Duy Tiên, Bình Lục, Thanh Liêm. Mũi thọc sâu vào Duy Tiên, địch huy động 1.500 quân có pháo binh, xe tăng yểm trợ, lợi dụng đường số 1 đánh vào các xã Châu Can, Bạch Sam Thượng, Bạch Sam Hạ, Yên Bắc, Trác Bút, Chuyên Nội và Mộc Bắc. Khác với trận càn lần trước, trận này khi đã bao vây các xã, chúng thận trọng tiến vào từng làng lùng sục, phá phách. Khi chạm phải quân ta chúng vội dừng lại gọi pháo dập nát làng rồi mới tiến quân. Địch đi đến đâu bị chặn đánh đến đấy, không phá nổi khu du kích, không giải toả được một số vị trí bị bao vây.
Cuối năm 1952 sang đầu năm 1953, phong trào chiến tranh du kích trong huyện phát triển mạnh, các khu du kích: Bắc Sơn, Nguyễn Hữu Tiến, khu Lam Sơn... được khẩn trương xây dựng liên hoàn với nhau. Đặc biệt là khu du kích Bắc Sơn đã mở rộng được địa bàn, phối hợp tác chiến cùng với khu du kích Bắc huyện Lý Nhân. Sự hình thành các khu du kích liên hoàn đã tạo ra thế mạnh về quân sự của quân và dân huyện Duy Tiên, buộc quân địch phải rút bỏ các bốt đóng rải rác như bốt Hoà Mạc, Điệp Sơn... để tập trung quân về xây dựng đội quân thứ hành chính lưu động và tiểu đoàn cơ động địa phương quân số 6. Hai lực lượng này luôn luôn đi kèm nhau như hình với bóng, tiểu đoàn 6 thường đi trước, càn quét bắt thanh niên phá cơ sở kháng chiến, phá kinh tế, khủng bố nhân dân. Đội quân thứ hành chính đi sau dụ dỗ, lập tề, xuyên tạc chính sách của Chính phủ. Mới thành lập chúng gây ra nhiều khó khăn cho ta, chỉ 13 ngày đầu tháng 3/1953 chúng đã 6 lần càn quét vào các thôn ven đường quốc lộ 1 khu vực của huyện. Nhận được chỉ thị của cấp trên, đêm ngày 30/3/1953 bộ đội chủ lực cùng với các lực lượng vũ trang trong huyện tập kích tiểu đoàn 6e trú quân ở An Nhân, Ngọc Động tiêu diệt 145 tên, bắt 118 tên, thu 8 trung liên, đại liên, 94 súng trường tiểu liên, 5 súng cối.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các xã kiên quyết đấu tranh đòi địa chủ giảm tô đúng 25% theo quy định của Nhà nước. Ở một số nơi địa chủ không chịu thực hiện như thôn Đầm, chi bộ xã Chuyên Nghiệp Nội phát động nhân dân đấu tranh tố khổ, vạch trần tội ác của nhà Chung. Do sức mạnh đấu tranh của nông dân theo đạo Thiên Chúa bọn địa chủ nhà Chung buộc phải giảm tô đúng 25% và bỏ bớt các thứ tô phụ.
Công tác xây dựng Đảng cũng được Đảng bộ chú ý. Tỉnh uỷ Hà Nam đã mở nhiều lớp chỉnh đốn đảng cho cán bộ thoát ly và bí thư các xã để nâng cao nhận thức về đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến cho cán bộ, đảng viên, tránh khuynh hướng lệch lạc trong việc chấp hành chính sách ruộng đất, làm cho mọi cán bộ đảng viên và nhân dân phấn khởi, đẩy mạnh mọi hoạt động kháng chiến.
Để phối hợp với chiến trường chính trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Đảng bộ Duy Tiên đẩy mạnh tiến công quân sự, kìm giữ, giam chân, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng vùng giải phóng của ta, giữ vững khu du kích liên hoàn. Ngày 22/4/1954, trên đoạn sông Hồng thuộc thôn Từ Đài xã Chuyên Nghiệp Ngoại, đại đội Quang Trung do Trần Văn Chuông chỉ huy cùng với bộ độ huyện, du kích các xã ven sông Hồng đã phục kích đoàn tầu 11 chiếc chở đầy vũ khí, đạn dược và binh lính địch, bắn chìm 1 tầu chiến và 4 ca nô. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, pháo từ Hưng Yên, đạn các loại từ những chiếc tầu chiến còn lại dồn dập bắn vào trận địa của ta. Đồng chí Trần Văn Chuông đã hy sinh anh dũng trong trận chiến đấu này. Các xã Lam Cầu Hạ, Lam Cầu Thượng, Tiên Xá Nội, Hoàng Đạo Đông, Bạch Sam Thượng du kích đã làm chủ ban đêm trên đoạn đường số 1 dài 16 km từ Cầu Giẽ đi Đồng Văn, Đồng Văn đi Lam Cầu, ngày nào xe của địch cũng vấp phải mìn của du kích.
Hướng vào chiến dịch Điện Biên Phủ từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4/1954, nhân dân trong huyện đã tổ chức được 4 đợt đi dân công hoả tuyến. Số người ghi tên xung phong xin đi làm dân công hỏa tuyến lên đến hàng ngàn người. Do yêu cầu của mặt trận, huyện ta chỉ góp được 800 người, biên chế thành các đoàn mang tên: Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Ngọc Nhị, Bắc Sơn, Lam Sơn. Về lương thực, Trung ương yêu cầu Duy Tiên đóng góp 50 tấn gạo, Huyện uỷ phát động nhân dân các địa phương được gần 200 tấn thóc.
Công tác vận chuyển tại chỗ từ vùng tự do sang tả ngạn sông Hồng và ngược lại tấp nập suốt ngày đêm. Các xã Tiên Xá Nội, Tiên Xá Ngoại, Yên Khê Bắc, Trác Văn là chỗ đứng chân của trạm giao liên. Tại các bến sông Hồng thuộc hai xã Mộc Hoàn Nam và Chuyên Nghiệp Ngoại bao giờ cũng có từ 15 đến 30 chiếc thuyền gỗ, tre, nứa mỗi chiếc chở từ 20- 40 người vượt sông. Ban ngày nhân dân dùng số thuyền này chuyên chở khách đi chợ, ban đêm phục vụ quốc phòng.
Nắm được tình hình địch có thể rút khỏi Nam Định và các vị trí ở đồng bằng Bắc Bộ, đầu tháng 6/1954 lệnh của trên gửi xuống cho huyện phải chuẩn bị đánh địch khi chúng rút chạy.
Tại Duy Tiên việc bao vây bốt Yên Mỹ giao cho 3 xã: Mộc Hoàn Nam, Chuyên Nghiệp Ngoại, Trác Văn, còn Mộc Hoàn Bắc bố trí lực lượng đánh địch từ bốt Giáng xuống. Xã Lam Cầu Hạ phối hợp với trung đội bộ đội huyện đón đánh địch, nếu chúng rút từ Hà Nam tràn sang cướp phá trước khi rút. Từ ngày 1 đến ngày 3/7/1954, địch lần lượt tháo chạy khỏi Hà Nam, Nam Định về Hà Nội đã bị nhân dân Duy Tiên chặn đánh. Tính đến 21 giờ ngày 3/7/1954, trên đất Duy Tiên không còn bóng một tên giặc, toàn huyện được giải phóng.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Duy Tiên bị tàn phá nặng nề: 4930 ngôi và 17 ngôi đình, chùa nhà bị đốt cháy, hơn 1000 người bị giết, 823 đồng chí bộ đội, dân quân du kích hy sinh, 292 đồng chí bị thương. Nhưng với truyền thống cách mạng, nhân dân Duy Tiên đã độc lập đánh địch hàng trăm trận, tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch trong đó có 400 lính Pháp, thu nhiều súng đạn và quân trang, quân dụng khác.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, quân và dân Duy Tiên đã được Nhà nước tặng thưởng 1871 huân huy chương các loại, 13 bằng có công với nước, 3 bằng kỷ niệm chương. Những phần thưởng cao quý đó là do công sức và máu xương của quân và dân trong huyện đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
 
 
PHẦN THỨ HAI
ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI, GÓP PHẦN CHI VIỆN CHO CÁCH MẠNG MIỀN NAM, ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (1954 - 1975)
 
CHƯƠNG III
ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO SỰ NGHIỆP CẢI TẠO, KHÔI PHỤC KINH TẾ (1954 - 1965)
I. Cải cách ruộng đất, bước đầu khôi phục kinh tế (1954 - 1957)
Hơn 4 năm trực tiếp chiếm đóng huyện Duy Tiên (từ ngày 21/5/1950 đến ngày 3/7/1954), thực dân Pháp và bọn nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai đã để lại cho nhân dân Duy Tiên những hậu quả nặng nề. Hầu hết đồng ruộng xung quanh các bốt Điệp Sơn, Hoà Mạc, Cầu Giẽ, Đồng Văn, Thượng, Ba Đa và ven các trục đường 60, 61, đường 1bị bỏ hoang do địch lập vành đai trắng. Trâu bò bị tàn sát, nông cụ bị phá hoại, công việc làm đất, cày, bừa nặng nhọc chủ yếu bằng sức người.
Duy Tiên là huyện nông nghiệp, sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, cuộc sống của nông dân quanh năm vất vả mà vẫn không đủ ăn. Do hậu quả của chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên tai đã gây nên nạn đói trầm trọng trong huyện kéo dài từ cuối năm 1954 đến tháng 3/1955 và đói trở lại vào tháng 5/1956. Nhân dân trong nhiều xã lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hàng ngàn người, hàng trăm gia đình hàng ngày chỉ có ăn một bữa cơm độn khoai, một bữa khoai luộc hoặc một bữa cháo rau. Bên cạnh nạn đói, trong huyện còn có hàng trăm người mắc các bệnh sốt rét, tả, lỵ, phù thũng, da liễu và hàng vạn người mù chữ.
Tình hình an ninh trong huyện cũng có nhiều phức tạp. Ở 2 xã Hoàng Đông và Hoàng Bắc là vùng tạm chiếm, khi địch rút, bọn nguỵ quân, nguỵ quyền, địa chủ, gián điệp tay sai phản động chạy theo địch đi Hà Nội, Hải Phòng để vào Nam. Số không kịp chạy ở lại tìm cách che giấu tội lỗi, sống lén lút không chịu ra trình diện. Một số tên trong các tổ chức đảng phái phản động được chúng cài cắm lại để thực hiện âm mưu phá hoại lâu dài. Các tổ chức phản động này cấu kết với nhau thực hiện âm mưu tuyên truyền, phao tin đồn nhảm, đề cao sức mạnh của đế quốc Mỹ, xuyên tạc chính sách khoan hồng, tự do tín ngưỡng và chính sách thuế nông nghiệp của Đảng, Nhà nước ta. Chúng liên kết với bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo tiến hành dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào nhất là đồng bào công giáo di cư vào Nam, xúi giục bọn xấu tiến hành hàng loạt các vụ trộm cắp tài sản, chặt cây cối, giết gia súc, gia cầm nhằm phá hoại sản xuất, gây rối trật tự trị an.
Những khó khăn phức tạp đã đặt ra cho Đảng bộ Duy Tiên vừa phải giải quyết những vấn đề bức xúc, bộn bề sau chiến tranh, vừa tăng cường củng cố xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá II) đã họp từ ngày 15 đến 18/7/1954 và Bộ Chính trị chỉ ra những việc trước mắt trong thời kỳ tiếp quản là: ổn định trật tự xã hội, ổn định giá cả, ổn định thị trường làm mọi mặt hoạt động của thành phố và nông thôn trở lại bình thường, sau đó sẽ tiến hành những cải cách cần thiết, từng bước thận trọng, vững chắc.
Ngày 13/7/1954, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ họp, quyết định một số nhiệm vụ trước mắt: giải quyết vấn đề chiến lợi phẩm, ổn định tinh thần nhân dân, khuếch trương chiến thắng, giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng của cán bộ và nhân dân, thu phục tàn binh địch giáo dục ý thức phòng gian bảo mật trong nhân dân, trấn áp bọn phản động, xây dựng cơ sở Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các đoàn thể quần chúng ở những vùng mới giải phóng.
Thực hiện các chủ trương của Trung ương Đảng và của Tỉnh uỷ Hà Nam, Đảng bộ huyện Duy Tiên đã lãnh đạo nhân dân đồng loạt tiến hành nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Về thuỷ lợi, khẩn trương tu bổ các tuyến đê sông Hồng, sông Châu, sông Nhuệ. Công tác đắp đê, bối, làm thuỷ lợi luôn là nhiệm vụ trọng yếu được Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện quan tâm chỉ đạo. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão được thành lập từ huyện đến xã, các điếm canh đê được xây dựng, bố trí lực lượng xung kích tuần tra, canh gác bảo vệ đê. Từ đầu năm 1956, tỉnh đã thành lập bốn công trường trên các tuyến đê lớn: sông Hồng, sông Nhuệ đã huy động 20.000 dân công trong huyện, ngoài dân công còn có 1.000 bộ đội tham gia lao động, đến ngày 25/7/1955 công trường đắp đê đã hoàn thành.
Huyện uỷ đã tổ chức cho cán bộ và nhân dân học tập chính sách thuế nông nghiệp, phát động phong trào đoàn kết, tương trợ rộng rãi để khai khẩn ruộng đất hoang hoá. Tính đến tháng 9/1954, đã phá hoang được 61,4 mẫu chiếm hơn 90% diện tích đất hoang hoá để cấy lúa, trồng màu. Vụ mùa năm 1954, toàn huyện cấy được 7.947 mẫu lúa chính vụ và cấy cưỡng (khắc phục khó khăn để cấy vụ hai) được 2.223 mẫu.
Công tác cứu đói được đặc biệt coi trọng “Cứu đói như cứu hoả”, huyện phát động chiến dịch trồng rau màu ngắn ngày, phong trào tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khắc phục nạn đói diễn ra sâu rộng khắp toàn huyện, truyền thống “lá lành đùm lá rách” được khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân. Trong tháng 9/1954, Tỉnh đã xuất 20 tấn thóc và 50 vạn đồng trợ cấp cho những nơi bị đói trầm trọng. Trong hai đợt đói tháng 2/1955 và tháng 3/1956, Nhà nước đã cứu tế cho nhân dân toàn tỉnh là 1.690 tấn gạo, 95 tấn thóc, 99.579 m vải. Ngoài ra Chính phủ còn phát thóc cho nhân dân xay, giã gạo gia công, ngân hàng cho nhân dân vay tiền để cứu đói... Với sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh và những biện pháp tích cực, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân trong huyện, nạn đói từng bước được khắc phục.
Khắc phục nạn dốt cũng là một công việc khó khăn, phức tạp. Vừa mới giải phóng, toàn huyện thiếu cán bộ quản lý, thiếu giáo viên, ảnh hưởng lớn đến việc mở lớp và chất lượng dạy học. Với sự cố gắng khắc phục khó khăn của các cấp, phong trào giáo dục trong toàn huyện được phát triển. Các lớp vỡ lòng tăng 230%, lớp 1 và lớp 2 tăng 81%, lớp 3 và lớp 4 tăng 70%, cấp II tăng 200% so với năm 1953. Ty giáo dục Hà Nam còn tổ chức mở các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho giáo viên. Các lớp bổ túc văn hoá, bình dân học vụ cũng được duy trì nhằm bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ thôn, xóm.
Trước và trong dịp Tết Nguyên đán, ở nhiều xã có người đi Nam, một số lấy lí do đi lễ tết như ở thôn Thọ Cầu (Châu Sơn) đi 20 người. Ở xã Hoàng Bắc số thanh niên, phụ nữ lấy lí do lên Hà Nội đi làm, xã cử cán bộ lên vận động đã về được 10 người, đến 18/12/1955 tiếp tục về thêm được 13 người. Sau Tết âm lịch, tình hình di cư vào Nam đã dịu xuống ở nhiều nơi, có gia đình đã vào tới Nam Bộ cũng trở về, đã vạch mặt bọn phản động đội lốt Thiên Chúa giáo lừa bịp giáo dân, gây tác động tốt cho đồng bào có ý định di cư. Qua nhiều đợt vận động và thuyết phục tính đến tháng 2/1955, toàn huyện đã có 787 người đi Nam trở về quê quán làm ăn. Kết quả này là thắng lợi của Đảng bộ Duy Tiên đã lãnh đạo nhân dân kiên trì đấu tranh làm thất bại âm mưu của địch dụ dỗ, cưỡng ép nhân dân di cư vào Nam.
Để đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn huyện, từ tháng 9/1954, Uỷ ban hành chính huyện đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 132 cán bộ thôn, xóm, đội nhằm tổ chức chính quyền thôn và củng cố lại chính quyền 2 xã Hoàng Đông, Hoàng Bắc. Cán bộ thôn, xã được lựa chọn đều là những người đã trải qua thử thách trong kháng chiến và được nhân dân tín nhiệm, đã góp phần đẩy mạnh mọi mặt hoạt động ở nông thôn. Được học tập, cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ. Bộ đội huyện củng cố đủ quân số của 8 trung đội, 550 thanh niên du kích các xã tòng quân bổ sung cho bộ đội chủ lực, 881 thanh niên nam, nữ bổ sung cho lực lượng dân quân, du kích. Tiêu biểu là các xã Chuyên Ngoại phát triển được 100 du kích, Yên Bắc là 70. Bộ đội huyện đã cử một số đơn vị về Yên Mỹ nơi cơ sở yếu để giúp địa phương ổn định an ninh trật tự.
Công tác củng cố xây dựng Đảng sau giải phóng được Huyện uỷ đặc biệt quan tâm. Trong thời kỳ kháng chiến một số đảng viên bị bắt, một số chạy dài, cầu an. Hoà bình lập lại, đảng viên trong Đảng bộ giảm sút cả về số lượng và chất lượng, toàn Đảng bộ còn 850 đảng viên sinh hoạt ở 19 chi bộ xã. Huyện uỷ Duy Tiên đã đề ra yêu cầu cấp thiết của công tác xây dựng Đảng: “việc tập hợp đảng viên phải thận trọng, tránh tình trạng tập hợp ẩu, đưa sinh hoạt phê bình, tự phê bình vào nền nếp, chú ý đào tạo cán bộ”.
Cuối tháng 7/1955, đoàn cải cách Trung ương đã cử 98 đội cải cách về Hà Nam. Ở Duy Tiên, đội cải cách đã về các xã, xuống các thôn, đi sâu vào các tấng lớp bần, cố nông để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Kết quả trong giảm tô và cải cách ruộng đất toàn huyện đã quy 321 địa chủ, xử lý 36 tên, trưng thu, trưng mua 7.725 mẫu 5 sào ruộng và nhiều trâu bò, nông cụ, tài sản chia cho nông dân nghèo. Tuy nhiên, trong tiến hành cải cách ruộng đất ở một số địa phương của Duy Tiên cũng có mắc phải sai lầm, Huyện uỷ đã mở đợt phê bình, tự phê bình và tổ chức học tập, kiểm điểm nghiêm túc để khắc phục những hậu quả của những thiếu sót, sai lầm đó.
Quán triệt nghị quyết của Trung ương và chỉ thị của tỉnh uỷ Hà Nam, phong trào xây dựng tổ đổi công trong huyện phát triển mạnh, cuối tháng 6/1956 đã có 36% tổng số hộ vào tổ đổi công, xếp thứ 2 trong tỉnh. Bước vào thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp 2 năm (1956- 1957), thời tiết gây ra nhiều hậu quả nặng nề làm cho hàng ngàn mẫu ruộng bị khô hạn, các tổ đổi công đã tập trung vào làm thuỷ lợi. Hệ thống nông giang trong huyện được mở rộng đảm bảo tưới tiêu cho gần một vạn mẫu ruộng. Vụ mùa năm 1956, Duy Tiên là huyện còn diện tích chưa cấy nhiều nhất tỉnh, Đảng bộ đã phát động cán bộ, đảng viên, nhân dân tập trung cấy đúng thời vụ, đồng thời chăm sóc, bảo vệ lúa. Nhiều xã đã biết lấy sản xuất vụ mùa làm nội dung sinh hoạt, củng cố, phát triển tổ đổi công. Các tổ đổi công đã áp dụng những biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: chọn giống lúa, làm phân xanh... nên đã đưa năng suất vụ mùa đạt 2.035 kg/ha. Sản lượng lương thực năm 1957 tăng 23% so với năm 1956 và tăng 37% so với năm 1954. Chăn nuôi cũng có điều kiện phát triển, đàn trâu bò tăng thêm hàng trăm con. Nhưng công tác chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm còn nhiều hạn chế nên đã để xảy ra nạn dịch làm chết hơn 1.000 con lợn.
Qua 3 năm kiên cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, Đảng bộ Duy Tiên đã đạt được nhiều thành tích to lớn: nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh đẩy mạnh sản xuất, khôi phục kinh tế, đập tan âm mưu phá hoại của kẻ thù, hoàn thành cải cách ruộng đất, bước đầu đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể, ổn định đời sống nhân dân. Đảng bộ Duy Tiên đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và phát triển văn hoá xã hội.
II. Cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội (1958 - 1960)
Tháng 11/1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp đề ra nhiệm vụ kế hoạch 3 năm (1958- 1960) phát triển kinh tế- văn hoá. Hội nghị xác định trong 3 năm tập trung hoàn thành cơ bản cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư doanh.
Cuối tháng 4/1960, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duy Tiên lần thứ III khai mạc. Đại hội đã bàn trọng tâm về công tác phát triển, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Đại hội đã bầu 11 đồng chí vào Ban chấp hành và đồng chí Nguyễn Khắc Tuân được bầu làm Bí thư huyện uỷ.
Sau Đại hội, phong trào xây dựng hợp tác xã được đẩy mạnh. Đầu năm 1960 mới có 38% số hộ vào hợp tác xã, tháng 7/1960 có 51,2%, đến cuối năm huyện Duy Tiên đã hoàn thành xây dựng hợp tác xã nông nghiệp đạt tỷ lệ cao nhất tỉnh 96,34% tổng số hộ trong toàn huyện vào hợp tác xã, trong đó có 79% hộ theo đạo Thiên chúa, 34% hộ ngư nghiệp.
Phát triển hợp tác xã đi đôi với củng cố tổ chức bộ máy của hợp tác xã, Uỷ ban hành chính huyện đã chỉ đạo bầu Ban quản trị đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Trong 61 hợp tác xã đã bầu được Ban quản trị có 53 hợp tác xã bầu Chủ nhiệm là bần nông, 8 trung nông, trong đó có 44 chủ nhiệm là đảng viên, được xã viên lựa chọn là những người tích cực, loại những người chây lười ra khỏi Ban quản trị. Vì vậy đã tạo được khí thế thi đua sôi nổi giữa các hợp tác xã với nhau, phấn đấu thực hiện khẩu hiệu “nhận cờ đỏ, bỏ cờ xanh, tiêu diệt cờ trắng” đã có tác dụng mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất. Từ cuối năm 1960, sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển khá mạnh cả về trồng cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Về cây lương thực: lúa cấy được 39.659 mẫu, khoai đã trồng được 1.300 mẫu, ngô trồng được 1.524 mẫu.
Cây công nghiệp, thực phẩm: mía đạt 64,58% kế hoạch, vừng 91 mẫu, lạc 59 mẫu, cây đậu tương đạt 101%. Sản lượng lương thực bình quân đầu người trong toàn huyện đạt 294,7 kg, trong đó 274 kg thóc và 20,7 kg hoa màu.
Đi đôi với trồng trọt, chăn nuôi là một nguồn lợi lớn tăng thêm thu nhập cho xã viên. Tính đến cuối năm 1960, thả được 925 mẫu cá đầm, 2.073,5 mẫu cá ruộng. Một số xã và hợp tác xã đã vớt trứng cá mè, cá chép, cá trắm... về ươm trong ao để lấy giống thả thu được nguồn lợi cho xã viên. Đối với chăn nuôi lợn, trâu, bò chưa được phát triển, toàn huyện chỉ có 1.766 con lợn nái, 11,7% hộ nuôi lợn thịt. Cuối năm 1960 mới có một số hợp tác xã xin giấy đi mua bê, nghé về chăn nuôi để tiến tới tự túc sức kéo. Tuy nhiên chăn nuôi trong 3 năm thực hiện cải tạo nông nghiệp đã có một bước chuyển biến mới từ chăn nuôi cá thể bước đầu đã phát triển nhiều cơ sở chăn nuôi tập thể.
Song song với việc phát triển tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp, 34 ngành nghề thủ công nghiệp nằm rải rác phân tán trong huyện. Huyện uỷ từng bước đưa những người làm ăn riêng lẻ vào sản xuất tập trung. Nguyên liệu mua vào để phục vụ sản xuất và sản phẩm làm ra của các hợp tác xã thủ công đã hình thành mạng lưới cung cấp và tiêu thụ sản phẩm.
Năm 1958, huyện đã xây dựng được các cửa hàng mua bán hỗn hợp ở các xã và chợ lớn. Phong trào xây dựng hợp tác xã mua bán phát triển rộng rãi khắp trong huyện, đã cung cấp và bán lẻ được 786.000 đồng, thu mua đạt 330.840 đồng. Mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán hoạt động có hiệu quả, giữ vững giá lương thực khi giáp hạt, giữ vững giá nông cụ và vật liệu xây dựng, góp phần làm ổn định đời sống của nhân dân.
Đi đôi với nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, nhiệm vụ phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao đã đạt được một số thành tích đáng kể. Sau khi hoàn thành thanh toán nạn mù chữ ở độ tuổi từ 12 đến 50, Uỷ ban hành chính huyện đã phát động phong trào học tập cho nhân dân về bổ túc văn hoá, đến cuối năm 1960 huy động được 13.500 người đi học. Đối với cán bộ huyện có 10% học hết lớp 4, 70% học hết lớp 5. Cán bộ chủ chốt xã học hết lớp 3 đạt 91,8%. Phong trào học bổ túc văn hoá cũng được phát động sôi nổi trong các hợp tác xã, toàn huyện có gần 7.000 xã viên đi học. Ngành giáo dục phổ thông cũng phát triển, đến năm 1960 đã chiếm tỷ lệ 17,5% dân số. Trong huyện đã xây dựng được trường cấp III, nhiều xã có trường cấp II.
Ngành y tế đã có đóng góp tích cực để chăm lo sức khoẻ nhân dân, luôn xác định phòng bệnh là trọng tâm công tác của ngành. Có 90% dân số được tiêm chủng đậu phòng dịch bệnh, những đợt dịch xảy ra nhanh chóng được dập tắt. Việc chữa, điều trị bệnh cho nhân dân đã có nhiều tiến bộ, những bệnh như: đau mắt hột, sốt rét, lao được điều trị kịp thời hạn chế lây lan.
Ngành Văn hoá thông tin bước đầu được phát triển và mở rộng. Công tác văn nghệ đã có chuyển hướng tốt về sáng tác và biểu diễn nội dung phù hợp. Đội chiếu bóng lưu động tích cực đi xuống các xã chiếu phim. Phong trào mua và đọc sách báo có nhiều tiến bộ, các sách báo phục vụ sản xuất được đưa đến tận cơ sở.
Tình hình trị an trong huyện được ổn định hơn trước, ý thức giữ gìn trật tự, đoàn kết có nhiều chuyển biến. Hội đồng nghĩa vụ quân sự từ huyện đến các xã được thành lập, công tác khám tuyển sức khoẻ cho thanh niên trong độ tuổi làm nghĩa vụ đạt từ 80- 90%, một số xã đạt 100% thanh niên đi khám sức khoẻ.
Công tác xây dựng Đảng, trong 3 năm (1958- 1960) được Đảng bộ chú trọng nên đã đạt được nhiều kết quả. Năm 1958, năm mở đầu thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế ở nông thôn. Qua các chiến dịch sản xuất củng cố xây dựng hợp tác xã, tính tiên phong gương mẫu của Đảng đã được phát huy, thực sự làm nòng cốt của phong trào. Từ ngày 1/12/1959 đến ngày 6/1/1960, Huyện uỷ đã mở 9 lớp bồi dưỡng cho 405 quần chúng, chú ý phát triển những quần chúng tích cực ở những nơi có trục đường giao thông quan trọng, ở những vùng tạm chiếm cũ có cơ sở yếu, nơi có đồng bào công giáo, qua rèn luyện, thử thách đã kết nạp được 203 đảng viên mới.
Công tác vận động quần chúng của Đảng cũng có nhiều tiến bộ, thiết thực để phục vụ cho công việc cải tạo quan hệ sản xuất. Trong 3 năm 1958- 1960 các tổ chức quần chúng được tổ chức phát triển, nổi bật là lực lượng thanh niên thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng.
Phong trào phụ nữ cũng có những chuyển biến tích cực, tổng số phụ nữ toàn huyện là 26.673 người. Qua thực tế cải tạo xã hội chủ nghĩa, chị em phụ nữ không ngừng thể hiện khả năng lao động sản xuất giỏi mà còn có khả năng lãnh đạo. Trong toàn huyện đã có 275 phụ nữ tham gia ban quản trị, 355 là tổ trưởng, tổ phó lao động, 135 tham gia kiểm soát và đã có tới 77 phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân, 25 phụ nữ tham gia Uỷ ban hành chính xã.
Thắng lợi trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế, chủ yếu hợp tác xã nông nghiệp là một thắng lợi có tính chất lịch sử, chứng minh tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, đã đẩy lùi được nạn đói giáp hạt tháng 3, tháng 8 triền miên, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng được đẩy mạnh tạo nên động lực chính trị rất quan trọng đưa sự nghiệp của Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên bước vào thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa vững chắc hơn.
III/ Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965)
Từ ngày 20/2 đến ngày 1/3/1961, Đảng bộ tỉnh Hà Nam tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IV vòng 2. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ năm 1961 là: đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp một cách toàn diện mạnh mẽ và vững chắc, trọng tâm là đảm bảo tự túc lương thực, nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Ngày 27/3 1962, Huyện uỷ Duy Tiên tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV. Đại hội thảo luận trọng tâm về việc tiến hành cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đại hội bầu ban chấp hành, ban thường vụ và đồng chí Nguyễn Thiện Phú được bầu làm bí thư huyện uỷ.
Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã khắc phục khó khăn nhiều mặt: năng suất lao động còn thấp, tốc độ phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thuật, hợp tác xã công nghiệp còn đang sản xuất ở mức độ phân tán, thương nghiệp còn mang tính chất buôn bán nhỏ. Từ đó đã đưa phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tín dụng, hợp tác xã mua bán phát triển lên đỉnh cao mới. Đến tháng 12/1961, toàn huyện có 141 hợp tác xã nông nghiệp với 19.295 hộ đạt 93,9%. Đối với hợp tác xã mua bán đến cuối năm 1961 đã phát triển được 24.491 xã viên, hợp tác xã tín dụng đã có 36.150 xã viên.
Do có nhận thức đúng đắn về vai trò của thuỷ lợi đối với nông nghiệp cho nên trong 2 năm 1961- 1962, Đảng bộ Duy Tiên đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo xây dựng tu sửa hệ thống công trình thuỷ lợi, đã có tác dụng lớn trong công tác chống úng, chống hạn, bảo đảm thời vụ, mở rộng diện tích cây trồng. Những thành tích trong công tác thuỷ lợi đã cổ vũ tinh thần hăng hái lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Huyện đã chỉ đạo chặt chẽ cấy đúng kỹ thuật kết hợp với chăm bón và phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa. Do đó không những tăng năng suất và sản lượng mà còn mở ra triển vọng mới làm tăng vụ. Năm 1962, năng suất của các hợp tác xã đạt 3,9 tấn/ha, tổng sản lượng thóc toàn huyện là 28.924,4 tấn, bình quân đầu người đạt 308 kg/năm.
Cây hoa màu, cây công nghiệp, cây thực phẩm được duy trì và phát triển. Cây công nghiệp chủ lực là cây mía có tốc độ phát triển nhanh. Năm 1962 đã trồng 1.129 mẫu tăng 42% so với năm 1961. Sản lượng mía của huyện đã cung cấp cho nhà máy đường Vạn Điểm, góp phần vào việc phát triển công nghiệp sản xuất mía đường của cả nước.
Sản xuất thủ công nghiệp được duy trì đã phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, ngoài 7.400 chiếc gầu còn có 150 chiếc guồng nước do các xưởng nông cụ cải tiến sản xuất.
Đi đôi với công tác cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp phát triển kinh tế, công tác văn hoá- xã hội, giáo dục, y tế cũng đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Nội dung mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ, thông tin tuyên truyền đều hướng vào phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ. Một số thư viện xã được xây dựng cung cấp hàng trăm đầu sách tới tay người đọc.
Được sự quan tâm chỉ đạo, ngành giáo dục huyện đã đạt được những thành tích mới. Các ngành học, lớp học phát triển cả số lượng và chất lượng. Tổng số lớp vỡ lòng có 106 lớp; mẫu giáo có 35 lớp 840 cháu; cấp I có 27 trường, cấp II có 21 trường với 37 lớp; cấp III năm 1961 có 2 lớp, năm 1965 có 5 lớp.
Phong trào vệ sinh phòng bệnh được phát triển rộng rãi trong nông thôn, mạng lưới phòng bệnh được củng cố và mở rộng, nạn mất vệ sinh, nạn dịch được ngăn chặn kịp thời. Nhiều xã đã xây được nhà hộ sinh mới, số xã khá về công tác y tế tăng nhiều, tiêu biểu như: Yên Hà, Thắng Lợi.
Đầu năm 1963, công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong huyện có nhiều thuận lợi, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ III và các nghị quyết 5, 6, 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ đã trưởng thành, ngày càng có thêm kinh nghiệm lãnh đạo các mặt công tác. Việc hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1962 đã cổ vũ tinh thần của Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên.
Từ ngày 14- 16/5/1964, huyện Duy Tiên tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI. Đại hội bàn trọng tâm về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng thời 3 cuộc cách mạng, xây dựng cơ sở vật chất chủ nghĩa xã hội. Tăng cường lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ trị an, chống lại các âm mưu phá hoại của địch. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 1964 gồm 18 đồng chí, đồng chí Nguyễn Khắc Tuân được bầu làm Bí thư Huyện uỷ.
Hơn 10 năm (1955- 1965) dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Hà Nam, Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã đoàn kết một lòng, vượt qua nhiều thử thách, vươn lên giành thắng lợi quan trọng về nhiều mặt: hoàn thành cải cách ruộng đất, xoá bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, công thương nghiệp tư bản, tư doanh. Phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội, xác lập quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao. Quốc phòng, an ninh vững mạnh, đảm bảo trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng chi viện cho cách mạng miền Nam.
 
CHƯƠNG IV
TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, CHI VIỆN ĐẮC LỰC CHO SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1965 – 1975)
I. Chuyển hướng mọi hoạt động, tổ chức chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 – 1968)
Tháng 2/1965, đế quốc Mỹ chính thức mở rộng quy mô chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc. Từ tháng 4/1965, Đảng bộ Duy Tiên đã lãnh đạo nhân dân nhanh chóng chuyển hướng mọi mặt công tác từ thời bình sang thời chiến, sẵn sàng bước vào nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Đại hội lần thứ VI của Đảng bộ đã nêu rõ những nhiệm vụ chủ yếu là “ra sức phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 1965, kế hoạch 2 năm (1965– 1967) và những năm tiếp theo. Với phương châm phát triển nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc, lấy thâm canh tăng năng suất, tăng vụ là cơ bản đồng thời hết sức đẩy mạnh khai hoang để mở rộng diện tích phát triển chăn nuôi, ngành nghề”. Huyện uỷ hàng năm đã họp bàn, ra nhiều Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp, ngày 6-8-1966 Nghị quyết số 07- NQ/HU về bàn biện pháp chăm bón để giành thắng lợi quyết định của vụ mùa “Thâm canh thắng Mỹ”, ngày 08/11/1967 Ban Thường vụ ra Nghị quyết số 15-NQ/HU về việc xây dựng cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ. Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, hợp tác xã tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, làm biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng, vật nuôi; 3 cây chủ yếu: lúa, mía, khoai; 3 con chủ yếu: lợn, trâu, cá. Chuyển một số diện tích trồng rau màu sang cấy lúa xuân, bước đầu phá được thế độc canh ở một số nơi vốn là đồng chiêm trũng, đã ảnh hưởng tốt đến quyết tâm phấn đấu cho sự cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi tạo nên những bước đột phá cho nông nghiệp trên cả 3 mặt: tăng diện tích, tăng năng suất, tăng sản lượng.
Vụ mùa năm 1967, toàn huyện giành năng suất cao đưa tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 33.698 tấn vượt 24,99% so với năm 1966, vượt 0,75% so với kế hoạch. Toàn huyện có 5 xã, 18 hợp tác xã đạt từ 5-6 tấn, 35 đội sản xuất từ 5-6 tấn bằng 29% tổng số đội sản xuất trong huyện. Có 26 đội sản xuất đạt 1000 kg/mẫu vụ chiêm, 126 đội đạt 1000 kg/ mẫu vụ mùa (vụ mùa năm 1966 mới có 6 đội đạt 1000 kg/mẫu). Tiêu biểu cho phong trào thâm canh tăng năng suất là các xã: Duy Hải, Tiên Yên và Trác Bút, điển hình là xã Duy Hải được tỉnh Nam Hà công nhận là đơn vị lá cờ đầu toàn diện nơi đồng chiêm trũng đạt năng suất 6,3 tấn/ha, là điển hình của 8 huyện miền Bắc.
Mùa thu năm 1968, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã về thăm huyện Duy Tiên. Đồng chí đã đi thăm đồng ruộng, chuồng trại chăn nuôi ở thôn Cát và thôn Tứ, thăm hỏi một số gia đình xã viên, sau đó về nhà đồng chí Tích gặp mặt cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Cát: “Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, tôi về thăm hỏi Duy Hải, xin gửi lời chúc sức khoẻ đến các ông, các bà và các đồng chí, các cháu thiếu niên nhi đồng. Lúa Duy Hải tốt, chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, đàn lợn tăng nhanh, các đồng chí đã đi vào thế cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, Công tác trồng cây thả cá, thuỷ lợi, giao thông có những cố gắng. Nhưng Đảng bộ và nhân dân Duy Hải phải nỗ lực phấn đấu tốt hơn nữa. Mỗi gia đình phải có ao rau muống, phải có chum tương… nuôi nhiều lợn, gà vịt để cải thiện. Công tác vệ sinh phòng bệnh phải chú ý nhất là ăn sạch, ở sạch, uống sạch, môi trường nước rất quan trọng, nhưng các đồng chí chưa chú ý quan tâm…”.
Sản xuất rau màu cũng có những chuyển biến lớn, thâm canh màu ở nơi đồng chiêm đã đi vào thế ổn định. Cây khoai là loại cây màu chủ lực của huyện được trồng cả hai vụ khoai chiêm và khoai mùa. Năm 1966 đạt sản lượng 7.959 tấn củ, năm 1967 đạt 9.950 tấn. Cây khoai phát triển mạnh cả về diện tích và năng suất đã góp phần quan trọng nâng sản lượng màu quy thóc tăng nhanh: năm 1966 đạt 6.081 tấn, năm 1967 đạt 6.317 tấn.
Các loại cây công nghiệp như: mía, đay, dâu tằm… cũng được chú ý quy gọn vùng sản xuất thực hiện chế độ luân canh, có chính sách ưu tiên vùng cây công nghiệp nên bước đầu đã có chuyển biến và ổn định diện tích theo kế hoạch.
Chăn nuôi từng bước phát triển để phù hợp với trồng trọt. Năm 1966 vẫn còn tình trạng thiếu cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, nhất là sức kéo, phân bón với yêu cầu thâm canh, đàn trâu, bò sinh sản của huyện không tăng, kể cả những xã ven sông Hồng. Đàn lợn tập thể phát triển còn lúng túng, đàn lợn xã viên chưa được cải tạo giống, chậm lớn, mỗi tháng chỉ tăng được từ 2-3 kg. Nghề nuôi cá phát triển chậm, ở những nơi có kinh nghiệm lâu đời về thả cá, nuôi cá nhưng sản lượng tăng thấp.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã có tiến bộ hơn trước. Đến năm 1968, toàn huyện đã có 35 điểm cơ khí nhỏ, trong đó có 14 điểm được trang bị đồng bộ với 40 máy động lực, 2 mô tơ điện, 39 máy vò, 27 máy nghiền thức ăn gia súc, xây dựng được 23 tổ nguội với hàng trăm công nhân. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện đạt 105,8% kế hoạch.
Thực hiện cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật lần 2, toàn huyện đã có 4 hợp tác xã quy mô toàn xã, 7 hợp tác xã quy mô từ 300- 324 ha ruộng canh tác, 24 hợp tác xã lên bậc cao, chỉ còn 3 hợp tác xã bậc thấp là hợp tác xã Đông Kênh (xã Trác Bút), hợp tác xã An Mông, Dưỡng Thọ (xã Tiên Phong). Hợp tác xã được củng cố đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chính sách của Đảng, Chính phủ, đóng góp nghĩa vụ, mua bán nông sản thực phẩm tiết kiệm, phân phối.... Năm 1967, huyện Duy Tiên hoàn thành tốt công tác lương thực, tổng khối lượng huy động cả năm là 5.897 tấn đạt 111,9% so với kế hoạch.
Từ tháng 5/1965 đến tháng 11/1965, đế quốc Mỹ đánh phá cầu Phủ Lý, Cầu Giẽ và tuyến đường 1 với hàng ngàn quả bom, quy mô đánh phá, mức độ đánh phá ngày càng mở rộng và ác liệt, đánh cả ban ngày và ban đêm, không chỉ đánh phá cầu đường mà chúng còn đánh phá cả vào khu dân cư, đê điều, kho tàng kinh tế … Có tháng đánh liên tục như tháng 10/1966 đánh 144 trận, tháng 1/1967 đánh 153 trận. Năm 1966, chúng đánh vào đê điều tăng gấp 11 lần năm 1965, đánh kho tàng kinh tế tăng gấp 6,3 lần, đánh vào khu dân cư tăng gấp 6 lần. Nhận rõ vai trò đảm bảo thông suốt giao thông trong chiến tranh phá hoại là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, ngày 25/11/1966, Huyện uỷ ra nghị quyết số 26- NQ/HU về công tác đảm bảo giao thông vận tải trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; từ đó đã lãnh đạo, động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh sản xuất, mua sắm phương tiện, đến cuối năm 1968 hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp đều thành lập được đội xe thồ chuyên môn, tổ xe bò kéo, thuyền gỗ, xe cải tiến bình quân cứ trên hai hộ xã viên có một xe, tất cả đều hướng vào phục vụ chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân.
Phong trào giải phóng đôi vai, nâng cao sức cơ động, năng lực bốc xếp hàng, giải toả bến bãi, giải toả giao thông tăng nhanh. Năm 1965, các phương tiện giao thông vận tải hàng hoá thay thế đôi vai người lao động mới đạt 67% đến năm 1966 đã tăng lên 88%. Nhiều loại phương tiện được huy động bao gồm 222 xe bò, 459 xe cải tiến, 523 xe cút kít, 118 thuyền gỗ và 2.127 thuyền nan. Mạng lưới giao thông vận tải luôn được củng cố và tăng cường, đã làm thêm được 80km đường vòng, đường tránh.... Toàn huyện đã tu sửa và cải tạo được 317 km đường , đóng góp vào thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải.
Ngày 7/11/1965, đế quốc Mỹ đánh trận đầu tiên vào địa bàn huyện Duy Tiên lực lượng dân quân xã Tiên Hoà dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ và xã chi uỷ thôn Đình Tràng đã phối hợp cùng các đơn vị bộ đội pháo phòng không bố trí trên địa bàn xã bảo vệ cầu Phủ Lý đã anh dũng chiến đấu lập thành tích xuất sắc bắn cháy 2 máy bay Mỹ. Cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng leo thang, mở rộng bắn phá hầu hết các xã trong huyện. Năm 1966 chúng đánh 20 trận, năm 1967 đánh 54 trận, có 13 trận đánh ban đêm. Chúng đánh cả vào xí nghiệp, đồng ruộng trong vòng 15 xã, trọng điểm là Lam Hạ, Tiên Tân, Hoàng Đông, Đồng Văn, Bạch Thượng. Nhờ có công tác che phòng, chuẩn bị tốt nên đã hạn chế được thiệt hại.
Quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân và quyết tâm chiến lược đánh Mỹ, thắng Mỹ của Đảng, Đảng bộ Duy Tiên đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị, học tập Nghị quyết 11, 12 của Ban Chấp hành Trung ương khoá III, lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ý chí quyết tâm chống Mỹ cứu nước. Thường xuyên giáo dục ý thức cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đánh thắng địch bất cứ lúc nào do đó đã kịp thời đập tan những luận điệu xuyên tạc và âm mưu phá hoại của bọn phản động, đảm bảo trật tự trị an, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi mặt phát triển. Chính vì vậy mà Huyện uỷ đã lãnh đạo tốt công tác canh gác báo động máy bay địch, vận động nhân dân triệt để sơ tán xa những trọng điểm đánh phá như khu vực cầu Phủ Lý, khu vực ven đường 1, tích cực đào hầm, hào giao thông ở ngoài đồng, ven đường giao thông, nhà ga, bến phà, trường học và ở trong nhà để tránh máy bay Mỹ, nhất là ban đêm. Toàn huyện đã đào được 33.000 hầm, hố các loại và hào giao thông. Đảng bộ phát động mạnh mẽ phong trào tham gia dân quân du kích, không những số lượng mà chất lượng cũng tăng nhanh: năm 1966 chiếm 11,2% dân số, năm 1967 chiếm tới 12,5%. Đặc biệt việc phát triển dân quân du kích nơi đồng bào Công giáo đã được đẩy mạnh, có tới 9,7% so với tổng giáo dân tham gia. Số xã đạt danh hiệu đơn vị “quyết thắng” hàng năm cũng tăng dần. Năm 1966 có 2 xã, 2 đơn vị, năm 1967 có 4 xã, 37 đơn vị. Trong sản xuất chiến đấu, luyện tập kỹ thuật, chiến thuật đã xuất hiện những đơn vị điển hình như dân quân xã Đọi Sơn và trung đội nữ dân quân thôn Đọi Tam đã được Chính phủ công nhận đơn vị quyết thắng. Xã Tiên Hoà và trung đội dân quân thôn Đình Tràng được huyện chỉ đạo bồi dưỡng xây dựng tập thể anh hùng.
Từ năm 1965 đến tháng 11/1968, đế quốc Mỹ đã đánh phá vào 21/22 xã trong huyện, riêng xã Lam Hạ bị đánh ác liệt nhất với 350 tấn bom đạn trong 672 trận. Thôn Đình Tràng xã Lam Hạ, thôn Thượng xã Tiên Tân là nơi khắc sâu căm thù giặc Mỹ đã giết chết 83 người dân trong nhà và sản xuất ngoài đồng. Bom đạn Mỹ còn làm bị thương 74 bộ đội, 137 dân thường và 6 cán bộ, 311 ngôi nhà bị cháy và hỏng nặng 2 đình, chùa. Mất mát hy sinh về người, về của là rất to lớn nhưng thắng lợi cũng thật vẻ vang. Trong 2 năm 1966- 1967, dân quân du kích trong huyện đã cùng bộ đội pháo phòng không bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Tiêu biểu của tinh thần hiệp đồng chiến đấu là trận đánh tháng 6/1967, máy bay Mỹ cháy, giặc Mỹ nhảy dù đã bị quân du kích xã Chuyên Ngoại bắt sống, thu bản đồ quân sự, vũ khí và tư trang.
Mặc dù trong điều kiện chiến tranh gặp nhiều khó khăn nhất là về lương thực, vừa phải đáp ứng nhu cầu chi viện cho tiền tuyến ngày càng cao nhưng Đảng bộ vẫn không ngừng chăm lo và tổ chức tốt đời sống của các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng ngành giáo dục vẫn có bước tiến mới trong việc quán triệt đường lối, phương châm giáo dục của Đảng thực hiện 3 kết hợp: kết hợp giữa nhà trường, đoàn thể và gia đình, đưa học và hành gắn liền với nhau đang có triển vọng tốt đẹp. Công tác bổ túc văn hoá đã được hoàn thành trước thời hạn 1 tháng, góp phần tích cực vào việc nâng cao kiến thức cho quần chúng có điều kiện tiếp thu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và chiến đấu. Tính đến năm 1968, cứ 3 người dân thì có 1 người đi học thể hiện rõ ở kỳ thi cuối khoá của các cấp học đạt kết quả cao: cấp 1 đạt tỷ lệ 98%, cấp 2 đạt 94,8%, cấp 3 đạt 87%. Năm học 1967- 1968, mẫu giáo tách ra thành một ngành học trong hệ thống giáo dục và được quan tâm đúng mức. Toàn huyện đã có 6.906 cháu vào mẫu giáo bằng 63% số cháu trong độ tuổi đến lớp. Phong trào mẫu giáo của huyện đã được xếp loại khá trong tỉnh.
Công tác thông tin văn hoá đã chuyển hướng kịp thời và có nhiều cố gắng phục vụ sản xuất, chiến đấu và tổ chức đời sống. Việc truyền tin, cổ động được đẩy mạnh với nhiều hình thức gọn nhẹ như: thông tin lưu động, triển lãm nhỏ, đèn chiếu, kể chuyện, đã có tác dụng giáo dục rất tốt. Hoạt động văn hóa đã có tiến bộ rõ trong phong trào đọc sách báo, ca hát “ Tiếng hát át tiếng bom”. Công tác y tế, thể dục thể thao đã hướng vào bảo vệ sức khoẻ của nhân dân. Nhiệm vụ khám và điều trị cho bệnh nhân có tiến bộ. Huyện chú trọng phát triển củng cố mạng lưới y tế huyện, xã. Việc kết hợp đông tây y đã có nhiều cố gắng...
Công tác xây dựng Đảng không ngừng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đảng bộ đã chú trọng việc phát triển đảng viên để tăng thêm sức mạnh cho Đảng, lựa chọn những quần chúng ưu tú đã qua rèn luyện và thử thách trong sản xuất và chiến đấu, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Cuộc vận động xây dựng Đảng bộ, chi bộ theo yêu cầu 4 tốt được mở rộng đi vào chiều sâu đang trở thành ý thức của mỗi cán bộ đảng viên. Năm 1967, có 50 chi bộ 4 tốt, 37 chi bộ khá và 6 chi bộ trung bình.
Trong không khí tưng bừng phấn khởi của nhân dân miền Bắc được hưởng hòa bình, không còn tiếng bom đạn của đế quốc Mỹ, huyện Duy Tiên tiến hành Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ VIII vào ngày 4/12/1968. Đại biểu của các Đảng bộ, chi bộ cơ sở về dự thay mặt cho 2.077 đảng viên trong huyện. Đại hội đã kiểm điểm đánh giá đúng những thắng lợi và tồn tại về mọi mặt của các phong trào cách mạng, đồng thời rút ra những kinh nghiệm chủ yếu trên cơ sở đề ra những phương hướng, nhiệm vụ mục tiêu phấn đấu của năm 1969 và những năm tiếp theo. Đại hội đã đề ra mục tiêu chủ yếu: trong nông nghiệp là 1,4 lao động, 4,5 tấn thóc, 1,8 con lợn/1ha gieo trồng. Trong xây dựng Đảng hết năm 1969 toàn huyện có 50 % Đảng bộ 4 tốt, 60% chi bộ 4 tốt, 70% tổ Đảng và 80 % đảng viên 4 tốt, trong đó có 20 % đạt 4 tốt xuất sắc. Đại hội đã thảo luận, lựa chọn bầu Ban Chấp hành khoá mới gồm 25 đồng chí. Đồng chí Trương Hồng Bảo được bầu làm Bí thư Huyện uỷ.
II. Tranh thủ thời gian hoà bình, đẩy mạnh phát triển kinh tế (1969- 1972)
Thực hiện nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện lần thứ VIII, huyện uỷ đã động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện tập trung trí tuệ, sức lực tiến quân vào mặt trận sản xuất nông nghiệp. Các ban ngành của huyện, xã đã bám sát cơ sở, đôn đốc chỉ đạo đội sản xuất đưa các biện pháp kỹ thuật như: chọn lọc, xử lý giống, cày sâu, bừa kỹ, làm mạ luống, thả bèo dâu...đã khơi dậy khí thế thi đua lao động sản xuất trong toàn huyện. Kết quả là: năm 1969 cấy được 16.324 mẫu lúa Đông xuân, 18.875 mẫu lúa mùa, 628 mẫu ngô, 3.212 mẫu khoai chiêm, 628 mẫu khoai mùa, 759 mẫu mía...
Ngày 19/01/1970, Ban Thường vụ Huyện uỷ ra Nghị quyết số 01- NQ/HU về đào tạo bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế năm 1970 và những năm sau để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế địa phương và sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Thực hiện 3 cuộc cách mạng lấy khoa học kỹ thuật là then chốt do đó đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế có vị trí và tác dụng trực tiếp đối với sản xuất công nghiệp và các ngành khác đặc biệt là sản xuất nông nghiệp phải đưa mạnh khoa học, kỹ thuật mới tạo ra năng suất cao.
Ngày 4/5/1970,Uỷ ban hành chính huyện ra Nghị quyết số 240 – NQ/UB về phát động vụ mùa năm 1970 với nhiệm vụ chủ động thâm canh toàn diện nhằm phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi “cao nhất, tốt nhất, toàn diện nhất”.
Ngày 15/10/1970, Đảng bộ tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ IX. Đại hội đánh giá ưu, khuyết điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII từ tháng 10/1969 đến tháng 9/1970. Trên cơ sở đánh giá kỹ các mặt sản xuất nông nghiệp và xây dựng hợp tác xã, công tác quản lý kinh tế, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, trên cơ sở đó Đại hội đã nêu ra phương hướng nhiệm vụ năm 1971 là: tập trung sức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển mạnh mẽ sản xuất lương thực, thực phẩm chủ yếu là cây lúa và con lợn. Phát triển nông nghiệp toàn diện một cách hợp lý, tạo điều kiện phân công lao động mới và tăng năng suất lao động để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất và thiết thực. Đại hội đã bầu 23 đồng chí vào ban chấp hành và đồng chí Trương Hồng Bảo được bầu lại làm bí thư huyện uỷ.
Những năm đầu thực hiện kế hoạch 3 năm 1971- 1973 có vị trí rất quan trọng và cấp bách về mặt kinh tế nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ cho tiền tuyến lớn. Cần phải tạo ra những chuyển biến mới về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực, thực phẩm. Vụ Đông xuân 1970- 1971 diện tích cấy đạt 17.435 mẫu vượt 3,74% so với kế hoạch trong đó lúa chiếm 4.951 mẫu, lúa xuân 12.484 mẫu. Các hợp tác xã đã đưa giống lúa mới chiếm 75,4% diện tích lúa Đông xuân, đồng thời áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật để tăng sản lượng. Vụ mùa năm 1971 gặp thiên tai khắc nghiệt, lũ ở các sông lên sớm lại bị bão số 7,8,9 có cường độ mạnh nối tiếp nhau đổ bộ vào địa bàn huyện kèm theo mưa to kéo dài từ ngày 11 đến ngày 20/8 với lượng mưa trên 300 mm đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân trong huyện. Toàn huyện chỉ cấy và thu hoạch được 14.372 mẫu, bằng 73,9% kế hoạch, năng suất chỉ đạt 55,6kg/sào. Tuy trồng trọt giảm nhưng chăn nuôi vẫn giữ được tương đối ổn định, năm 1971 với quyết tâm “tăng đầu lợn chống Mỹ” qua kiểm kê ngày 1/4 vẫn giữ được 26.632 con tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 1970. Đến ngày 1/7 đàn lợn tăng 6,9 %, lợn xã viên tăng 1,4%, đáng chú ý là đàn lợn lai kinh tế đã phát triển ở 16 cơ sở với tổng số 645 con. Một số hợp tác xã tăng cả về đàn lợn tập thể và gia đình, tiêu biểu như: Vũ Lương (Tiên Yên), Phú Ngòi (Tiên Hiệp) và Duy Hải. Năm 1971 được xác định là “năm thuỷ lợi”, Huyện uỷ đã phát động chiến dịch tổng công kích vào thuỷ lợi. Hàng ngàn xã viên nòng cốt là lực lượng của 52 đội thuỷ lợi chuyên, 62 tổ tưới tiêu, chủ yếu là thanh niên, dân quân tự vệ xung kích đi đầu trước những khó khăn gian khổ nhất, luôn có mặt trên các công trình, củng cố đê điều, chống lũ, lụt, chống hạn, chủ động tưới tiêu nước, chuyển ruộng cấy cưỡng sang cấy chính vụ, cải tạo đồng chiêm cũ thành 2 vùng lúa. Riêng khối lượng đào đắp 8 tháng đầu năm đạt 1.129.500m3 đất, bình quân mỗi lao động đạt 31m3. Tiêu biểu cho chiến dịch thuỷ lợi, kiến thiết đồng ruộng là xã Trác Bút, tháng 5/1971 toàn xã đã hoàn thành hệ thống mương, máng tưới tiêu khoa học, tạo nền cứng đồng ruộng để đưa cơ giới vào khâu làm đất, phơi ải để tăng năng suất cây trồng.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn do bão, lụt gây nên, làm thiếu nguyên, nhiên liệu. Các ngành tiểu thủ công như: gốm sứ, song mây, dệt lụa, thêu ren, kéo mật, gạch ngói, nung vôi mặc dù phải chống đỡ với thiên tai dồn dập, nhưng xã viên các cơ sở vẫn cố gắng khắc phục hậu quả, nhanh chóng bắt tay vào sản xuất, làm ra sản phẩm góp phần nhanh chóng giải quyết khó khăn ổn định đời sống của nhân dân.
Năm 1970- 1971, mặc dù phải chống trọi với bão lũ nhưng Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã tổ chức tiễn đưa hàng ngàn con em lên đường vào Nam chiến đấu. Nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến ngày càng nhiều và làm tốt chính sách hậu phương quân đội, huyện đã được chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì, có 3 xã: Tiên Tân, Tiên Yên, Trác Văn được chính phủ thưởng Huân Chương và 10 xã được Uỷ ban hành chính tỉnh tặng bằng khen.
Công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến mới, rõ nhất là cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên và nâng cao chất lượng tổ chức Đảng. Các cấp uỷ đã chỉ đạo chặt chẽ, coi trọng việc giáo dục tư tưởng chính trị đúng lúc, rèn luyện phẩm chất đạo đức kết hợp với phân công đảng viên, kiểm tra đảng viên tạo điều kiện cho đảng viên phấn đấu thực hiện 7 yêu cầu, 4 nghĩa vụ và 6 dứt điểm. Nâng cao chất lượng đảng viên còn được nhận thức rõ trong việc củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất và tiếp thu khoa học, kỹ thuật. Số đảng viên được bầu vào Ban chỉ huy đội sản xuất tăng 59% so với năm 1969, các đội chuyên như: thuỷ lợi, bảo nông, trồng cây, chăn nuôi tập thể tăng từ 59 đến 67%, riêng đội khoa học kỹ thuật đạt 118%. Việc tiếp thu khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa giống mới vào sản xuất có thể nói là một cách mạng nhảy vọt. Từ chỗ cơ cấu lúa xuân năm 1968 mới có 827 mẫu, tăng lên 3.045 mẫu năm 1970, đến vụ Đông xuân 1970- 1971 đạt tới 13.117 mẫu giống lúa mới.
Trong 3 năm Đảng bộ đã thường xuyên coi trọng việc giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Chất lượng sinh hoạt trong Đảng bộ đã được nâng cao, coi trọng đấu tranh phê bình. Trong sinh hoạt đã thể hiện được 3 tính chất “lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu”. Nhiệm vụ phát triển đảng viên mới, đặc biệt là lớp đảng viên Hồ Chí Minh đã được các Đảng bộ, chi bộ tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phát triển Đảng. Trong phong trào cách mạng của quần chúng xuất hiện nhiều người ưu tú, giác ngộ nhất giới thiệu vào Đảng. Qua 3 đợt 19/5, 2/9 và 3/2 năm 1970- 1971 toàn huyện đã kết nạp được 31 đảng viên lớp Hồ Chí Minh, trong đó có 88% là lao động tiên tiến, 12% là chiến sỹ thi đua.
Từ ngày 27/12 đến ngày 31/12/1971, Đảng bộ huyện đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ X. Trong phương hướng, mục tiêu, Đại hội nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng bộ vững mạnh, liên tục phát động được cao trào cách mạng trong quần chúng tất cả sẵn sàng hướng ra tiền tuyến. Đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng ở nông thôn, nắm vững cách mạng kỹ thuật là then chốt để thực hiện nhiệm vụ cấp bách giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm”. Đại hội đã tiến hành bầu ban chấp hành khoá mới gồm 21 đồng chí, đồng chí Nguyễn Chính Thiện được bầu làm bí thư huyện uỷ.
III. Tập trung sức, tiếp tục chiến đấu, xây dựng kinh tế, chi viện đắc lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam (1972 - 1975).
Thực hiện lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính Phủ và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Duy Tiên đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong huyện chuẩn bị mọi mặt chống chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ. Các tổ chức Đảng, nhất là tổ chức cơ sở đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu cụ thể trên các mặt công tác, xây dựng bổ sung các phương án cụ thể về sản xuất nông nghiệp, chiến đấu, phòng tránh và giải quyết hậu quả do địch gây ra. Chống thiên tai, bão lũ, đảm bảo giao thông thuỷ bộ, thông nhanh đường vận chuyển ra tiền tuyến.
Năm 1972, thuỷ lợi là mũi nhọn của cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X đã chỉ rõ: “Công tác thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp phải đạt yêu cầu thâm canh cây trồng có năng suất cao đồng thời chống được thiên tai địch hoạ trong hoàn cảnh xấu nhất đảm bảo thắng lợi”. Công tác khai thác quản lý công trình thuỷ nông được đẩy mạnh, đây là bước ngoặt của thời kỳ phát triển sản xuất nông nghiệp đi vào khoa học, kỹ thuật. Trạm quản lý được tách riêng, xây dựng được đội ngũ công nhân quản lý công trình, bước đầu tuy có lúng túng, nhưng đã có tác dụng trong việc quản lý kênh mương, đóng mở cống kịp thời. Năm 1972, toàn huyện đã nạo vét 15 kênh tưới, 14 trạm bơm với khối lượng 59.574m3 hết 21.370 công. Khối lượng kiến thiết đồng ruộng đạt 244.000m3 với 112.000 công. Sửa chữa 4 cống lớn, 5 cống tiêu, số máy bơm chống úng ngày cao điểm nhất chạy 55 máy. Vì vậy nên cây trồng đảm bảo thời vụ, diện tích và năng suất đạt 2.450kg/ha đứng vào loại khá nhất khu vực miền Bắc, cây màu, rau, đậu, đỗ cây công nghiệp vụ đông phát triển thành một vụ chính theo hướng tăng vụ, đồng thời tích cực trồng xen, trồng gối, đảm bảo những cây trồng chính như: khoai lang, khoai tây, ngô 3 tháng, đậu đỗ các loại...
Về chăn nuôi, tập trung chỉ đạo tăng nhanh đàn lợn cả hai khu vực gia đình và tập thể, phấn đấu đạt 35.000 con lợn, trong đó có 10.000 con của tập thể, 6.000 con lợn nái, để đáp ứng ngày càng nhiều phân bón cho cây trồng, thịt cho Nhà nước, cho xuất khẩu và cải thiện đời sống cho nhân dân, phấn đấu thực hiện kinh doanh có lãi. Tháng 9/1972, Huyện uỷ lại có Nghị quyết về phát động chiến dịch “tăng đầu lợn chống Mỹ cứu nước” đã chuyển biến mạnh mẽ đến các Đảng bộ, Ban quản trị hợp tác xã và toàn thể xã viên.
Chiến tranh phá hoại ngày càng mở rộng, thực hiện theo tinh thần Hội nghị ngày 7/4/1972 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Duy Tiên đã khẩn trương triển khai công tác phòng không nhân dân, chú ý ở các địa bàn ven thị xã, đường 1, tổ chức động viên người già, trẻ em đi sơ tán. Các cơ quan xí nghiệp, trạm, trại phải triệt để thực hiện quân sự hoá, tổ chức trực ban, trực chiến, báo động, quản lý tốt lao động và tài sản. Mọi lực lượng lao động bắt tay vào kiểm tra củng cố lại hệ thống hầm, hố, hào giao thông trú ẩn, phòng tránh máy bay ở trong gia đình, trụ sở, ven đường giao thông nơi tập trung đông người, nguỵ trang các công trình dân sự, quân sự, che chắn ánh sáng vào ban đêm, củng cố, kiện toàn các tổ chức cứu thương, cứu hoả, đội đào bới sập hầm, các đội công binh nhân dân, thanh niên xung phong đóng chốt tại các trọng điểm sẵn sàng tháo gỡ bom mìn, giải phóng phương tiện, đảm bảo giao thông.
Đế quốc Mỹ tập trung đánh phá vào địa bàn Huyện Duy Tiên mức độ ác liệt hơn, quy mô rộng hơn, các loại vũ khí, kỹ thuật tiên tiến hơn. Từ tháng 4 đến tháng 10/ 1972, đế quốc Mỹ đã dùng 1.345 lần máy bay phản lực trong đó có 554 lần đánh vào quốc lộ 1A, nhiều nhất là đoạn Đồng Văn- Phủ Lý, 50 lần đánh vào đê điều, 350 lần đánh vào khu dân cư. Do được chuẩn bị tốt cả về tinh thần và vật chất, tuy bị đánh ác liệt nhưng thiệt hại về người và tài sản ít hơn nhiều so với chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Các đơn vị dân quân phối hợp với bộ đội chiến đấu chủ động hơn, tiêu biểu là dân quân xã Lam Hạ, Tiên Hải, Chuyên Ngoại. Tháng 6- 1972 dân quân xã Mộc Bắc nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu bắt sống được tên giặc lái Mỹ nhảy dù xuống thôn Trung Hà.
Trong lúc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ diễn ra trên địa bàn huyện ngày càng ác liệt, Huyện uỷ đã triển khai Nghị quyết 02 và Kế hoạch của Tỉnh uỷ về công tác cải tiến sự chỉ đạo của cấp huyện để đảm bảo đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đảm bảo huyện là cấp kế hoạch, đồng thời là cấp quản lý kinh tế có nhiệm vụ chỉ đạo xã và hợp tác xã phải làm tốt công tác đầu tư về lao động, tiền vốn chỉ đạo thực hiện các chế độ chính sách, huyện phải nắm chắc các đầu mối, kể cả các đơn vị kinh doanh sản xuất do các ngành dọc quản lý.
Căn cứ vào tình hình, đặc điểm của Duy Tiên, việc phân miền có điều chỉnh cho hợp với vùng kinh tế và phân công thường trực, Thường vụ và Huyện uỷ viên phụ trách. Toàn huyện được chia thành 2 vùng kinh tế và 5 miền như sau: Vùng I: (vùng trọng điểm lúa,lợn) có bình quân ruộng đất cao từ 3 sào/ người trở lên, có nhiều nông sản hàng hoá, vùng này gồm 13 xã và 34 hợp tác xã.Vùng II: (vùng lúa, lợn, màu, cây công nghiệp và cây đặc sản) có bình quân ruộng đất thấp dưới 3 sào/ người, nằm theo ven Sông Hồng, Sông Châu, vùng này có 9 xã và 21 hợp tác xã.
Vụ mùa năm 1972, mặc dù trong điều kiện chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ rất ác liệt, xã viên các hợp tác xã vẫn khắc phục khó khăn đưa các khâu kỹ thuật làm đất, giống, phân bón vào sản xuất đảm bảo diện tích 17.500 mẫu, năng suất 2.008 kg/ha, mức ăn bình quân đầu người đạt 17- 18 kg. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương tuy gặp khó khăn về nguyên, vật liệu, sản xuất trong điều kiện phòng không sơ tán, phân tán người, máy móc nhưng các cơ sở sản xuất đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, quyết tâm phấn đấu giành năng suất cao.
Công tác tuyên truyền vận động thanh niên lên đường đánh Mỹ được chú trọng ở những nơi khó khăn, nơi có đồng bào Công giáo toàn tòng như: Đông Nội (Trác Bút), Du Long (Chuyên Nội), Thượng (Tiên Ngoại).
Đội ngũ thày cô giáo được bồi dưỡng vững vàng về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn đẩy mạnh và làm theo 3 điển hình tiên tiến ở cả 3 ngành học, chất lượng học tập, tỷ lệ lên lớp và tốt nghiệp được nâng cao.
Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh đã vận động thanh niên đẩy mạnh cao trào 3 sẵn sàng, cổ vũ thanh niên hăng hái lên đường đánh Mỹ và xây dựng dân quân du kích tích cực sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Công tác kiện toàn tổ chức đoàn theo 3 cấp: Huyện đoàn, xã đoàn, chi đoàn đạt kết quả tốt, 6 tháng đầu năm 1972, đã kiện toàn 19/22 xã đoàn; 68/75 chi đoàn, kết nạp được 931/1500 thanh niên cử đi học, đạt 62%.
Hội liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức cho hội viên học tập gương Lê Thị Hồng Gấm và gương những người phụ nữ mới. Hội đã động viên làm tốt công tác vận động chồng, con, anh, em tòng quân đi chiến đấu, cá biệt đã vận động được 81 trường hợp khó khăn lên đường nhập ngũ. Trong sản xuất, hội đã huấn luyện cho 15.250 người biết cấy lối mới. Các hội viên đã tích cực thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, toàn huyện đã củng cố được 108 nhà trẻ gồm 3.364 cháu.
Thắng lợi vang dội của quân và dân 2 miền Nam- Bắc đã đẩy đế quốc Mỹ càng lún sâu vào thất bại buộc chúng phải ký hiệp định Pari (1/1973), rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng chúng vẫn ngoan cố dùng chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” ở miền Nam, tăng cường nguỵ quân, nguỵ quyền để thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.
Sau Hiệp định Pari, Đảng bộ đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng mọi mặt hoạt động từ chiến tranh sang hoà bình. Chỉ trong một thời gian ngắn, các ngành sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải sớm được ổn định, sinh hoạt trở lại bình thường nhất là ở các xã bị chiến tranh tàn phá và lũ lụt như: Lam Hạ, Tiên Tân, Hoàng Đông, Duy Hải...
Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện đã quyết tâm chỉ đạo đưa mạnh giống mới vào đồng ruộng. Quyết tâm cao được thể hiện trong suốt quá trình gieo cấy, kiên quyết thực hiện bằng được kế hoạch cấy giống mới, không để một thửa ruộng nào trong kế hoạch giống mới lại cấy giống cũ. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 39.315 tấn vượt kế hoạch 31,2%, riêng lúa đạt 36.195 tấn vượt kế hoạch 34%, nghĩa vụ lương thực đóng góp với Nhà nước 6.000 tấn vượt kế hoạch 9%, mức ăn bình quân đầu người là 19,3 kg/tháng. Một số cây công nghiệp cũng có sản lượng bằng và vượt mức kế hoạch như: mía 20.000 tấn, đay 120 tấn, dâu tằm 30 tấn.
Trong không khí phấn khởi của nhân dân Duy Tiên đang giành được kết quả lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, tiền tuyến đang trên đà thắng lợi, tháng 4/1975, Đảng bộ huyện tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XII. Đại hội khẳng định năm 1974 là năm phong trào mọi mặt chuyển biến đáng phấn khởi, với khí thế cách mạng tiến công quyết tâm vươn lên giành thắng lợi to lớn hơn, hoàn thành mục tiêu khôi phục kinh tế 1974- 1975 chi viện cho cách mạng miền Nam. Đại hội đã bầu 23 đồng chí vào ban chấp hành, đồng chí Nguyễn Chính Thiện được bầu làm bí thư huyện uỷ.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, Huyện uỷ đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất trong các tầng lớp nhân dân. Vụ Đông xuân năm 1975, tổng diện tích cây lương thực trồng được 7.358 ha trong đó lúa chiêm xuân là 6.494 ha, năng suất đạt 23,29 tạ/ha, sản lượng đạt 15.125 tấn. Ngô trồng 208 ha, năng suất 15 tạ/ha, sản lượng 312 tấn, hoa màu các loại 482 ha bằng 74,1 % …
Trong 3 năm 1973- 1975 trồng trọt tuy phát triển mạnh, năng suất cây trồng cao nhưng vẫn bị ảnh hưởng lớn của thiên tai. Nhưng nguyên nhân quan trọng là các cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa chủ động, chưa có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với đồng đất và thời vụ.
Về chăn nuôi đã có nhiều cố gắng và đi vào phát triển ổn định. Năm 1974 tổng đàn lợn có trên 32.000 con, đàn trâu, bò cày kéo được chăm sóc tốt. Tính đến ngày 1/7/1974 có 3.094 con. Chăn nuôi vịt, cá cũng được mở rộng ở các hợp tác xã, hàng năm đạt 30- 40 tấn cá. Có 43 hợp tác xã nuôi cá với diện tích 2.9191 mẫu. Đàn gia cầm đã được chú ý từ ban đầu. Mỗi con nái được Nhà nước bán, hỗ trợ từ 3- 5 kg thóc, khi mất mùa để duy trì đàn vịt, ngỗng.
Ngành thủ công nghiệp huyện Duy Tiên không lớn, xong nó đóng góp phần khá quan trọng vào phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng cơ bản, phục vụ đời sống và góp phần vào xuất khẩu. Giá trị tổng sản lượng toàn ngành năm 1973 so với năm 1972 vượt 12 %, 6 tháng đầu năm 1974 đã có 57 lò gạch, 2 lò ngói, 4 lò vôi, sản xuất với sản lượng 4 triệu viên gạch, ngói.
Ngành cơ khí đã được củng cố, bắt đầu sản xuất phục vụ nông nghiệp, đã lắp được 235 chiếc cày, 835 chiếc bừa, sửa chữa được 319 vành xe các loại, lắp mới đuợc 49 xe cải tiến...
Ngành giao thông vận tải được củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất và có nhiều tiến bộ. Năm 1974 đã sửa đường Hoà Mạc, Trác Văn. Hợp tác xã vận tải đã thực hiện vượt chỉ tiêu, kế hoạch vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất.
Các ngành văn xã chuyển hướng kịp thời, phục vụ đời sống nhân dân. Về y tế: bệnh viện huyện đã củng cố được 70 giường bệnh, điều trị được 5.701 bệnh nhân, tỷ lệ tử vong giảm từ 1,06 xuống 0,94%. Công tác vệ sinh phòng bệnh được chú ý. Công tác tiêm phòng đảm bảo tốt đạt 94% kế hoạch. Công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em cũng đạt được nhiều thành tích. Toàn huyện đã tuyên truyền đặt vòng tránh thai được 596 người, có 51 nhà trẻ gồm 1.300 cháu. Về giáo dục, huyện đã chú ý phát triển các ngành học, các cấp học. Năm học 1973- 1974, cấp I có 3.95 lớp với 17.163 học sinh, cấp II có 198 lớp với 9.229 học sinh, mẫu giáo có 114 lớp với 2.882 cháu, cấp III A có 15 lớp, cấp III B có 7 lớp, bổ túc văn hoá cả 3 cấp có 2.250 học viên.
Ngành văn hoá thông tin trong điều kiện khó khăn, thiếu phương tiện trang thiết bị nhưng vẫn cố gắng tìm nguồn sách, báo, phim ảnh, thông báo tin chiến thắng ngoài mặt trận và tình hình sản xuất ở địa phương kịp thời phục vụ nhân dân.
Nhận thức rõ những nhiệm vụ của hậu phương với tiền tuyến, năm 1974 toàn huyện đã động viên tiễn đưa 326 thanh niên nhập ngũ bổ sung cho quân thường trực trong 3 đợt đạt 88 % kế hoạch.
Công tác xây dựng Đảng và chính quyền đã có sự cải tiến, Huyện uỷ đã thông qua chính quyền để thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước có kết quả tốt như: quản lý, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân. Nhưng cũng còn một số nhược điểm quan trọng là: chưa thuyết phục được cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng vai trò của chính quyền, vi phạm pháp luật còn xảy ra ở nhiều địa phương ….
Cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, nhiệm vụ chính trị của Đảng, công tác xây dựng Đảng đã có những chuyển biến tích cực.
Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, năm 1974 Huyện uỷ mở các lớp tại chức bồi dưỡng 13 chuyên đề trong chương trình sơ cấp chính trị cho 1.351 đảng viên ở 19 đảng bộ xã và 512 cán bộ, đảng viên ở các chi bộ cơ quan. Phong trào học tập có nhiều tiến bộ, không những học chính trị mà cả văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 1975, toàn huyện có 1.203 học viên, 160 đồng chí học kỹ thuật, quản lý, 143 đồng chí đi học trường Đảng...
Để khắc phục những tồn tại về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng, Đảng bộ huyện đã tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và công tác đảng viên. Toàn Đảng bộ có 22 chi bộ xã và 1 Đảng bộ An dưỡng thương binh Nam Hà, 36 chi bộ cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, 602 tổ đảng. Nhìn chung công tác kiện toàn củng cố tổ chức cơ sở đảng có nhiều tiến bộ, song từng lúc, từng chi bộ vẫn còn những khiếm khuyết nhưng dần dần đã được khắc phục.
Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ kết hợp với kiện toàn cơ quan lãnh đạo từng cấp, từng ngành. Đảng bộ đã tiến hành đợt sinh hoạt phê bình và tự phê bình, nhận xét đánh giá đảng viên đạt kết quả tốt.
Trong quá trình kiện toàn tổ chức bộ máy, Huyện uỷ đã chỉ đạo thống nhất, căn cứ theo tinh thần Nghị Quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương, số lượng cần thay đổi và “đổi mới một bộ phận trong cấp uỷ” được thực hiện, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao.
Trong 3 năm 1973- 1975 mọi lĩnh vực của huyện đều có sự chuyển biến, sớm ổn định đời sống của nhân dân, nhanh chóng phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm. Đặc biệt qua học tập Điều lệ hợp tác xã, Nghị quyết 225, quần chúng bước đầu có ý thức tham gia quản lý kinh tế, quản lý xã hội, tích cực góp phần vào công cuộc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong sản xuất và đời sống, góp phần giữ vững an ninh trật tự xã hội.
Gắn liền với thắng lợi về phát triển kinh tế, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá- xã hội cũng có chuyển biến tốt, được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất. Công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em, sinh đẻ có kế hoạch đã được chú ý hơn.
Phát huy thắng lợi năm 1974, bước sang năm 1975, Đảng bộ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất giành năng suất cao. Đẩy mạnh phong trào tòng quân nhập ngũ, phong trào vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng, tạo thế trận mới, niềm tin mới, vững bước tiến lên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Kết thúc chặng đường lịch sử hơn 20 năm (1955- 1975), Đảng bộ huyện Duy Tiên được củng cố và trưởng thành nhanh chóng, đã tập trung sức lãnh đạo, động viên các tầng lớp nhân dân trong huyện quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ, kiên cường đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng.
Hai mươi năm, một thời hoà bình, một thời bom đạn, mồ hôi và xương máu của các tầng lớp nhân dân trong huyện, của các anh hùng liệt sỹ đã tô thắm thêm truyền thống bền bỉ, cần cù trong lao động sản xuất, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, mãi mãi là niềm tự hào, là động lực để Đảng bộ lãnh đạo nhân dân Duy Tiên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN DUY TIÊN CÙNG CẢ NƯỚC THỰC HIỆN 2 NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC; TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1975 - 2005)
CHƯƠNG V
KHÔI PHỤC VÀ ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT BẢO ĐẢM ĐỜI SỐNG XÃ HỘI GÓP PHẦN VÀO CÔNG CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ TỔ QUỐC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (1975 - 1985)
I. Khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tham gia bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1980)
Cuộc tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đem lại thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta, thống nhất hai miền Nam Bắc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới đặt ra trước Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên là phải khai thác mọi tiềm năng vốn có về đất đai, lao động cơ sở vật chất đồng thời tích cực khắc phục hậu quả của chiến tranh từng bước phát triển kinh tế xã hội, xây dựng quê hương Duy Tiên ngày càng giàu mạnh. Trên cơ sở nắm vững “công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong thời kỳ quá độ”, toàn Đảng, toàn dân Duy Tiên tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hoàn chỉnh thuỷ nông, chủ động giống, phân, tăng nhanh công cụ vận chuyển mở rộng sân phơi, nhà kho và cơ sở thức ăn cho lợn, áp dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng xanh như giống mới, phân bón vào sản xuất. Thực hiện tốt phương châm “không để một người không có việc làm, một thửa ruộng, mảnh vườn bỏ hoang hoá, một hồ ao không thả cá, một chiếc máy không chạy, một cân nguyên liệu bị lãng phí”.
Bước sang năm 1976, là năm có nhiều sự kiện lịch sử như: hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng thành công rực rỡ. Với sự phấn khởi chung của cả nước dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Hà Nam Ninh, tháng 10/1976, Đại hội Đảng bộ huyện Duy Tiên lần thứ XII được tổ chức. Đảng bộ đã xác định phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm 1975- 1980 là: tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh tích cực mở rộng diện tích bằng cách tăng vụ, tận dụng đất đai, tăng nhanh sản lượng lương thực và cây công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi lợn, cá, trâu bò và gia cầm. Phát triển mạnh ngành nghề, chủ yếu là hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Phát triển công nghiệp địa phương. Tổ chức và phân công lại lao động, cải tiến chế độ quản lý. Không ngừng tăng nhanh năng suất lao động. Đại hội đã bầu 19 đồng chí vào ban chấp hành và đồng chí Nguyễn Chính Thiện được bầu lại làm bí thư huyện uỷ.
Trong sản xuất nông nghiệp, do xác định đúng đắn vấn đề lấy lương thực, thực phẩm làm trọng tâm, lấy cơ giới hoá làm nhiệm vụ trung tâm, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện mạnh mẽ và vững chắc, năm 1976, Huyện uỷ đã ra các nghị quyết 01, 02, 03, cụ thể hoá bằng các chỉ tiêu, biện pháp, tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện chiến dịch Hà Nam Ninh với 6 mũi tiến công và 5 khâu quyết định. Từ đó trong sản xuất nông nghiệp, cả trồng trọt và chăn nuôi đều đạt kết quả khá: 14 hợp tác xã đạt chỉ tiêu trên 5 tấn thóc trở lên; có 6 hợp tác xã đạt trên 6 tấn thóc/ ha gieo trồng là: Yên Bắc, Châu Giang, Mộc Bắc, Trác Văn, Mộc Nam, Tiên Hải. Huyện Duy Tiên là huyện dẫn đầu về năng suất lúa của 8 huyện phía Bắc tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích, thu hồi ruộng đất bị lấn chiếm đưa vào sản xuất tập thể, coi trọng mở rộng diện tích vụ đông, đưa giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất. Tổng diện tích gieo trồng bình quân 5 năm 1976-1980 lên 16.165 ha, tăng 741 ha bằng 4,8% so với 5 năm 1971-1975. Diện tích cây lương thực bình quân 5 năm 1976-1980 đạt 14.761 ha, tăng 1412 ha so với bình quân 5 năm 1971-1975. Diện tích lúa, ngô, khoai nhìn chung ổn định. Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp bình quân tăng 10% so với 1971-1975. Năng suất lúa bình quân từ 42,96 tạ/ha/năm lên 43,76 tạ/ha/năm. Sản lượng các loại cây công nghiệp nhìn chung có xu thế giảm, riêng cây đay tăng gấp 2,4 lần. Duy Tiên vẫn là huyện có năng suất lúa đứng thứ 5 toàn tỉnh Hà Nam Ninh.
Phong trào chăn nuôi vẫn tiếp tục phát triển theo hướng toàn diện. Đàn lợn phát triển ổn định. Tổng đàn lợn toàn huyện bình quân 5 năm 1976-1980 là 33.029 con, tăng 2.158 con bằng 7,1% so với bình quân 5 năm 1971-1975. Đàn trâu bò được giữ vững, trâu bò sinh sản phát triển khá nhanh, đến năm 1980 toàn huyện có 4.320 con. Đàn gia cầm tăng bình quân mỗi năm từ 10 đến 23%. Phong trào nuôi cá tiếp tục phát triển đồng đều, rộng khắp và đạt hiệu quả khá hơn trước. Sản lượng cá đạt từ 450 tấn năm 1976 lên 650 tấn năm 1980. Trong nhiều năm liền, Duy Tiên có phong trào nuôi cá khá của tỉnh và là điển hình toàn diện cả về sản xuất cá giống, nuôi cá thịt và xây dựng “Ao cá Bác Hồ”. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, các hợp tác xã đã xây dựng tổ khoa học kỹ thuật và có nội dung kế hoạch hoạt động cụ thể thiết thực phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi. Phong trào áp dụng khoa học kỹ thuật được quần chúng hưởng ứng tích cực, đến năm 1980, hơn 70% diện tích lúa giống có năng suất cao và gần 40% lợn lai kinh tế được đưa vào sản xuất. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế ngày càng được tăng cường, được sử dụng đúng ngành, nghề đào tạo.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của thuỷ nông đối với sản xuất nông nghiệp Đảng bộ đã chỉ đạo đi đôi với nạo vét khai thông các kênh tưới tiêu, kiện toàn và củng cố các đội thuỷ nông, hoàn chỉnh thuỷ nông phải kết hợp với san lấp đồng ruộng, khai hoang phục hoá để tăng thêm diện tích gieo trồng kết hợp với giao thông nông thôn, trồng cây, thả cá theo quy hoạch, quy vùng sản xuất. Từ năm 1975 đến năm 1980 các công trình lớn như: trạm bơm chợ Lương, đê kè sông Hồng, đê Hoành Uyển, đê Mã Lương được xây dựng và mở rộng tu sửa các trạm bơm khác.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được Đảng bộ tập trung chỉ đạo, nêu cao quyết tâm vượt qua nhiều sóng gió, đều hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp bình quân 5 năm 1976-1980 là 5.287.000 đồng, so với kế hoạch tăng 15%. Các ngành cơ khí sửa chữa, vật liệu xây dựng, sành sứ, thuỷ tinh, chế biến lương thực thực phẩm, dệt, da, may, nhuộm có tốc độ tăng bình quân cao so với kế hoạch từ 8 đến 27,7%.
Trong 5 năm Duy Tiên đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cao và sửa chữa các công trình đầu mối. Mở rộng mạng lưới điện phục vụ sản xuất. Xây dựng trạm biến áp trung gian Hoà Mạc với công suất 1800KW. Nhiều công trình phục vụ sản xuất, sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế được xây dựng như: nhà kho, sân phơi, lò cất tinh dầu, lò xử lý giống, chuồng trại chăn nuôi tập thể, phòng học, nhà nuôi dạy trẻ, lớp mẫu giáo, trạm y tế, đài truyền thanh...
Trong chỉ đạo quản lý, sử dụng lao động bước đầu đạt kết quả. Duy Tiên có nguồn lao động dồi dào, bình quân 5 năm 1976-1980 toàn huyện có 42.302 người trong độ tuổi lao động với 35.000 lao động, trong đó 74% là lao động nông nghiệp. Đảng bộ chủ trương sắp xếp cho mọi người có sức lao động có công ăn việc làm, thông qua bố trí lao động vào các ngành nghề làm cho ai cũng tăng thu nhập, đời sống ổn định và từng bước cải thiện. Lao động trong các lĩnh vực tăng giảm từ năm 1976 đến năm 1980 là: trồng trọt giảm từ 76,19% xuống 76,16%; lao động chăn nuôi từ 1,9% lên 2,83%; lao động xây dựng cơ bản từ 4,73% lên 6,38%. Toàn huyện trong nhiều năm đã điều chuyển 32.672 lao động đi xây dựng kinh tế quốc doanh và bảo vệ Tổ quốc; 6.674 lao động đi xây dựng vùng kinh tế mới.
Cân đối tiền hàng, cân đối ngân sách địa phương có nhiều cố gắng. Đảng bộ đã có quyết tâm cao tăng cường các biện pháp tăng thu và tiết kiệm chi, tăng cường việc quản lý kinh tế, quản lý thị trường, khuyến khích các đơn vị sản xuất kinh doanh làm ăn có lãi, kiên quyết chống thất thu, chống bù lỗ một cách tích cực, từng bước thực hiện được việc cân đối ngân sách của huyện. Việc quản lý sử dụng vốn tín dụng đúng hướng và ngày càng đạt hiệu quả lớn. Công tác vận động gửi tiền tiết kiệm có nhiều tiến bộ cả về số dư tuyệt đối và bình quân đầu người. Năm 1980 toàn huyện có số dư 6.910.000đồng, bình quân đầu người đạt 72đồng.
Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước là tiêu chuẩn chính trị của một Đảng bộ, là trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân địa phương. Duy Tiên luôn thực hiện lời dạy của đồng chí Lê Duẩn “lo cái lo chung của cả nước”, mặc dù sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vượt mọi khó khăn, đảm bảo ổn định đời sống và làm tốt nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước. Trong 5 năm 1975-1980 huyện đều làm nghĩa vụ lương thực, thực phẩm đầy đủ, bình quân mỗi năm Duy Tiên đóng góp cho Nhà nước 5.889 tấn lương thực, 564 tấn thịt, 20.000 tấn mía cây và hàng chục tấn nông sản khác với tổng giá trị mỗi năm là 6.113.000 đồng.
Trong điều kiện đất nước hoà bình độc lập thống nhất, song nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn được đặt ra là một nhiệm vụ quan trọng. Các đợt tuyển quân đều hoàn thành nhanh gọn, tốt đủ về số lượng, chất lượng và thời gian quy định. Trong 5 năm 1976-1980, Duy Tiên đã bổ sung 6.674 thanh niên trẻ, khoẻ cho quân đội, 25.998 người đi xây dựng kinh tế bảo vệ biên giới. Hầu hết con em Duy Tiên đi làm nhiệm vụ đều làm rạng rỡ truyền thống tốt đẹp của quê hương, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, chiến đấu dũng cảm và lập công xuất sắc.
Đảng bộ rất quan tâm đến phát triển kinh tế gia đình xã viên, tăng cường chỉ đạo các cấp các ngành hướng dẫn kinh tế gia đình phát triển ổn định và cải thiện đời sống nhân dân bằng nhiều biện pháp cụ thể: giúp đỡ giống vốn, sức cày kéo, hướng dẫn kỹ thuật cho xã viên, vận động cho vay vốn,...Do đó, đời sống nhân dân từng bước ổn định và nâng cao. Năm 1980, ở những nơi sản xuất khá đều có mức bình quân lương thực từ 15 đến 17 kg/người/tháng. Một số nơi sản xuất còn khó khăn, mức ăn thấp nhất cũng đạt 9 đến 10 kg/tháng. Hằng năm, toàn huyện đã có hàng trăm nhà mới được xây dựng. Đến năm 1980, 70% số hộ có nhà xây, nhà ngói.
Thực hiện nghị quyết 228 của Bộ Chính trị, bảo đảm sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, Đảng bộ đã chỉ đạo các ngành chức năng phát huy hiệu lực của pháp luật và tăng cường quản lý kinh tế trong việc giáo dục, xử lý trừng phạt những hành vi làm ăn phi pháp, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong quản lý kinh tế và đời sống xã hội. Qua đó góp phần ổn định và đẩy mạnh sản xuất.
Hoạt động thông tin văn hoá được Đảng bộ rất quan tâm phát triển. Chất lượng hoạt động của đài truyền thanh huyện và các xã ngày càng được nâng lên. Các đội văn nghệ, đội chiếu bóng đã tăng cường hoạt động và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Công tác phát hành sách và văn hoá phẩm được đẩy mạnh, sách chính trị, khoa học, kỹ thuật được đưa về tận cơ sở.
Giáo dục phát triển mạnh mẽ theo hướng phổ cập, chất lượng, toàn diện. Năm 1978, toàn huyện đã phổ cập vỡ lòng và lớp một đúng độ tuổi. Năm 1980, Duy Tiên là một trong những huyện được Bộ Giáo dục kiểm tra, công nhận là huyện phổ cập cấp 1 toàn dân. Đến năm 1980, có 5.846 cháu được đưa vào nuôi dạy trong các nhà trẻ, đạt 54% số cháu trong độ tuổi, các cô nuôi dạy trẻ được tiêu chuẩn hoá, 100% số cô được qua lớp huấn luyện, chất lượng nuôi dạy ở các nhà trẻ ngày càng tốt hơn. Việc học tập văn hoá, chính trị, nghiệp vụ trong cán bộ và nhân dân ngày càng phát triển mạnh và có khí thế sôi nổi, bình quân 5 năm 1976-1980, toàn huyện có 28.000 học sinh phổ thông các cấp đến trường, 2.000 người tham gia học tập bổ túc văn hóa, hơn 100 người vào các trường đại học, trung học chuyên nghiệp.
Việc chăm sóc và quản lý sức khoẻ của nhân dân không ngừng được đẩy mạnh, từ năm 1976 đến năm 1980, trên địa bàn huyện đều không xảy ra dịch lớn. Ngành y tế có nhiều cố gắng bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong điều kiện thuốc chữa bệnh khan hiếm. Phong trào sinh đẻ có kế hoạch đã được đông đảo quần chúng hưởng ứng, có tác dụng làm giảm dần tỷ lệ phát triển dân số. Tốc độ phát triển dân số tự nhiên toàn huyện giảm từ 3,01% năm 1976 xuống 2,36% năm 1980.
Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã thực hiện tốt công tác thương binh xã hội, tháng 3/1980 huyện vinh dự được chọn làm đơn vị tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách thương binh xã hội toàn miền Bắc. Huyện đã thực hiện tốt chế độ trợ cấp tiền tuất, điều hoà lương thực, chế độ khám chữa bệnh, sắp xếp việc làm cho thân nhân gia đình chính sách và các đồng chí thương binh, người già, người tàn tật góp phần động viên mọi người tham gia lao động sản xuất để ổn định đời sống.
Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, ngày 22/5/1979, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đã khai mạc. Đại hội đề ra phương hướng, nhiệm vụ đến năm 1980 là: “Đẩy mạnh sản xuất và sản xuất cân đối giữa nông nghiệp và công nghiệp, thủ công nghiệp, giữa trồng trọt và chăn nuôi; giữa lúa và màu, cây công nghiệp và cây xuất khẩu. Trước hết giải quyết tốt vấn đề lương thực thực phẩm. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh sản xuất gắn với sẵn sàng chiến đấu; xây dựng nông thôn mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu để Duy Tiên sớm hình thành huyện nông- công nghiệp”. Đại hội đã bầu 25 đồng chí vào ban chấp hành và đồng chí Ngô Văn Định được bầu làm bí thư huyện uỷ.
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác xây dựng Đảng, trong chỉ đạo, Đảng bộ luôn luôn nắm 2 đầu mạnh yếu, vừa phát huy đầu mạnh, vừa đặc biệt chú trọng giúp đỡ nâng đầu yếu với những biện pháp cụ thể và đã giành được nhiều kết quả khả quan. Điển hình là xã Hoàng Đông, là một Đảng bộ cơ sở có nhiều mặt yếu kém, nội bộ mất đoàn kết, đời sống nhân dân giảm sút nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã cử một đoàn cán bộ xuống nghiên cứu tìm biện pháp khắc phục, tìm nguyên nhân yếu kém, củng cố đội ngũ, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát động thi đua sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đã tạo nên một khí thế lao động mới, lấy lại niềm tin trong quần chúng, sản lượng lương thực tăng từ 320 tấn lên 1000 tấn, mức ăn bình quân nâng lên từ 15-17 kg/người/tháng cao nhất so với thời gian trước đó.
Về công tác tư tưởng, Đảng bộ tập trung vào giáo dục đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước, đường lối công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Năm 1978, lần đầu tiên trường Đảng huyện đưa chương trình lý luận sơ cấp vào giảng dạy, hoàn thành được 2 lớp, chất lượng đạt 100%. Công tác phát triển đảng viên mới đã có sự phối hợp giữa các ban, ngành nhất là với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Số lượng đảng viên mới được kết nạp ngày càng tăng lên, năm 1976 chỉ kết nạp được 10 đồng chí, năm 1980 kết nạp được 86 đồng chí. Công tác quản lý đảng viên đã được các cấp uỷ đảng quan tâm, đi sâu, giáo dục cho đảng viên tính tự giác và tự quản lý mình với ý thức và trách nhiệm. Chất lượng đảng viên có sự chuyển biến. Năm 1978, qua phân loại chất lượng đảng viên trong thực hiện Thông tri 22, số đảng viên đủ tư cách đạt 2730 đồng chí =75,55%, không đủ tư cách là 855 đồng chí đạt 24,5%. Số đảng viên không đủ tư cách còn khá cao, đảng bộ chỉ đạo bằng mọi biện pháp tích cực để chuyển hoá giáo dục đại bộ phận số đảng viên này sớm trở thành đảng viên đủ tư cách.
Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng bộ máy Nhà nước, củng cố chính quyền, đoàn thể các cấp đạt nhiều kết quả. Thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VI trên địa bàn huyện đạt kết quả tốt, với 99,1% cử tri đi bỏ phiếu, bảo đảm pháp luật, bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân. Tháng 4/1977, Đảng bộ đã lãnh đạo cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện và xã theo quy định, bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở được kiện toàn thêm một bước.
Mặt trận Tổ quốc đã phát động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức làm chủ tập thể của mỗi người trên mọi lĩnh vực hoạt động. Đã động viên các cụ phụ lão tham gia sản xuất. Năm 1980, các cụ đã khai phá được 80 mẫu đất hoang hoá trồng lúa, khoai, trồng 750.000 cây lấy gỗ và cây ăn quả. Nhiều nơi các cụ đã xung phong đứng ra nhận trông nom chăm sóc ao cá Bác Hồ. Các cụ tham gia tích cực vào việc giáo dục con cháu, làm công tác hoà giải, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới.
Đoàn thanh niên đã tích cực phát động phong trào xung kích làm chủ tập thể và phong trào phất cao cờ Đoàn lập công dâng Đảng. Năm 1980, đã có 10.000 đoàn viên thanh niên tham gia làm bèo hoa dâu, sản xuất phân bón, làm thuỷ lợi, thuỷ nông kiến thiết đồng ruộng, nhận cánh đồng thâm canh để chăm bón nhằm nâng cao năng suất cây trồng trên cơ sở vận dụng tốt khoa học kỹ thuật. Đoàn viên thanh niên còn tích cực tham gia phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục, bảo vệ thiếu niên nhi đồng...
Hội phụ nữ huyện đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá. Nhiều chị em tranh thủ thời gian, mượn đất trồng thêm vụ đông. Chị em đã vận động tiết kiệm, cho Nhà nước vay lương thực vào thời kỳ giáp hạt, năm 1980 các chị đã cho Nhà nước vay được 345 tấn thóc, 300 tấn khoai tây. Chị em phụ nữ đều giữ vai trò tích cực trong việc vận động chồng con tòng quân, chấp hành chính sách hậu phương quân đội, chăm lo hạnh phúc cho gia đình.
Với những thành tích đã đạt được trong 5 năm 1976-1980, nhìn chung phong trào của huyện Duy Tiên đang chuyển biến theo hướng vươn lên, đồng đều, toàn diện được Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh biểu dương, khen ngợi. Đảng bộ được tặng cờ Đảng bộ vững mạnh. Tuy nhiên bên cạnh những thành tích Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã giành được trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, khó khăn vẫn còn rất lớn. Đây là những thách thức, đòi hỏi Đảng bộ Duy Tiên phải có những quyết sách phù hợp để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng, xây dựng quê hương Duy Tiên phát triển xứng tầm là một huyện nông- công nghiệp như Nghị quyết của Đảng bộ đề ra.
II. Bước đầu thực hiện đổi mới cơ chế trong nông nghiệp, thực hiện kế hoạch 5 năm (1981-1985)
Năm 1981, 1982 là những năm đầu thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ 3 (1981-1985), đồng thời cũng là những năm Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV. Ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100- CT/TW, về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Sau đó ngày 21/1/1981, Tỉnh uỷ có Nghị quyết số 12, về công tác khoán. Đảng bộ đã giao cho Ban nông nghiệp tập huấn cho cán bộ cơ sở thực hiện khoán ngay trong vụ sản xuất chiêm xuân năm 1981, đã có 21/21 hợp tác xã đạt 100% sản xuất nông nghiệp và hơn 90% đội sản xuất cơ bản đã chuyển từ hình thức khoán việc sang hình thức khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động. Tiếp nhận khoán sản phẩm, xã viên rất phấn khởi hăng hái thi đua lao động, sản xuất trên phần diện tích được giao. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc. Nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước về lương thực đảm bảo 2.700 tấn, vượt 3% so với mức tỉnh giao. Mức ăn bình quân mỗi người gần 20 kg năm 1982, 70% số gia đình có nhà gạch ngói. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã được trang bị động cơ nhỏ các loại, máy bơm nước, máy đạp vò lúa, máy xay sát đã có tác dụng giải phóng lao động nặng nhọc, góp phần tăng năng suất lao động phục vụ sản xuất có hiệu quả với mức độ khác nhau.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, ngày 10 tháng 11 năm 1982, Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV được tiến hành nhằm thực hiện việc kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đảng bộ lần thứ XIV, đánh giá những thành tích đã đạt được và những khuyết điểm tồn tại trong việc chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới. Đại hội đã bầu 29 đồng chí vào ban chấp hành và đồng chí Nguyễn Văn My được bầu làm bí thư huyện uỷ.
5 năm 1981- 1985, Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Tiên thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình có nhiều khó khăn, thiên tai liên tiếp xảy ra. Qua khó khăn thử thách, Đảng bộ và nhân dân đã vững bước đi lên, tạo ra những chuyển biến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động.
Trong nông nghiệp, Duy Tiên đã dồn sức tập trung thâm canh cây lúa, nhờ vậy mà huyện đã vượt qua khó khăn đạt đỉnh cao về sản lượng, năng suất cây trồng, vật nuôi. Những cây xuất khẩu: đay, sen, tỏi... được chú ý chỉ đạo, tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Các nông sản khác như: long nhãn, hạt sen, cây dược liệu, cây ớt cũng được khai thác làm hàng xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu ngày càng tăng, năm 1980 đạt 3,7 triệu đồng, năm 1983 tăng lên 13 triệu.
Ngành chăn nuôi nhìn chung giữ vững và phát triển theo chiều sâu đi vào thâm canh con vật nuôi đặc biệt là con lợn. Tổng đàn lợn đạt 28.914 con, trọng lượng xuất chuồng bình quân trên 60kg/con, đàn trâu bò, gia cầm, ngan, ngỗng... phát triển mạnh. Nghề nuôi cá vẫn được giữ vững. Chăn nuôi gà công nghiệp bắt đầu phát triển, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi.
Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường khá nhanh kể cả giá trị, quy mô và tốc độ. Tài sản cố định trong khu vực sản xuất vật chất gấp 3 lần. Các công trình thuỷ lợi đầu mối được chú trọng cải tạo, sửa chữa và xây dựng thêm. Đến năm 1985, Duy Tiên đã xây dựng thêm 12 trạm bơm điện, bổ sung một máy biến áp, trạm trung gian Hoà Mạc, xây dựng 12km đường dây điện phục vụ các trạm bơm. Trang bị thêm máy cày bừa và các phương tiện vận tải cơ giới. Hàng năm huyện đã huy động hàng vạn ngày công đào đắp, nạo vét kênh mương. Công tác thuỷ lợi, phòng chống lụt bão được thử thách qua các trận mưa lớn năm 1984 và 1985,đảng bộ và nhân dân đã kiên cường tập trung sức tôn cao chông tràn 16 đoạn đê dài hơn 2km, cắm cừ, áp trúc, chống dò rỉ, sạt lở để bảo vệ 81 km đê bao quanh huyện.
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong các hợp tác xã nông nghiệp tập trung vào các ngành nghề: dệt thảm đay, dệt bao tải, dệt vải, kéo xơ len, làm gạch ngói, ươm tơ tằm, làm đường... Ngoài ra, Duy Tiên còn có 590 lao động cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên khu vực ven đường giao thông, làm các mặt hàng phục vụ cho yêu cầu tiêu dùng và giao thông. Các hợp tác xã cũng coi trọng đào tạo tay nghề kỹ thuật cho cán bộ xã viên, một số cơ sở đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, đổi mới công tác quản lý...tăng tích luỹ để tái sản xuất mở rộng và cải thiện một bước đời sống cán bộ, công nhân viên. Năm 1985, ngành tiểu thủ công nghiệp được tặng cờ thi đua khá nhất trong tỉnh.
Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý kinh tế ngày càng được tăng cường và sử dụng đúng ngành nghề đào tạo, phát huy tốt năng lực chuyên môn. Năm 1982 toàn huyện có 434 cán bộ trung, đại học do huyện quản lý và 300 cán bộ trung, sơ cấp do hợp tác xã quản lý.
Nhận thức rõ việc đưa dân đi xây dựng vùng kinh tế mới là góp phần làm giàu cho Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa, Đảng bộ Duy Tiên đã triển khai tốt các đợt đưa cán bộ và nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Các chế độ chính sách như: lương thực, tiền ăn đường, xây dựng nhà nơi quê hương mới được thực hiện đầy đủ, tạo điều kiện cho nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Ngành văn hoá thông tin luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của huyện tuyên truyền cổ động nhân dân, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Phương thức hoạt động có những bước cải thiện, ngày càng gắn bó với phong trào quần chúng. Tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng đạt kết quả cao. Hoạt động thể thao từng bước được đẩy mạnh không những ở trường học mà còn phát triển ra các xã và các cơ quan trong toàn huyện. Tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, nếp sống lành mạnh, góp phần chống các biểu hiện tiêu cực, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngành giáo dục tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng đúng mức giáo dục chính trị, đạo đức, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục quốc phòng kết hợp chặt chẽ với lao động sản xuất. Ngành y tế có nhiều cố gắng trong việc chăm lo bảo vệ sức khoẻ của cán bộ, công nhân viên và nhân dân. Mạng lưới y tế xã được kiện toàn, trạm khám đa khoa được xây dựng, chất lượng điều trị của ngành được nâng lên. Việc kết hợp các phương pháp chữa bệnh cổ truyền, sử dụng thuốc nam, đông tây y kết hợp được coi trọng.
Thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng bộ trong sạch, đội ngũ đảng viên trong huyện đã nêu cao tinh thần gương mẫu, sẵn sàng nhận việc khó, hăng hái tham gia các phong trào thi đua thâm canh giỏi, làm thuỷ lợi giỏi, thi đua mua công trái xây dựng Tổ quốc...Nhiều đảng bộ cơ sở đã đi sâu vào cải tiến nội dung sinh hoạt chi bộ, phân công nhiệm vụ đảng viên. Do đó, hàng năm số chi, đảng bộ đạt vững mạnh tăng: năm 1983 là 72%, năm 1984 là 73%, năm 1985 là 72,5%.
Công tác quần chúng được các cấp uỷ đảng tăng cường chỉ đạo nên có những chuyển biến mới về nội dung và phương thức hoạt động.
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện Duy Tiên đã nêu cao vai trò đội quân xung kích cách mạng, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của Đảng bộ đề ra. Các phong trào hành quân theo chân những người anh hùng, hành quân theo chân Bác, đã thu hút hàng chục ngàn đoàn viên thanh niên tham gia.
Hội phụ nữ thường xuyên chú ý tới công tác kiện toàn tổ chức và trong phong trào cơ sở, động viên chị em thi đua trong sản xuất cây trồng. Trong 5 năm 1981 - 1985, đã có 410 chị em được Trung ương hội tặng huy hiệu “người phụ nữ mới xuất sắc”. Các phong trào thi đua lao động sản xuất tiết kiệm xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới, sinh đẻ có kế hoạch và thực hiện chính sách hậu phương quân đội đều được các cấp hội hưởng ứng. Công đoàn huyện năm 1983 đã tổ chức tốt Đại hội công nhân viên chức ở cơ sở, tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn về phương pháp hoạt động công đoàn.
Với những thắng lợi đó đã mở ra hướng đi mới cho Duy Tiên khai thác tiềm năng thế mạnh của mình về đất đai, nông nghiệp; khẳng định thế đi lên mạnh mẽ của một Đảng bộ được Ban Bí thư Trung ương biểu dương tặng cờ đơn vị xuất sắc 2 năm 1980- 1981.
 
CHƯƠNG VI
ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN
ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI (1986 – 1995)
I. Tích cực thực hiện đường lối đổi mới, phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân (1986 - 1990)
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng, đất nước ta đã giành được những thắng lợi quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nền kinh tế có một số chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân có bước cải thiện, mở ra triển vọng mới cho sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta trên con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, trong điều kiện nước ta từ một nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp là chủ yếu, lại duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất trì trệ, sức lao động không được phát huy, nền kinh tế quốc dân không có dự trữ. Bước sang năm 1986, tình hình kinh tế xã hội của cả nước lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Lạm phát phi mã ở mức ba con số, giá cả tăng vọt, đời sống nhân dân lao động, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nhiều nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa bị khủng hoảng về kinh tế có nguy cơ ảnh hưởng đến chính trị. Các thế lực thù địch tiếp tục dùng chiến lược “Diễn biến hoà bình”để chống phá Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trước tình hình đó, đòi hỏi Đảng ta phải có bước đi và quyết sách mới. Tại Hà Nội, từ ngày 5 đến ngày 18/12/1986, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tổ chức. Đại hội đã tập trung đánh giá thực trạng tình hình đất nước với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Với tinh thần đó, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới nhận thức về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta, trọng tâm là đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển từ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hoạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Đại hội cũng chủ trương: “Đảng phải đổi mới nhiều mặt, đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”.
Ngày 7/9/1986, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duy Tiên lần thứ XVI được tổ chức. Đại hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XV và đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1986- 1988.
Đại hội đã thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế trên 6 mặt thuộc các lĩnh vực: Tiềm năng lao động đất đai, ngành nghề, sự mất cân đối trong sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, công tác quản lý thị trường còn buông lỏng, tình trạng mê tín dị đoan còn diễn biến phức tạp, bảo vệ trị an còn nhiều hạn chế, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 41đồng chí trong đó có 33 đồng chí là uỷ viên chính thức, 8 đồng chí uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Bắc được bầu làm Bí thư huyện uỷ.
Cuối năm 1988, thực hiện Chỉ thị 37- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương và kế hoạch của Ban thường vụ tỉnh uỷ Hà Nam Ninh về hướng dẫn tổ chức Đại hội 2 cấp huyện và cơ sở.
Ngày 20/12/1988, Đảng bộ huyện Duy Tiên đã tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá XVII gồm 35 đồng chí, đồng chí Lê Văn Yển được bầu làm Bí thư Huyện uỷ.
Trong 5 năm 1986- 1990, Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI, các Nghị quyết 2,3,4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương. Những nghị quyết này là cơ sở cho quá trình thực hiện đổi mới của Đảng bộ, đã một phần khơi dậy tính chủ động trong sản xuất của quần chúng lao động. Song quá trình thực hiện sản xuất và quản lý xã hội còn gặp những khó khăn lớn: Vật tư nguyên nhiên liệu, tiền vốn cho sản xuất kinh doanh trong tình trạng thiếu nghiêm trọng và kéo dài, giá cả thị trường không ổn định, thiếu lương thực cho nhu cầu đời sống nhất là khu vực cán bộ công nhân viên chức và cán bộ hưu trí...
Trong 2 nhiệm kỳ, Ban chấp hành đảng bộ huyện khoá XVI, XVII đã luôn chủ động, linh hoạt, lãnh đạo cán bộ và nhân dân khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tương đối toàn diện các mục tiêu, chương trình kinh tế- xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Kết quả bước đầu của 5 năm thực hiện đổi mới đã có những tín hiệu vui, đó là tình hình chính trị, kinh tế- xã hội của Duy Tiên có những bước phát triển mới, tương đối toàn diện, đồng đều và có xu hướng vững chắc. Thể hiện rõ nhất trong thực hiện các mục tiêu của 3 chương trình kinh tế- xã hội lớn của Đảng.
Chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển đúng hướng với mục tiêu đẩy mạnh trồng cây lương thực, cả lúa và màu để chủ động về lương thực cho nhu cầu của địa phương, hoàn thành đóng góp nghĩa vụ cho Nhà nước.Huyện uỷ đã chỉ đạo, tập trung thâm canh cao cho cây lúa hai vụ chiêm và mùa, chủ động phòng chống úng, hạn kiên quyết đưa nhanh giống lúa mới có năng suất cao chống chịu sâu bệnh vào sản xuất đại trà từ 6 % năm 1986 lên 53% vụ chiêm xuân năm 1987 và 72 % vụ chiêm xuân năm 1988. Đã có nhiều điển hình tiên tiến về nhanh chóng đổi mới cơ cấu giống và giống thuần có năng suất cao như: Đồng Văn, Yên Bắc, Tiên Hải, Duy Hải, Tiên Ngoại, Tiên Nội, Yên Nam... Tổng sản lượng lương thực cả màu quy thóc năm 1987 đạt 42.745 tấn. Năm 1988 tăng lên 48.755 tấn vượt chỉ tiêu Đại hội XVI là 2.635 tấn. Nhiều hợp tác xã có mức bình quân cao như: Tiên Ngoại 875kg, Tiên Nội 716kg, Tiên Hải 635kg, Yên Bắc 600kg.
Được giao quyền tự chủ về ruộng đất, người lao động lấy hiệu quả là mục đích của sản xuất. Các hộ gia đình xã viên đã huy động các nguồn vốn mua sắm công cụ lao động, trâu bò làm sức kéo, máy tuốt lúa, bình phun thuốc trừ sâu, đầu tư cho sản xuất nhằm nâng cao năng suất trên đơn vị diện tích. Các quy trình kỹ thuật thâm canh sản xuất được thực hiện tốt hơn. Năng suất lúa bình quân 2 năm 1989– 1990 đạt 76,7 tạ/ha, năm 1990 đạt 77,98 tạ/ha, là năm có năng suất lúa cao nhất so với những năm trước đó, tăng 20,94% so với bình quân 2 năm trước. Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 446kg/người/năm, tăng 6,3% so với bình quân hai năm trước.
Các điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp được giữ vững và phát triển ngày càng tăng lên như các hợp tác xã: Yên Bắc, Tiên Nội, Tiên Hải, Duy Hải, Trác Văn, Đồng Văn,... Nhiều hợp tác xã có thu hoạch trên diện tích trồng cả 3 vụ chiêm, mùa, đông đạt năng suất từ 10 tấn/ha trở lên như: Yên Bắc, Tiên Nội, Tiên Hải, Hoà Mạc, Duy Hải.
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống, thực tiễn cho thấy sức sản xuất gồm ruộng đất, lao động và các tư liệu sản xuất khác được giải phóng. Nông dân phấn khởi gắn bó với đồng ruộng, hăng say lao động, tình trạng khê đọng sản phẩm giảm hẳn. Kết quả bước đầu của khoán 10, đã làm cho sản xuất nông nghiệp của huyện có nhiều khởi sắc, đời sống người nông dân được cải thiện.
Về chăn nuôi, Đảng bộ tập trung chỉ đạo tăng nhanh đàn trâu bò bằng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cho sinh sản tại chỗ, chủ động sức kéo phục vụ sản xuất. Đàn lợn trong 2 năm 1987- 1988 không đạt chỉ tiêu đầu con nhưng do tăng tỷ lệ đàn lợn lai kinh tế, tập trung thâm canh tăng trọng nên bình quân trọng lượng xuất chuồng đạt 69kg/con.
Chăn nuôi gà công nghiệp được phát triển ở xí nghiệp chăn nuôi của huyện và 3 hợp tác xã nông nghiệp, năm 1990 phát triển mạnh ở cả gia đình xã viên. Năm 1987, nuôi 36.605 con, năm 1998, tăng lên 38.000 con, gồm gà giống và gà thịt, sản lượng gà thịt xuất chuồng mỗi năm đạt 50 tấn.
Quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, quy mô các hợp tác xã trong huyện được giữ vững, công tác chỉ huy, điều hành có nhiều khâu đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiếp tục củng cố và nâng thêm trách nhiệm trong sản xuất, quản lý ở các đội sản xuất cơ bản.
Những kết quả sản xuất lương thực thực phẩm trong 5 năm 1986– 1990 bước đầu tạo điều kiện tăng thu nhập cho nông dân, đời sống nhân dân dân nói chung được cải thiện, có mặt được nâng lên rõ rệt, số hộ nông dân có khả năng dự trữ tăng nhanh và có một phần lương thực làm hàng hoá. Đó là những kết quả cao nhất so với trước đó và bước đầu biểu hiện tính vững chắc trong quá trình đi lên, nó có ý nghĩa quan trọng trên con đường thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng.
Thực hiện chương trình sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo với quyết tâm cao duy trì và giữ vững sản xuất, đẩy mạnh sản xất hàng tiêu dùng bằng các nguồn nguyên liệu địa phương như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm nông sản, mở rộng mặt hàng mới như: máy tuốt lúa đạp chân, sành sứ, vải giả da và mở rộng làm hàng thủ công xuất khẩu như mây tre đan, mành khuyên, dệt khăn tắm, dệt lụa tơ tằm, dệt bao tải. Hợp tác xã dệt Nha Xá vẫn được duy trì, nghề dệt lụa đang được mở rộng ra nhiều xã trong huyện. Các đơn vị dịch vụ phục vụ cho sản xuất đạt kết quả tốt như: xí nghiệp Thuỷ nông, xí nghiệp cơ khí nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ gần 70 triệu đồng năm 1987 lên trên 12 tỷ đồng năm 1990; bình quân hai năm 1989– 1990 tăng 31% so với bình quân hai năm trước.
Chương trình dân số lao động và kế hoạch hoá gia đình: tổng dân số trên địa bàn huyện đến năm 1990 là 123.528 người, trong đó nhân khẩu nông nghiệp là 104.823 người. Tổng số lao động trong độ tuổi là 53.092 người tăng 5,5 % so với bình quân 2 năm trước, trong đó lao động trong nông nghiệp là 38.452 người tăng 2,66% so với 2 năm 1987- 1988. Để thực hiện tốt chương trình dân số lao động và kế hoạch hoá gia đình, Đảng bộ đã chú ý giải quyết được một bước lao động và việc làm cho nông dân. Số lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các kinh doanh dịch vụ đang giảm dần do chuyển đổi cơ chế quản lý, công nghệ sản xuất được đổi mới, mặt hàng mới tuy được mở ra nhưng thu hút lao động chưa đáng kể. Số lao động dôi dư trong các cơ sở sản xuất vào cơ quan nhà nước chuyển về nông thôn ngày một tăng lên làm cho số người thiếu việc làm trong nông thôn ngày càng nhiều.
Huyện chỉ đạo giải quyết theo hương đưa dân đi xây dựng kinh tế mới nhưng thiếu địa bàn và ngân sách đầu tư. Mặc dù khó khăn, nhưng trong 5 năm 1986- 1990, huyện đã chủ động liên hệ tổ chức được 120 hộ với 526 nhân khẩu, trong đó có 245 lao động đi xây dựng kinh tế mới.
Thực hiện cuộc vận động kế hoạch hoá gia đình và sinh đẻ có kế hoạch theo tinh thần Quyết định số 162 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị quyết số 04 của Huyện uỷ. Các cấp, các ngành đã tổ chức tuyên truyền giáo dục vận động rộng rãi bằng nhiều hình thức và biện pháp khác nhau nhưng nhìn chung nhận thức của nhân dân và một số cán bộ còn hạn chế, số cặp vợ chồng sinh con thứ 3, thứ 4 trong nông thôn còn nhiều, do đó tỷ lệ sinh hàng năm không giảm.
Các nhiệm vụ kinh tế xã hội khác nhìn chung đều được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo toàn diện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và công trình phúc lợi, thực hiện cơ chế quản lý mới, các nguồn vốn đầu tư cơ bản của Nhà nước có hạn, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện đã kịp thời nắm bắt được thời cơ khi điều kiện cho phép. Tập trung chỉ đạo có trọng điểm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho sản xuất và phúc lợi của địa phương bằng vốn tự có và tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên tập trung cho các công trình trọng điểm như: Trạm điện trung gian Tiên Hiệp, trạm bơm Lạc Tràng, xây dựng quy hoạch điện khí hoá cho 9 xã, xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất của các xí nghiệp, xây dựng 3 trạm bơm nhỏ của các xã Tiên Ngoại, Yên Bắc, Duy Hải đồng thời tập trung xây dựng các công trình công cộng như: phòng khám đa khoa Tiên Hiệp, trường phổ thông trung học khu vực Tiên Hiệp, mở rộng khu điều trị tại bệnh viện, tăng cường trang thiết bị hiện đại … và hoàn thành xây dựng nhà làm việc cho các cơ quan của huyện. Tổng giá trị đầu tư gồm vốn đầu tư và vốn hỗ trợ lên tới gần 500 triệu đồng.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước khuyến khích mở rộng phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau. Kinh tế gia đình được mở rộng và phát triển, đem lại thu nhập khá ở những đơn vị có điều kiện tự nhiên và nghề truyền thống như: Châu Giang, Chuyên Ngoại, Mộc Nam, Tiên Phong, Tiên Nội, Yên Bắc … Song do đặc điểm vùng dân cư, đất đai và lao động của địa phương nên nhìn chung kinh tế gia đình phát triển chậm, chưa mạnh, chưa phát triển sâu rộng cả công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến.
Do sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên một bước và có mặt được cải thiện rõ rệt. Số hộ nông dân có đủ lương thực cho nhu cầu đời sống tăng lên, một bộ phận nông dân đã có lương thực dự trữ từ 1- 3 tháng, thu nhập từ kinh tế hộ gia đình khá hơn trước.
Công tác giáo dục, công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ của nhân dân luôn được Đảng bộ quan tâm lãnh đạo, cơ sở vật chất của các trường học, bệnh viện, các phòng khám đa khoa và các trạm y tế xã, thị trấn được củng cố và tăng cường.
Công tác thương binh xã hội sau khi nhận phân cấp của tỉnh, nhìn chung có nhiều cố gắng, nắm chắc đối tượng, thực hiện chính sách đúng đối tượng và tương đối kịp thời. Thường xuyên chú trọng chăm lo các đối tượng gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sỹ. Tuyển chọn lao động cho nhu cầu xã hội và lao động hợp tác ở nước ngoài đúng chính sách và đối tượng quy định.
Công tác quân sự địa phương có những chuyển biến mới trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Việc củng cố lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm hoàn thành kế hoạch đăng ký khám tuyển và gọi thanh niên nhập ngũ theo luật nghĩa vụ quân sự.
Song song với việc chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế- xã hội, ổn định đời sống nhân dân, Đảng bộ chủ trương đổi mới công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, coi đây là vấn đề then chốt quyết định mọi thắng lợi. Đảng bộ rất coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị, giáo dục truyền thống của Đảng. Bằng các hình thức học tập trung và tại chức, hai năm 1989- 1990, đã tổ chức cho 337 đồng chí học qua các lớp sơ cấp đến cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận cho 102 đảng viên mới và 173 quần chúng ưu tú.
Ban Chấp hành Đảng bộ đã thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, từ các khâu quy hoạch, đào tạo sắp xếp cán bộ, do đó đã phát huy được vai trò lãnh đạo của đội ngũ cán bộ. Phần lớn số cán bộ được bổ nhiệm trong 5 năm 1986-1990, đều được đào tạo qua chương trình lý luận chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức quản lý Nhà nước. Theo yêu cầu của công cuộc đổi mới, bước đầu đã giảm nhẹ biên chế giảm bớt đầu mối trung gian. Đến 1990, khối dân Đảng giảm 14%, khối chính quyền giảm 9% biên chế hành chính, sự nghiệp, khối xã, thị trấn giảm 28,5% so với năm 1989.
Các tổ chức cơ sở đảng đã được Đảng bộ, nhất là các cấp uỷ các cấp quan tâm. Các cấp uỷ đã chỉ đạo chặt chẽ việc xem xét phân loại tổ chức cơ sở đảng theo định kỳ. Số cơ sở đảng vững mạnh đạt 69% năm 1987, 72,5% năm 1988, 60,5% năm 1989 và 58,5% năm 1990, đã phản ánh thực tế của chức cơ sở đảng trước công cuộc đổi mới. Số cơ sở yếu kém giảm từ 14,3% năm 1987 xuống còn 8,7% năm 1988. Công tác đảng viên đã được Đảng bộ chú ý trên cả 3 mặt: bồi dưỡng nâng cao năng lực và phẩm chất đảng viên, thường xuyên làm trong sạch đội ngũ đảng viên, kết nạp đảng viên mới. Qua khảo sát phân tích chất lượng đảng viên đến tháng 6/1988 có 66,5% số đảng viên phát huy tốt cả phẩm chất và năng lực, 23,95% số đảng viên có phẩm chất tốt nhưng năng lực còn hạn chế, 9,3% số đảng viên có vi phạm cần phải xem xét nhưng chưa đến mức phải đưa ra khỏi Đảng và 1,2% số đảng viên không đủ tư cách phải đưa ra khỏi Đảng.
Công tác xây dựng chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được kiện toàn và đi vào hoạt động có kết quả tốt hơn. Nhìn chung, các đoàn thể đã coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các tổ chức thành viên, hội viên cùng chăm lo giải quyết những lợi ích thiết thực và động viên nhân dân hăng hái thi đua thực hiện 4 chương trình kinh tế- xã hội, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Hàng năm, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong huyện đều được xếp loại khá trở lên.
5 năm 1986-1990, là 5 năm Đảng bộ Duy Tiên lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối đổi mới. Mặc dù còn những hạn chế như: một số lĩnh vực còn lúng túng, chưa chú trọng tổng kết thực tiễn việc thực hiện đổi mới, năng lực trình độ của một số cán bộ cấp huyện chưa đáp ứng được yêu cầu. Xong kết quả đạt được trên một số lĩnh vực, nhất là trong sản xuất nông nghiệp là rất đáng tự hào, người dân từ chỗ thiếu ăn đã có một phần tích luỹ. Các chỉ thị, nghị quyết của Huyện uỷ đã bám sát sự chỉ đạo của các cấp trên và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nhận thức được con đường đổi mới của Đảng là đúng đắn và đoàn kết nhất trí, ủng hộ thực hiện. Đây là cơ sở, động lực để Đảng bộ Duy Tiên quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới trong những năm tiếp theo.
II. Đảng bộ lãnh đạo giữ vững ổn định tình hình kinh tế xã hội, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng nông thôn mới (1991 - 1995)
Năm 1991, tình hình quốc tế có những thay đổi lớn, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội nước ta. Mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị sụp đổ. Việt Nam tiếp tục là mục tiêu chống phá của các thế lực thù địch và phản động.
Công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bước đầu đạt được những thành tựu rất quan trọng, có tác dụng tích cực củng cố lòng tin của nhân dân. Tuy nhiên, nền kinh tế, xã hội nước ta vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng. Nhiều cơ chế, chính sách cũ chưa được xoá bỏ hoàn toàn trong khi các cơ chế, chính sách mới ra đời nhưng chưa đồng bộ và ổn định. Trong bối cảnh đó từ 28- 30/3/1991, Đại hội Đảng bộ Duy Tiên lần thứ XVIII (vòng 1) nhiệm kỳ 1991-1995 được tiến hành tại nhà văn hoá huyện với sự tham gia của 196 đại biểu thay mặt cho tổng số 6.400 đảng viên của Đảng bộ. Đại hội đã đề ra chương trình hành động với các nội dung cụ thể và thống nhất bầu 19 đại biểu chính thức, 2 đại biểu dự khuyết đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V.
Từ ngày 24 đến 27/6/1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII được tiến hành với chủ đề “trí tuệ, đổi mới, dân chủ, kỷ cương, đoàn kết”. Đại hội đã thông qua bốn văn kiện quan trọng có ý nghĩa đặt cơ sở và quyết định những bước đi tiếp theo cho sự phát triển của đất nước.
Trong khí thế phấn khởi chào mừng thắng lợi của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, từ ngày 15- 17/10/1991 tại Nhà văn hoá huyện, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (vòng 2) được tiến hành có 198 đại biểu tham dự. Sau khi đánh giá kết quả 4 năm (1986-1990) thực hiện công cuộc đổi mới trên phạm vi cả nước, với tinh thần cách mạng tiến công đưa nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII vào cuộc sống. Đại hội đã đề ra những chỉ tiêu phấn đấu cụ thể trong 5 năm 1991-1995: Năng suất lúa bình quân đạt 78 tạ/ ha/ năm. Lương thực bình quân đầu người đạt 450kg/ năm. Sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 2200 tấn/năm. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 29 đồng chí, đồng chí Lê Văn Yển được bầu lại làm Bí thư huyện uỷ.
Ngành nông nghiệp bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ huyện đề ra trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Vụ chiêm xuân 1991, bệnh đạo ôn hoành hành trên diện rộng, sản xuất lúa bị thiệt hại nặng. Để đảm bảo ổn định đời sống, các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã vận động nhân dân tích cực tận dụng đất đai trồng rau màu và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa để “bù lại vụ chiêm”. Kết quả, tổng diện tích gieo cấy vụ mùa đạt 6.651,6 ha, năng suất đạt 41,36 tạ/ha, tổng sản lượng lúa thu được là 28.668 tấn. Các loại cây trồng vụ đông cũng thu được thắng lợi lớn với: 1.233 ha ngô, 1.447 ha khoai lang...
Thực hiện Quyết định 115/QĐ ngày 15/2/1992, của UBND tỉnh về đổi mới tổ chức quản lý hợp tác xã nông nghiệp, các xã trong huyện đã tiến hành giao ruộng ổn định lâu dài cho xã viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, do nhận thức của Ban quản trị hợp tác xã, cán bộ sản xuất và người nông dân chưa được đầy đủ, ảnh hưởng của tư tưởng chia ruộng phải đồng đều “có khó, có dễ, có xa, có gần” nên sau khi thực hiện ở hầu hết các hợp tác xã tình trạng ruộng đất manh mún, chưa liền vùng, liền khoảnh còn tương đối phổ biến.
Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của địa phương bước sang năm 1991 trong bối cảnh những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Các xí nghiệp quốc doanh của huyện rơi vào tình trạng thiếu vốn huy động, trong khi giá cả thị trường biến động liên tục, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập. Tính đến tháng 12/1993, trên địa bàn huyện đã giải thể 3 đơn vị: Liên hợp tác xã mua bán huyện, công ty Xây dựng, trại cá giống Đồng Văn. Khu vực kinh tế quốc doanh từng bước được khôi phục, năm 1994, tổng giá trị sản xuất đạt 13.299 triệu đồng tăng 2.515 triệu đồng so với năm 1991. Tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn do thiếu vốn, thiết bị lạc hậu, trình độ quản lý của cán bộ lãnh đạo chưa theo kịp với kinh tế thị trường.
Tuy đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nhưng kinh tế của huyện chủ yếu vẫn là thuần nông, sản xuất nhỏ, ngành nghề chậm phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa cao, bình quân 5 năm (1991- 1995) tăng 6,4%/năm. Cơ cấu kinh tế còn mất cân đối, tốc độ chuyển dịch chậm. Tính đến năm 1995, nông nghiệp chiếm 61,23% tăng 0,04%; công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng nhỏ chỉ đạt 13,62% tăng 1,33%, dịch vụ chiếm 25,15% giảm 1,77% so với năm 1991. Xuất khẩu hàng hoá còn mang tính bột phát, chưa tổ chức thành ngành hàng lớn. Thương mại chưa phát triển, chưa khai thác được lợi thế gần thị trường thủ đô Hà Nội và thị xã Hà Nam. Công tác quản lý thị trường nông thôn còn bỏ ngỏ nên để xảy ra hiện tượng tự do ép cấp, ép giá hàng nông sản của nông dân...
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, tháng 4/1994, Ban chấp hành đảng bộ huyện đã tổ chức Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ nhằm đề ra nhiệm vụ và biện pháp để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII.
Cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, sự nghiệp y tế giáo dục cũng được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhân dân. Công tác chăm sóc sức khoẻ được nâng cao chất lượng, các bệnh xã hội được quản lý theo quy định không để lây lan. Nhân dân ốm đau khi đến trạm xá, bệnh viện được điều trị kịp thời. Con em đến tuổi đi học được cắp sách đến trường, có đủ phòng học, bàn ghế để cho các em học tập.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá VII), với vị trí là quốc sách hàng đầu, sự nghiệp giáo dục đào tạo của huyện đã có nhiều đổi mới. Trên cơ sở nâng cao nhận thức, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục. Thực hiện đề án sắp xếp lại các trường cấp I, cấp II, đến năm học 1992 - 1993, 100% các trường cấp I trong toàn huyện đã tách ra khỏi trường cấp II thành: truờng tiểu học và trường trung học cơ sở. Theo số liệu thống kê đến năm 1995, toàn huyện có 25 trường tiểu học, 19 trường trung học cơ sở. Đến năm 1995, cùng với việc duy trì kết quả phổ cập tiểu học, 7/22 xã, thị trấn huyện đã hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục. Tổng số học sinh cấp III của toàn huyện là 2.421 em. Tổng số giáo viên cấp I là 493, giáo viên cấp II là 368, cấp III là 99; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn của toàn huyện đạt 95%, trong đó 85% có trình độ cao đẳng trở lên.
Trong 5 năm (1991- 1995), sự nghiệp y tế cùng đạt nhiều kết quả quan trọng. Các chương trình chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân được chỉ đạo chặt chẽ kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân ăn sạch, uống sạch, ở sạch, dùng muối iốt. Chất lượng khám, chữa bệnh ở bệnh viện và các phòng khám khu vực được nâng lên. Trình độ tay nghề, trách nhiệm và tinh thần phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Sự nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao ngày càng phát triển. Hoạt động văn nghệ, thể thao trở thành nhu cầu trong đời sống tinh thần của nhân dân. Những xã có phong trào khá, tiêu biểu như: Châu Giang, Yên Bắc, Tiên Phong...
Quán triệt quan điểm chỉ đạo: phát triển kinh tế phải đi đôi với giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nền quốc phòng toàn dân, hàng năm Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ huyện về công tác quân sự địa phương và an ninh trật tự đã được triển khai và thực hiện tốt từ huyện đến cơ sở. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của huyện Thanh Liêm, năm 1992 phong trào “thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc” đã được tổ chức và triển khai trong toàn huyện với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể trong đó công an và mặt trận Tổ quốc giữ vai trò nòng cốt.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành Trung ương về “một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”, ngày 5/3/1993, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng “Đề án thực hiện nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn các tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên” với mục tiêu: đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng gắn với nhiệm vụ lãnh đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế- xã hội được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII. Công tác giáo dục lý luận chính trị được tăng cường; công tác tổ chức cán bộ được chú trọng với việc giữ ổn định 22 đảng bộ xã, thị trấn và kiện toàn lại chi bộ theo mô hình thôn, xóm, phố. Công tác phát triển đảng viên mới có sự chuyển biến rõ rệt: tính đến 10/1995, số đảng viên mới kết nạp trong toàn Đảng bộ là 107 đồng chí, tăng gần gấp đôi so với năm 1992; số cơ sở Đảng kết nạp được đảng viên mới là 32/72, tỷ lệ này năm 1991 là 18/80, năm 1992 là 29/78.
Công tác xây dựng chính quyền được Đảng bộ quan tâm bằng việc gắn chặt với củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ. Các cơ quan trong bộ máy chính quyền được chủ động hơn trong công tác, giảm bớt sự chồng chéo lẫn nhau, đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 8B về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, các cấp uỷ Đảng đã đề ra một số chủ trương tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hoạt động có hiệu quả. Các tổ chức đoàn thể nhân dân đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, từ đó vận động cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao đời sống, thực hiệnchính sách văn hoá- xã hội, xây dựng củng cố quốc phòng, an ninh.
Trong bối cảnh công cuộc đổi mới giành được những thắng lợi to lớn nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới, Đảng bộ huyện Duy Tiên đã tích cực thực hiện nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng để đáp ứng yêu cầu nâng cao vai trò lãnh đạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ vậy kinh tế của huyện đã có bước phát triển đáng kể, văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực, an ninh - chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được ổn định và có bước cải thiện. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Đảng bộ vẫn còn một số thiếu sót, tồn tại trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đó là những vấn đề đặt ra để Đảng bộ phải tìm phương hướng, biện pháp khắc phục trong thời gian tới.
 
Chương VII
TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP,
NÔNG THÔN (1996 - 2005)
I. Kế thừa và phát huy thành quả đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1996 - 2000)
Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá, phân tích một cách khoa học tình hình quốc tế và trong nước, dự thảo các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã đề ra các chủ trương lớn cho thời kỳ phát triển mới của đất nước: thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đến năm 2020, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước và trên địa bàn huyện, khẳng định niềm tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, phấn khởi thi đua lao động sản xuất, xây dựng đời sống vật chất, đời sống văn hoá, xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh.
Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX ra Nghị quyết về tách một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, theo đó tỉnh Nam Hà tách thành hai tỉnh là Hà Nam và Nam Định. Từ ngày 1/1/1997, tỉnh Hà Nam được tái lập sau 32 năm sát nhập với tỉnh Nam Định, Ninh Bình. Từ khi tách tỉnh, Đảng bộ Duy Tiên được đón nhận sự quan tâm sâu sát của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 8- 9/2/1996, Đảng bộ huyện Duy Tiên tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ XIX, nhiệm kỳ 1996- 2000 tại nhà văn hoá của huyện. Có 199 đại biểu đại diện cho Đảng viên trong Đảng bộ về dự Đại hội. Đại hội đã bàn và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 1996- 2000 là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, chuyên canh để sản xuất ra nhiều nông sản hàng hoá. Phát triển nông nghiệp toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, cây màu, cây công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản để nâng giá trị của nông sản phẩm. Mở rộng ngành nghề, làng nghề, hệ thống dịch vụ để thu hút lao động và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Tạo môi trường thuận lợi để cho các thành phần kinh tế phát triển, tạo điều kiện để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện từ thuần nông sang nông- công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đầu tư, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, cụm văn hoá thể thao... để từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ngày càng vững mạnh. Thực hiện tốt dân chủ và công bằng xã hội, tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII. Đại hội đã bầu Ban chấp hành đảng bộ huyện gồm 31 đồng chí, đồng chí Nghiêm Đức Đạo được bầu làm bí thư huyện uỷ.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện bước vào thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1996 với không khí thi đua lao động sản xuất mới. Song năm 1996 lại là năm Đảng bộ và nhân dân trong huyện gặp nhiều khó khăn, thử thách lớn cả hai vụ chiêm, mùa. Cùng một lúc chúng ta phải chịu thử thách cả về bão, lũ và ngập úng. Trước những khó khăn, cán bộ, nhân dân trong huyện luôn tin tưởng và đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, tỏ rõ bản lĩnh, tự tin vào chính sức mình, phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý thức tự vươn lên khắc phục khó khăn và hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 1996.
Các Đảng bộ cơ sở đều xác định được nội lực của chính mình là đất đai và lao động, để đảm bảo vững chắc về lương thực, mở rộng hàng hoá, tâp trung cho thâm canh, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ngày càng vững chắc. Tổng sản lượng bình quân lương thực năm (1996 -2000) đạt 81.356 tấn (riêng năm 1999 đạt 86.393tấn) vượt 21.352 tấn so với bình quân 5 năm trước, vượt chỉ tiêu đại hội 6.956 tấn và đạt mức cao nhất so với năm trước đó. Bình quân lương thực đầu người đạt 592 kg/năm, tăng 92 kg so với kế hoạch và 142 kg so với bình quân 5 năm 1991 - 1995. Giá trị thu hoạch trên một ha gieo trồng đạt bình quân 24,3 triệu đồng/ năm.
Đường lối đổi mới kinh tế của Đảng đã đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ phát triển. Ruộng đất được giao ổn định, hộ nông dân yên tâm sản xuất, đầu tư thâm canh, nông nghiệp liên tục được mùa, sản lượng lương thực tăng nhanh, do đó sản phẩm giành cho chăn nuôi ngày càng dồi dào, đa dạng. Công tác tiêm phòng định kỳ cho gia súc, gia cầm được duy trì thành nền nếp do đó đã hạn chế được đến mức thấp nhất thất thu, rủi ro cho hộ chăn nuôi.
Các cấp, các ngành đã làm tốt công tác phối hợp tạo nguồn vốn giúp hộ nông dân phát triển chăn nuôi, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhiều lao động khi nông nhàn. Nghề nuôi cá, nuôi ong cũng được phát triển, tạo điều kiện mới trong cơ cấu nông nghiệp. Riêng năm 1999, tổng đàn lợn (đến 1/10) có 43.000 con, đạt 100,8% so với năm 1995, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 64 kg/con. Tổng đàn gà có 403.650 đạt 116% so với năm 1995, đàn vịt có 70.220 con đạt 169% so với năm 1998. Diện tích thả cá có 800 ha, sản lượng cá đạt 1.112 tấn... Kết quả trên cho thấy chủ trương của Huyện uỷ về chăn nuôi toàn diện, đa dạng đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao góp phần làm cho tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp tăng nhanh, bình quân 5 năm (1996- 2000) đạt 31%. Chăn nuôi đã trở thành ngành sản xuất chính.
Trước yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước về mô hình hợp tác xã nông nghiệp; ngày 21/11/1998, Ban Thường vụ Huyện uỷ Duy Tiên ra Chỉ thị số 09- CT/HU về chuyển đổi và đổi mới tổ chức quản lý các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật hợp tác xã nhằm giải quyết đồng bộ những vấn đề kinh tế xã hội đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Sau khi có Luật hợp tác xã, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện đã chủ động chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu nội dung luật, tập huấn nghiệp vụ thăm quan nghiên cứu ở một số nơi để rút kinh nghiệm vận dụng vào địa phương.
Về cơ bản những nội dung hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp mới vẫn là những dịch vụ mà hợp tác xã trước đó đã làm, nhưng được đổi mới, mở rộng và nâng cao hiệu quả phục vụ dịch vụ và hạch toán theo quy định của Luật hợp tác xã. Trên cơ sở nguyên tắc: Tự nguyện, quản lý dân chủ, bình đẳng, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi, do đó việc chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp ở Duy Tiên được tiến hành thuận lợi, sau khi chuyển đổi, hợp tác xã nông nghiệp trở thành đơn vị kinh tế tự chủ, hạch toán kinh doanh công khai, dân chủ theo đúng quy định của từng khâu dịch vụ phục vụ kịp thời sản xuất và kinh doanh của hợp tác xã.
Quán triệt chỉ thị số 10- CT/TU của Tỉnh uỷ, thông tri số 12- TT/HU của Huyện uỷ về tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, Uỷ ban nhân dân huyện đã xây dựng đề án 684, ngày 28/10/1998 về “chuyển đổi ruộng đất, kết hợp với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nông dân”. Đến 8/1999, đã có 12/22 xã tổ chức thực hiện dồn đổi ruộng đất; đến cuối năm 1999 có 63,5% diện tích được chuyển đổi theo đề án.
Với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, cho nên cùng với sự phát triển của sản xuất công nghiệp, những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống được duy trì và mở rộng. Các ngành nghề khác như xay sát, chế biến lương thực, long nhãn, sản xuất nước giải khát, đặc biệt là đồ gỗ trang trí nội thất, vật liệu xây dựng phát triển đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phúc lợi công cộng được quan tâm đầu tư xây dựng: trụ sở làm việc của Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện, đài tưởng niệm, nhà bia liệt sỹ, khu vui chơi thiếu nhi... Đến năm 2000, 100% các xã, thị trấn xây dựng được trường học cao tầng, nhiều xã có từ 2-3 trường học cao tầng như: Mộc Bắc, Mộc Nam, Chuyện Ngoại, Yên Bắc... Hệ thống điện được nâng cấp, tu sửa thường xuyên. Từ năm 1997, 100% số hộ đã được dùng điện trong sinh hoạt và một phần cho sản xuất.
Chấp hành chỉ thị số 04- CT/TU, ngày 12/3/1997 của Tỉnh uỷ về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn trong 2 năm 1997- 1998; chỉ trong một tháng ra quân, toàn huyện đã làm được 58 km đường, trong đó kết cấu mặt đường bê tông là 30,90 km, đường nhựa là 5,80 km, đường vỉa gạch nghiêng là 18,60 km, đường cấp phối 2,70 km với tổng kinh phí đầu tư 4.966 triệu đồng. Đến năm 2000, phần lớn các tuyến đường huyện được rải nhựa, 80% đường xã, thôn, xóm được rải nhựa, bê tông, vỉa gạch nghiêng, đổ hỗn hợp “ba ta” hoặc rải đá cấp phối.
Nhận thức sâu sắc quan điểm: Giáo dục- đào tạo là quốc sách hàng đầu, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân và ngành giáo dục đã có nhiều chủ trương và giải pháp mạnh mẽ để phát triển giáo dục, từ đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo ngành giáo dục. Năm 1995, đã thực hiện chuyển giao việc quản lý, xây dựng củng cố vật chất các trường mầm non từ hợp tác xã về Uỷ ban nhân dân xã. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn có kế hoạch cụ thể để chăm lo đời sống giáo viên mầm non; thực hiện chuẩn hoá 40- 50% giáo viên mầm non, 100% giáo viên tiểu học, 80% giáo viên trung học cơ sở; triển khai đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động các nguồn lực cho giáo dục. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục được củng cố và nâng cao chất lượng. Năm 1999, huyện được công nhận phổ cập trung học cơ sở, nhiều trường đạt chuẩn quốc gia và là một trong 6 huyện của toàn tỉnh hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trước năm 2000. Quỹ khuyến học, khuyến tài là một hình thức mới được hội đồng giáo dục huyện đề xuất nhằm động viên giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời biểu dương khen thưởng các em có thành tích xuất sắc trong học tập. Đến năm 1999, 100% số xã trong huyện đều xây dựng được quỹ khuyến học, khuyến tài. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các khối lớp, bậc học, ngành học có bước chuyển biến đáng kể, nhất là chất lượng đức dục, trí dục, chất lượng học sinh giỏi. Chất lượng đại trà ở các khối lớp thi lên lớp đều đạt trên 95%. Tỷ lệ thi tốt nghiệp cuối cấp tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở đạt 99,5%, trung học phổ thông là 90%. Ngành giáo dục huyện là đơn vị tiên tiến 3năm liền, được Sở Giáo dục- đào tạo đánh giá là một trong những huyện có phong trào giáo dục phát triển tốt.
Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân đã được coi trọng. Năm 1993 tỷ lệ khám, chữa bệnh cho nhân dân đạt 70%, từ năm 1997 đạt 100%. Cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành, đời sống của cán bộ y tế được cải thiện, thái độ, y đức của cán bộ y tế đối với bệnh nhân ngày càng được nâng cao. Thực hiện chính sách khám, chữa bệnh miễn phí đối với các đối tượng chính sách, bệnh nhân nghèo, cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em dưới 6 tuổi: năm 1997 được 812 người, với kinh phí là 37.630.000 đồng. Công tác y tế dự phòng được coi trọng, đến năm 1999 tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm phòng hàng năm đạt hơn 98%. Công tác y học dự phòng được triển khai thường xuyên và có hiệu quả, cho nên trong 5 năm (1996- 2000) trên địa bàn huyện không có dịch lớn xảy ra. Phong trào “toàn dân sử dụng muối iốt” trong sinh hoạt đã trở thành nhu cầu hàng ngày của mỗi gia đình, do đó đã hạn chế được bệnh bướu cổ. Phong trào trồng và sử dụng thuốc nam được duy trì. Hội y học cổ truyền được tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám và điều trị bệnh.
Thực hiện chỉ thị số 30- CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện quy chế dân chủ và Chỉ thị 27- CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội; ban thường vụ huyện uỷ đã ra các nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện. Kết quả đến năm 2000, toàn huyện có 130/160 thôn, làng xây dựng xong hương ước, quy ước làng văn hoá; 23 thôn, làng, cơ quan được tỉnh công nhận đạt chuẩn văn hoá; 18.500/34.000 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá...
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khoá VIII) về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, từ năm 1998 phong trào được duy trì, phát triển không ngừng với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với lứa tuổi làm phong phú thêm các sinh hoạt văn hoá. Phong trào thể dục, thể thao được đẩy mạnh cả bề rộng và chiều sâu, trở thành hoạt động tự giác của nhân dân. Thông qua các giải thể thao đã tuyển được nhiều vận động viên tham dự các giải do tỉnh và các ngành tổ chức.
Mạng lưới bưu chính, viễn thông được đầu tư chiều sâu với các trang thiết bị hiện đại. Hệ thống thông tin liên lạc phát triển nhanh và được xây dựng ở tất cả các xã, thị trấn với kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng, nâng số máy điện thoại từ 140 máy năm 1995 lên 1.100 máy vào tháng 12/1999, đạt tỷ lệ 0,6 máy/ 100 dân.
Những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực đã tác động đến công cuộc đổi mới đất nước, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động “diễn biến hoà bình” với những âm mưu, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt hơn. Trong lĩnh vực an ninh chính trị. Một số hoạt động tôn giáo tìm mọi biện pháp tăng cường củng cố hội đoàn, giáo hội cơ sở. Hoạt động của các loại tội phạm kinh tế, hình sự và tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng. Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ công an tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, căn cứ đặc điểm tình hình của địa phương, hàng năm Đảng bộ đã bàn và ra nghị quyết chuyên đề nhiệm vụ công tác an ninh trật tự và được triển khai đồng thời với Chỉ thị số 23- CT/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ an ninh nội bộ.
Lực lượng vũ trang của huyện được xây dựng ngày càng vững mạnh tạo điều kiện cho thế trận quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ huyện từng bước được củng cố vững chắc, các phương án tác chiến và hệ thống sở chỉ huy được xây dựng tạo nên tính chủ động, có thể sẵn sàng xử lý mọi tình huống. Từ khi có pháp lệnh về xây dựng lực lượng dự bị động viên, việc đăng ký quân nhân phục viên xuất ngũ, rà soát, kiện toàn, quản lý lực lượng được chỉ đạo thống nhất từ huyện đến cơ sở. Đến tháng 7/2001, toàn huyện đã đăng ký, quản lý thực lực nguồn dự bị động viên là 8.815 đồng chí, trong đó dự bị hạng I là 8.068 đồng chí, hạng II là 713 đồng chí. Hàng năm lực lượng dự bị động viên được huấn luyện theo chương trình do Bộ quốc phòng quy định.
Công tác tuyển quân hàng năm được các xã, thị trấn quan tâm toàn diện về mọi mặt. Trong 5 năm (1996- 2000), Duy Tiên luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu, đã giao 1.867 tân binh cho 32 đầu mối trong toàn quân, đảm bảo nhanh gọn, tiết kiệm, an toàn, đúng luật. Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ tuyển quân, huyện cũng đã tổ chức tốt việc tiếp nhận 1.239 quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Kịp thời động viên anh em tiếp tục phát huy truyền thống của người quân nhân trong xây dựng quê hương.
Tiếp tục thực hiện pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đến năm 2000 toàn huyện có 108 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý đó. Đến năm 2000, 13 bà mẹ còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời.
Việc thực hiện công tác xã hội và chính sách hậu phương quân đội ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Đã tập trung động viên cán bộ đảng viên và nhân dân đẩy mạnh phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực. Đến năm 1998, toàn huyện đã xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa trị giá 150 triệu đồng, 670 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá 167 triệu đồng tặng các gia đình chính sách gặp khó khăn.
Thực hiện chủ trương xoá nhà tranh cho các đối tượng chính sách, từ năm 1997- 2000 toàn huyện đã xoá được 4.951 ngôi nhà tranh cho các gia đình chính sách, xây dựng 11 ngôi nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sỹ, thương binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến năm 2000, huyện đã hoàn thành xây dựng Đài tưởng niệm liệt sỹ, 100% số xã, thị trấn xây dựng được nghĩa trang liệt sỹ, quy tập 25 mộ liệt sỹ về các nghĩa trang cơ sở.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng; việc sinh hoạt phê bình và tự phê bình đối với cấp uỷ Đảng và đội ngũ đảng viên được tiến hành nghiêm túc. Thông qua kiểm điểm, cá nhân từng đồng chí cấp uỷ viên từ Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ đến chi uỷ chi bộ đã xác định rõ hơn vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong việc duy trì nền nếp phê và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng nói riêng. Qua tự phê bình và phê bình, một số gia đình cán bộ, đảng viên trước đó có biểu hiện vi phạm trong chấp hành chủ trương, chính sách đã nghiêm túc tiếp thu, sửa chữa kịp thời. Đối với các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên có dịp để hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn.
Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, công tác tổ chức bộ máy cán bộ được quan tâm chỉ đạo, đảm bảo giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đáp ứng tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tăng dần qua từng năm. Năm 1996 đạt 62,56%, đến năm 2000 đạt 81,4 %.
Nhiều tổ chức cơ sở đảng đã duy trì và làm tốt công tác phát triển Đảng, trong 5 năm (1996- 2000) Đảng bộ đã kết nạp được 660 đảng viên mới, tăng 314 đồng chí so với nhiệm kỳ 1991- 1995. Công tác kiểm tra Đảng được tăng cường, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Công tác dân vận và các hoạt động của các đoàn thể nhân dân được chú trọng, phương thức hoạt động được đổi mới, hiệu quả hoạt động được nâng cao, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng được củng cố.
Công tác xây dựng chính quyền được cấp uỷ đặc biệt quan tâm, chính quyền từ huyện đến cơ sở thể hiện được bản chất “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới.
Với tinh thần: tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi nguồn lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần xây dựng huyện Duy Tiên giàu mạnh, văn minh; Mặt trận Tổ quốc đã làm tốt công tác vận động các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện hương ước, quy ước nếp sống văn hoá ở các cơ quan, xí nghiệp, khu dân cư, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá dân tộc và truyền thống của quê hương, tham gia đấu tranh bài trừ các tệ nạn, hủ tục được đông đảo nhân dân hưởng ứng trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Phong trào thi đua “người cao tuổi mẫu mực” đã góp phần tạo nên những giá trị về đạo đức, về tinh thần, giữ gìn và phát huy được thuần phong, mỹ tục của gia đình, xây dựng mối quan hệ gia đình hoà thuận, yêu thương gắn bó, chung sức, chung lòng để làm nhiều việc tốt cho gia đình và xã hội; ông bà, cha mẹ xác định được vị trí quan trọng của mình trong gia đình, luôn giữ gìn lối sống, phong cách mẫu mực để con cháu noi theo.
Hội cựu chiến binh đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng Hội trong sạch vững mạnh. Trong đó, phong trào thi đua nhân điển hình tiên tiến đã hướng vào việc xây dựng củng cố tổ chức các cấp hội trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và mọi hoạt động của Hội. Hội viên gương mẫu, gia đình hội viên cựu chiến binh tiến bộ, góp phần vào việc hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của Đảng, của chính quyền các cấp. Tính từ cuối năm 1995 đến 30/10/1999 các cơ sở Hội đã phát triển được 1.504 hội viên, đưa tổng số hội viên của hội lên 6.076 người, đạt tỷ lệ 84,6% so với đối tượng cựu chiến binh của toàn huyện. Hội viên được sinh hoạt ở 20 xã, 2 thị trấn và ở 1 trường THPT A.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, Đoàn thanh niên trong huyện đã có những hoạt động thiết thực góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển. Điểm nổi bật là các cấp bộ Đoàn từ huyện đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp vận động và tổ chức lực lượng, khuyến khích thanh niên hăng hái tham gia phong trào đưa tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Trong 5 năm đã có 280 công trình thanh niên cấp xã, cấp chi đoàn tập trung vào thuỷ lợi nội đồng, nạo vét kênh mương làm đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình phúc lợi, đã đào đắp được hàng trăm nghìn mét khối đất đá.
Trong phong trào “Tuổi trẻ giữ nước” đã triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp với Hội cựu chiến binh về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Phối hợp với ngành quân sự tổ chức giáo dục truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, giáo dục luật nghĩa vụ quân sự, làm tốt công tác động viên thanh niên thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, 85% tham gia khám tuyển, xuất hiện nhiều tập thể không có thanh niên trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Phối hợp với ngành công an thực hiện có hiệu quả Nghị quyết liên tịch số 01 giữa Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ về ngăn chặn, phòng chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu nhi. Thực hiện phong trào “khoẻ để lập nghiệp, giữ nước” 100% đoàn cơ sở tổ chức triển khai thực hiện với 90% đoàn viên thanh niên đăng ký rèn luyện. Qua kiểm tra bước đầu có 85% đoàn viên thanh niên đạt tiêu chuẩn “khoẻ để lập nghiệp, giữ nước”.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện và mục tiêu của đề án xoá đói giảm nghèo của Hội phụ nữ, phấn đấu đến năm 2000 không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống 3%. Chương trình bồi dưỡng kiến thức nông nghiệp được tổ chức lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội, tổ chức câu lạc bộ khuyến nông. Trong 5 năm thu hút trên 20.000 lượt hội viên phụ nữ về dự, có 120 lượt chi hội, 1.500 lượt cán bộ hội tổ chức đi tham quan các cơ sở làm kinh tế giỏi. Kết quả việc tuyên truyền kiến thức đã mang lại hiệu quả đáng kể cho hội viên phụ nữ, tư tưởng bảo thủ, cách làm ăn manh mún được đẩy lùi, tính năng động sáng tạo, khả năng thích ứng với cơ chế ngày càng thể hiện rõ.
Công tác cứu trợ nhân đạo được các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai tích cực và thu được nhiều kết quả. Phát huy truyền thống yêu nước thương người của dân tộc Việt Nam, Hội đã vận động các tầng lớp nhân dân quyên góp tiền, cơ sở vật chất giúp các đối tượng gặp khó khăn, rủi ro trong cuộc sống, có nhiều việc làm gây ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân địa phương. Các chương trình vận động nhân dân giúp nhau trong xoá đói giảm nghèo, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ nhân dân vùng bị bão lụt, vận động quyên góp giúp đỡ các nước khó khăn trong vùng bị chiến tranh và thiên nhiên tàn phá được tíchcực triển khai và đã thu được nhiều kết quả.
Thực hiện chỉ thị số 54- CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ IX, từ ngày 31/10 đến ngày 02/11/2000, Đảng bộ huyện đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XX (nhiệm kỳ 2001- 2005) tại Nhà văn hoá trung tâm huyện. Đại hội đã thảo luận và thông qua các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng trongcác năm 2001- 2005. Đại hội đã bầu Ban chấp hành đảng bộ huyện gồm 31 đồng chí, đồng chí Trần Hổ được bầu làm Bí thư huyện uỷ.
Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đạt được sau 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới là động lực quan trọng để Duy Tiên vươn tới ấm no, hạnh phúc.
II. Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn (2001 - 2005)
Những thành tựu quan trọng của đất nước sau 15 năm đổi mới đã tạo thế và lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế xã hội. Môi trường hoà bình, sự hợp tác liên kết quốc tế và xu hướng tích cực của thế giới tạo điều kiện để chúng ta tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xong những nguy cơ và thách thức mà Đảng ta đã chỉ ra từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khoá VIII) vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp, đan xen và tác động lẫn nhau; nước ta vẫn là nước kinh tế kém phát triển, mức sống của người dân còn thấp, trong khi đó cạnh tranh quốc tế ngày càng quyết liệt. Nắm bắt cơ hội vượt qua thách thức, để vươn lên phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ mới là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và nhân dân ta.
Trên cơ sở nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn cả chủ quan và khách quan, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống, phát huy truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội với những mục tiêu, giải pháp thiết thực đảm bảo vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục giành được thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình tăng từ 4,5- 5,1%. Cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi có sự đổi mới mạnh mẽ, tạo nên những bước tiến quan trọng trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Diện tích trà lúa xuân muộn tăng từ 90,5% năm 2001 lên 98,5% vào năm 2005 trong tổng diện tích 12.573 ha, bằng 96% năm 2004. Các giống lúa có năng suất, chất lượng cao được chú trọng đổi mới đưa vào sản xuất. Năm 2005, giống lúa lai Vân Quang 14 đạt năng suất 68 tạ/ ha, diện tích lúa lai vụ đông xuân chiếm 37,8%, vụ mùa 17%. Trong 5 năm năng suất lúa đạt bình quân 110,97 tạ/ha/năm, tăng 10,97% so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ lần thứ XX.
Sản xuất cây vụ đông cũng phát triển mạnh, từng bước đưa vụ đông thành vụ sản xuất chính, nhiều cây trồng mang tính chất sản phẩm hàng hoá như: bí xanh, đậu tương, dưa chuột, ngô bao tử... được đưa vào sản xuất và cho hiệu quả kinh tế cao.
Chăn nuôi có những bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng không ngừng phát triển; nhiều hộ nông dân đầu tư chăn nuôi theo phương pháp kết hợp bán công nghiệp với công nghiệp, kết hợp các giống vật nuôi truyền thống với nuôi con đặc sản có giá trị kinh tế cao như: tôm càng xanh, ba ba, rắn, lợn siêu nạc, bò thương phẩm, các giống gia cầm mới có sản lượng, thịt, trứng cao. Tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng bình quân 5 năm đạt 9.290 tấn, tăng 56,07% so với bình quân 5 năm 1996- 2000. Nuôi trồng thuỷ sản có bước phát triển mới, diện tích nuôi trồng thuỷ sản được mở rộng, mô hình đa dạng và hiệu quả, đến năm 2003 ngành thuỷ sản đạt 19.314 triệu đồng.
Với tinh thần nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thuận lợi vượt qua khó khăn, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân giành được kết quả tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Từ năm 1999, Duy Tiên là đơn vị duy nhất trong tỉnh đi trước một bước với 63,5% diện tích được dồn ruộng, đổi thửa theo Chỉ thị số 10- CT/TU, ngày 7/5/1998 của Tỉnh uỷ. Việc dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Trong 5 năm 2001- 2005, được tỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, do vậy sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mới và đạt mức tăng trưởng cao nhất so với trước đó và từng bước trở thành huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh. Các khu công nghiệp Đồng Văn, Hoàng Đông, Hoà Mạc được tỉnh quy hoạch và đầu tư xây dựng; các cụm công nghiệp Tiên Tân, cụm công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp Cầu Giát, cụm công nghiệp làng nghề Nha Xá (Mộc Nam), cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Ngọc Động (Hoàng Đông)...được xây dựng và đi vào hoạt động đã có tác động rất lớn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện. Đến năm 2005, đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tập thể, công ty trách nhiệm hữu hạn, tổ hợp tư nhân với 118 doanh nghiệp trong đó có 77 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh và của huyện tăng 67 doanh nghiệp so với năm 2000. Giá trị sản lượng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp bình quân 5 năm tăng 148,85 % so với 5 năm trước đó và tăng 87,3% so với chỉ tiêu đề ra, trong đó giá trị hàng xuất khẩu bình quân tăng 97%/năm.
Từ ngày 15/4/2004, cầu Yên Lệnh, Câu Tử, quốc lộ 38 được khánh thành, thông xe tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc lưu thông với các vùng kinh tế trong và ngoài huyện với các tỉnh. Dự án xây dựng chuỗi đô thị dọc quốc lộ 38 từ Đồng Văn đến Yên Lệnh được nghiên cứu triển khai, tạo điều kiện phát triển dịch vụ. Hệ thống đường giao thông nông thôn phát triển mạnh nhất so với trước đó. Trong 5 năm đã cải tạo, nâng cấp, làm mới với các kết cấu bê tông, nhựa hoặc cấp phối với tổng chiều dài 123,5 km. Nhân dân đã đóng góp 50% trong tổng số 20 tỷ đồng cho xây dựng đường giao thông nông thôn từ 2001 đến 2005.
Thực hiện chủ trương tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, cùng với kết quả đạt được về kinh tế, các hoạt động văn hoá xã hội trên địa bàn huyện cũng không ngừng phát triển. Trên cơ sở quán triệt quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, do vậy huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đồng thời huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường học. Đến năm học 2005- 2006, có 43/67 trường cao tầng, chiếm 64,18% so với tổng số trường trong huyện. Giáo dục mầm non duy trì 22 trường, 173 lớp mẫu giáo, huy động được 4527 cháu ra lớp đạt 94,7% số cháu trong độ tuổi. Giáo dục tiểu học được duy trì với 24 trường, 330 lớp và 9.194 học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học đạt 98,27%. Bậc trung học cơ sở có 21 trường, 264 lớp, 10.238 học sinh. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99,87%. Trung tâm giáo dục thường xuyên duy trì tốt các lớp bổ túc văn hoá cho học sinh tiểu học, 36 lớp cho 150 học viên. Giáo dục trung học phổ thông, kể cả bổ túc văn hoá, trên địa bàn huyện có 5 trường trung học phổ thông, đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân trong huyện. Các đội tuyển học sinh giỏi đạt kết quả cao, trong đó đội tuyển học sinh giỏi trường THPT A nhiều năm dẫn đầu trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng. Đến năm học 2005- 2006, toàn huyện có 20 trường đạt chuẩn quốc gia trong đó có trường THPT A, cũng là trường THPT duy nhất của tỉnh đạt chuẩn. Ngoài giáo dục kiến thức theo chương trình phổ thông, các trường còn tổ chức giáo dục về luật an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ học đường. Toàn ngành giáo dục huyện được Sở Giáo dục công nhận hoàn thành 10/10 chỉ tiêu công tác, đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc của tỉnh.
Phòng văn hoá thông tin được tăng cường đội ngũ cán bộ và phương tiện, do đó các hoạt động đi vào chiều sâu và đạt được hiệu quả tích cực. Phong trào thể dục thể thao quần chúng tiếp tục được phát động mạnh mẽ ở các xã, thị trấn thu hút được các tầng lớp nhân dân tham gia. Hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn được nâng cấp, tăng cường trang thiết bị và kiện toàn đội ngũ cán bộ. Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em tiếp tục phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Các chương trình phòng chống mù loà, phòng chống HIV, AIDS, công tác quản lý các bệnh xã hội như: sốt rét, bướu cổ, tâm thần, bệnh phong, lao... được tăng cường; công tác tuyên truyền, tư vấn cho các đối tượng để tạo điều kiện cho họ hoà nhập cộng đồng được duy trì thường xuyên; công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản được coi trọng và đạt hiệu quả cao: 100% phụ nữ có thai được quản lý và tư vấn về sức khoẻ sinh sản. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo luật “chăm sóc và giáo dục trẻ em” sau 10 năm đi vào hoạt động đã đạt được kết quả tích cực.
Các chính sách xã hội được cấp uỷ Đảng cụ thể hóa sát với tình hình địa phương, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội. Chương trình giải quyết việc làm được đẩy mạnh, đã thu hút và tạo việc làm cho người lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp và lao động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Các chính sách xã hội được triển khai kịp thời, đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực trong việc giải quyết chính sách, chế độ.
Mạng lưới thông tin, bưu chính viễn thông của huyện không ngừng được đổi mới, từng bước đáp ứng được nhu cầu của hội nhập và cạnh tranh phục vụ dịch vụ đến tận tay khách hàng. Doanh thu sản xuất kinh doanh tăng nhanh từ 1.300 triệu năm 2003 lên 3.440 triệu vào năm 2005.
Việc thực hiện quy chế dân chủ theo tinh thần Chỉ thị số 30 - CT/TW, ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị được Đảng bộ duy trì vào nền nếp với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Sau 7 năm thực hiện, đã tạo ra sự chuyển biến rất rõ nét về nhận thức cũng như vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện và đưa lại hiệu quả tích cực.
Nghị quyết số 13/CP của Chính phủ, Thông tri 22- TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về công tác an toàn giao thông được phát động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là được đưa vào trường học làm tài liệu thi tìm hiểu về an toàn giao thông.
Nhiệm vụ chống diễn biến hoà bình của kẻ thù được cấp uỷ, chính quyền tổ chức có hiệu quả. Cấp uỷ các xã, thị trấn đã thực hiện sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp uỷ, sự điều hành của chính quyền và tham mưu của các cơ quan quân sự trong việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng.
Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 83- CT/TW ngày 26/11/1979 của Ban Bí thư Trung ương về phát thẻ đảng viên, đã có tác dụng nâng cao ý thức Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần phấn đấu cách mạng và đoàn kết nội bộ, thúc đẩy cuộc vận động xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đảng viên, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ từ năm 1980. Xác định vị trí đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của chi bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Công tác phát triển đảng viên mới ở nhiều tổ chức cơ sở đảng và chi bộ được thực hiện tích cực và có hiệu quả. Năm 2002, huyện uỷ ra nghị quyết số 09- NQ/HU về nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở thôn, xóm, phố; hoàn thành việc kiện toàn mô hình chi bộ thôn xóm từ 182 chi bộ còn 156 chi bộ. Tháng 8/2002, huyện uỷ thành lập tổ công tác gồm 154 cán bộ, chuyên viên các cơ quan của huyện về dự sinh hoạt với chi bộ, chi hội, chi đoàn thôn, xóm, phố. Từ đó đã nâng cao được chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn và kịp thời nắm bắt, giải quyết những vướng mắc phát sinh ngay từ cơ sở.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII về cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, Đảng bộ đã quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện và làm chuyển biến một bước căn bản công tác xây dựng Đảng. Chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ngày càng được nâng cao. Bình quân cả nhiệm kỳ, tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh là 89,7%, tăng 13,9% so với nhiệm kỳ trước. Số đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ đạt 98,8%, tăng 0,8% so với nhiệm kỳ trước.
Uỷ ban mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức thành viên đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” đã động viên nhân dân giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Đoàn kết phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tương thân, tương ái, có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa và nhân đạo từ thiện. Bảo đảm cho các gia đình thương binh, liệt sỹ và những người có công với nước có mức sống cao hơn mức bình thường ở khu dân cư. Người già cô đơn, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc hoá học và những người bất hạnh trong cuộc sống đều được chăm lo chu đáo bằng việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước và bằng sự trợ giúp của cộng đồng dân cư. Đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, mọi người sống và làm việc theo pháp luật, thực hiện tốt quy chế dân chủ...
Hội Cựu chiến binh góp phần tích cực phối hợp hoạt động với các tổ chức chính trị, xã hội, tham gia các phong trào văn hoá xã hội của huyện. Hầu hết hội viên đều sống mẫu mực, tiếng nói, việc làm của các thế hệ Hội Cựu chiến binh có sức thuyết phục ở cộng đồng dân cư. Gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân, gia đình thực hiện các chủ trương, kế hoạch phát triển của huyện. Nhiều hội viên tích cực tham gia xây dựng cánh đồng 50 triệu/ha/năm, trong đó có 29 gia đình đăng ký đạt mức thu nhập 50 triệu/ năm. Thực hiện chương trình công tác xã hội, giúp nhau xoá đói giảm nghèo động viên hội viên làm giàu hợp pháp. Trong 5 năm, tổng nguồn vốn vay và vốn tự có do hội quản lý là 9.111.000.000 đồng, đầu tư cho 13 dự án, giải quyết được 1.692 lao động có việc làm. Đến năm 2005, toàn huyện có hơn 6.000 hội viên, 29 tổ chức cơ sở ở các xã, thị trấn, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các cơ quan khối quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, trung tâm điều dưỡng thương binh, 100% tổ chức hội đạt trong sạch vững mạnh.
Hội nông dân tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Hội đã động viên hội viên tích cực tham gia phong trào xây dựng cánh đồng đạt 50 triệu đồng/ha/năm, hộ nông dân đạt thu nhập 50 triệu đồng/năm; tạo điều kiện cho hội viên vay vốn và hỗ trợ đào tạo nghề... do đó, từ năm 2003- 2005, Duy Tiên đã có hàng nghìn hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp huyện đến cấp quốc gia.
Hội phụ nữ huyện đã tập trung đẩy mạnh thực hiện 5 chương trình công tác hội và phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao đông sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Toàn huyện đã xây dựng được 9 câu lạc bộ phụ nữ, là địa bàn tin cậy, trao đổi, học hỏi những kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ cuộc sống như: câu lạc bộ “gia đình hạnh phúc”, “gia đình không có trẻ em suy dinh dưỡng”... Tổ chức cho hội viên học tập 4 chuẩn mực “no ấm, bình đẳng, hạnh phúc”, gắn với thực hiện phong trào thi đua “phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên tiếp tục được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX. Trong 5 năm, các cơ sở đoàn đã tổ chức hơn 100 buổi mít tinh kỷ niệm, gặp mặt truyền thống, tổ chức hàng trăm buổi toạ đàm, diễn đàn thanh niên với chủ đề “tuổi trẻ Việt Nam tiến bước dưới cờ Đảng”, “ tuổi trẻ với tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đến năm 2006, toàn huyện có 9.075 đoàn viên, có 10.377 thanh niên tham gia hoạt động và sinh hoạt trong tổ chức đoàn thanh niên.
Ngày 19- 20/10/2005, đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI được tiến hành tại Nhà văn hoá trung tâm huyện. Đại hội đã đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 2005- 2010. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện gồm 33 đồng chí, đồng chí Chu Tiến Hiệp được bầu làm Bí thư huyện uỷ.
Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII và nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, XXII, Đảng bộ huyện Duy Tiên đã lãnh đạo nhân dân trong huyện vượt lên khó khăn, nắm bắt thời cơ, tranh thủ sự lãnh đạo và đầu tư của tỉnh, phát huy tiềm năng sẵn có của huyện để tập trung cho phát triển kinh tế- xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đã mạnh dạn đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất đưa lại hiệu quả, nâng cao giá trị thu nhập trên 1ha canh tác. Năng suất, tổng sản lượng lương thực ngày càng tăng, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Đảng bộ ngày càng trưởng thành cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức đủ sức lãnh đạo nhân dân trong huyện tiến nhanh, tiến mạnh hơn nữa trên con đường đổi mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.
 
 
 
 
 
 
 
 
KẾT LUẬN
Duy Tiên chiếc nôi của phong trào cách mạng Hà Nam, nơi đã ghi đậm những chiến công và để lại những dấu ấn đầy tự hào của Đảng bộ và nhân dân trong huyện suốt ba phần tư thế kỷ kiên cường đấu tranh anh dũng dưới ngọn cờ của Đảng, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Từ đốm lửa cách mạng đầu tiên của chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng huyện Duy Tiên đã nhen nhóm thành ngọn lửa cách mạng và lan rộng khắp trong huyện. Cho dù có lúc bị khủng bố giữ dội, phong trào bị lắng xuống nhưng Duy Tiên vẫn luôn là “căn cứ địa” vững chắc của phong trào cách mạng của tỉnh. Với tổ chức là hạt nhân là các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng được xây dựng ở khắp các địa bàn, tạo ra sức mạnh hùng hậu cho lực lượng cách mạng khi thời cơ đến kịp thời phát động toàn dân nổi dậy kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân trong cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp, Đảng bộ, quân và dân Duy Tiên đã kiên cường đấu tranh, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương mình. Với địa thế chiến lược quan trọng, là cửa ngõ tấn công địch trong suốt cuộc kháng chiến, đồng thời cũng là chiến trường ác liệt vùi thây quân thù. Trong kháng chiến, Đảng bộ đã thực hiện tốt phương châm “kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” vượt lên muôn vàn khó khăn và trưởng thành trong khói lửa chiến tranh. Đảng bộ đã coi trọng việc tổ chức phát động toàn dân kháng chiến, từ xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng du kích đến lực lượng chính trị, cơ sở cách mạng trong nhân dân, nhờ đó mà nhiều lần địch càn đi, quét lại với khẩu hiệu “càn thanh, quét cán” nhưng lực lượng kháng chiến ngày càng lớn mạnh và xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng dân. Đảng bộ và nhân dân Duy Tiên đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đánh bại dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.
Hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đoàn kết một lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách vươn lên giành những thắng lợi quan trọng. Hoàn thành nhiện vụ khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội, xác lập quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Tiến hành xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh đảm bảo vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa đẩy mạnh sản xuất vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh Mỹ với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đóng góp với Nhà nước hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, tiễn đưa hàng nghìn người con ưu tú lên đường nhập ngũ và đi thanh niên xung phong chiến đấu và phục vụ chiến đấu khắp các chiến trường, trong đó có nhiều người đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đảng bộ, quân và dân Duy Tiên đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với những khó khăn chung của cả nước, đối mặt với những bất cập của thời kỳ bao cấp kéo dài, những rào cản của cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu nhưng Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vươn lên khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, tìm hướng đi mới. Chỉ thị 100- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết 10- NQ/TW của Bộ chính trị, Quyết định 115- QĐ/UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chỉ thị 15- CT/TU của Tỉnh uỷ đã tạo cho Duy Tiên những đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, luôn là huyện dẫn đầu tỉnh về năng suất và tổng sản lượng lương thực, tạo điều kiện cho huyện bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Đảng bộ đã tập trung khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, khuyến khích mọi ngành, mọi nhà, mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất. Từ năm 2000- 2005, Duy Tiên được tỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm đưa Duy Tiên từng bước trở thành huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh. Đây là một tiềm năng lớn cho việc bố trí lại lao động, chuyển một bộ phận từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng với những thành công và chưa thành công, Đảng bộ Duy tiên rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
1. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của địa phương.
2. Quán triệt và nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng và Tỉnh uỷ, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
3. Tôn trọng và phát huy quyền là chủ của nhân dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân để tạo lập các phong trào của quần chúng đưa sự nghiệp cách mạng của địa phương không ngừng phát triển.
Với bề dày hơn 75 năm, thời gian không dài nhưng đủ các trải nghiệm cho quá trình phấn đấu đi lên, trưởng thành của Đảng bộ và nhân dân trong huyện; Dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Duy Tiên đã vượt qua những thử thách đầy cam go, giành được những thắng lợi vẻ vang, đóng góp công sức vào sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc.
Tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước, truyền thống đoàn kết, nhất trí trong Đảng bộ, Duy Tiên đang đứng trước những vận hội, thời cơ mới để phát triển kinh tế- xã hội. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, cùng sự phấn đấu nỗ lực của toàn Đảng bộ, sẽ đưa Duy Tiên vượt qua tất cả những khó khăn, thử thách giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
DANH SÁCH CÁC ĐỒNG CHÍ BÍ THƯ CHI BỘ, ĐẢNG BỘ HUYỆN
QUA CÁC THỜI KỲ
 

STT
Họ và tên
Quê quán
Thời gian giữ chức vụ
1
Nguyễn Hữu Tiến
Lũng Xuyên, Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
11/1929 - 12/1930
2
Phạm Văn Tô
Hoà Mạc, Duy Tiên, Hà Nam
1/1931- 5/1931
3
Lê Hoàn
Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội
Cuối 1946 - 4/1947
4
Nguyễn Thị Hiền
Phường Nguyễn Thái Học, Yên Bái
5/1947 - 2/1948
5
Lê Hải
Khu TT Đồng Tháp, Hà Đông, Hà Nội
3/1948 - 5/1948
6
Vũ Minh
Phường Vị Xuyên, Thành phố Nam Định
6/1948 - 5/1949
7
Vũ Ngạn (Căn)
Lý Nhân, Hà Nam
6/2949 - 8/1949
8
Lê Lợi
Thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam
9/1949 - cuối 1950
9
Vũ Công Hoan
Ninh Bình
1/1950 - 5/1950
10
Đặng Đình Thành
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam
6/1950 - cuối 1952
11
Lê Minh Đường
Thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam
1/ 1953 - 1960
12
Nguyễn Khắc Tuân
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
1960 - 1962
13
Nguyễn Thiện Phú
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam
1963 - 1964
14
Trương Hồng Bảo
Thị trấn Quế, Kim Bảng, Hà Nam
1965 - 1972
15
Nguyễn Chính Thiện
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
1973 - 5/1979
16
Ngô Văn Định
Lương Xá, Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
5/1979 - 11/1982
17
Nguyễn Văn My
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
11/1982 - 9/1986
18
Nguyễn Bắc
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
9/1986 - 12/1988
19
Lê Văn Yển
Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
12/1988 - 7/1992
20
Nghiêm Đức Đạo
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
7/1992 - 1/1997
21
Trần Quang Khoáng
Kim Bảng, Hà Nam
1/1997 - 10/1998
22
Trần Hổ
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
10/1998 - 11/2001
23
Vũ Kim Quỹ
Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
11/2001 - 10/2005
24
Chu Tiến Hiệp
Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
11/2005 - đến nay

DANH SÁCH TỔNG SỐ LIỆT SỸ HUYỆN DUY TIÊN
 

STT
Tên xã, thị trấn
Liệt sỹ chống Mỹ
Liệt sỹ chống Pháp
Tổng số
1
Mộc Nam
66
15
81
2
Mộc Bắc
121
52
173
3
Trác Văn
280
59
339
4
Chuyên Ngoại
180
87
267
5
Châu Giang
99
66
165
6
Yên Bắc
189
77
266
7
Yên Nam
110
45
155
8
Đọi Sơn
152
58
210
9
Châu Sơn
66
25
91
10
Tiên Hiệp
59
27
86
11
Tiên Hải
116
31
147
12
Tiên Tân
95
35
130
13
Tiên Phong
53
28
81
14
Tiên Nội
118
48
166
15
Tiên Ngoại
86
39
125
16
Hoàng Đông
101
1
102
17
Duy Minh
53
10
63
18
Duy Hải
83
23
106
19
Bạch Thượng
104
50
154
20
Đồng Văn
32
5
37
21
Hoà Mạc
31
13
44
 
Tổng cộng
2194
794
2988

 
DANH SÁCH CÁC BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG HUYỆN DUY TIÊN

STT
Họ và tên
Năm sinh
Nguyên quán
Trú quán
1
Nguyễn Thị Cừu
1912
TT Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam
TT Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam
2
Vũ Thị Đáp
1901
TTĐồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam
TT Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam
3
Nguyễn Thị Ngọc
1913
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
4
Hoàng Thị Viễn
1911
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
5
Nguyễn Thị Lãnh
1902
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
6
Phạm Thị Loan
1912
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
7
Phạm Thị Nguyễn
1899
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
8
Nguyễn Thị Nên
1900
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
9
Nguyễn Thị Thuyết
1905
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
10
Đỗ Thị Tức
1906
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
11
Thích Đàm Như
(Nguyễn Thị Như)
1908
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Giang, Duy Tiên, Hà Nam
12
Nguyễn Thị Êm
1890
Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam
Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam
13
Nguyễn Thị Ư
1906
Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam
Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam
14
Nguyễn Thị Ngư
1915
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
15
Bạch Thị Thuế
1913
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
16
Nguyễn Thị Ẩm
1906
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
17
Đỗ Thị Cong
1920
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
18
Lại Thị Chắt
1928
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
19
Vũ Thị Chuyên
1892
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
20
Nguyễn Thị Chữ
1925
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
21
Đặng Thị Lợi
1893
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
22
Nguyễn Thị Vạc
1915
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
23
Đặng Thị Ve
1908
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
24
Phạm Thị Nhiễu
1906
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
25
Đặng Thị Nênh
1900
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
Lam Hạ, Duy Tiên, Hà Nam
26
Phạm Thị Lan
1913
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
27
Hoàng Thị Sợi
1905
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
28
Nguyễn Thị Cổng
1904
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
29
Nguyễn Thị Chua
1910
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
30
Trần Thị Dịu
1921
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
31
Lưu Thị Đợi
1910
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
32
Trần Thị Khì
1803
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
33
Phạm Thị Kiệm
1906
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
34
Nguyễn Thị Mích
1907
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
35
Nguyễn Thị Nhĩ
1889
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
36
Tống Thị Tạc
1905
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
37
Vũ Thị Thiểm
1920
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
38
Tống Thị Ủn
1898
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
39
Nguyễn Thị Khánh
1903
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
40
Nguyễn Thị Lu
1913
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
41
Nguyễn Thị Mây
1916
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
42
Nguyễn Thị Gạ
1902
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
43
Nguyễn Thị Lược
1914
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
44
Nguyễn Thị Tý
1911
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hải, Duy Tiên, Hà Nam
45
Nguyễn Thị Chinh
1930
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
46
Trần Thị Huỳ
1930
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
47
Đinh Thị Tít
1921
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
48
Đặng Thị Vụ
1918
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
49
Đinh Thị Tảo (Tẹo)
1900
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
50
Nguyễn Thị Tạo (Tẹo)
1913
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
51
Hoàng Thị Tiễu
1915
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
52
Trương Thị Van
1918
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
53
Đặng Thị Y
1928
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam
54
Đinh Thị Tý
1904
Đồng Lý, Lý Nhân, Hà Nam
Tiên Phong, Duy Tiên, Hà Nam
55
Nguyễn Thị Giản
1917
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
56
Nguyễn Thị Hoà
1910
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
57
Trần Thị Hoàn
1884
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
58
Ngô Thị Nguyên
1921
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
59
Lê Thị Xếch
1912
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
60
Trịnh Thị Biên
1893
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
61
Phạm Thị Đậu
1899
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
62
Đàm Thị Khê
1908
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
63
Nguyễn Thị Kê
1927
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
64
Đàm Thị Phi
1907
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
65
Nguyễn Thị Thềm
1896
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
66
Nguyễn Thị Phúc
1910
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
67
Nguyễn Thị Can
1907
Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam
68
Nguyễn Thị Phúc
1895
Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam
Duy Hải, Duy Tiên, Hà Nam
69
Lê Thị Lịch
1893
Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
70
Đặng Thị Mùi
1922
Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
71
Vũ Thị Tuất
1921
Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
72
Nguyễn Thị Giữa
 
Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
73
Kiều Thị Uyên
1913
Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam
74
Phạm Thị Bang
1908
TT Hoà Mạc, Duy Tiên, Hà Nam
TT Hoà Mạc, Duy Tiên, Hà Nam
75
Phạm Thị Cánh
1915
Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam
TT Hoà Mạc, Duy Tiên, Hà Nam
76
Nguyễn Thị Lý
1923
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
77
Trần Thị Tạc
1912
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
78
Trần Thị Chỉnh
1904
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
79
Hà Thị Vóc
1904
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
80
Hà Thị Dịp
1908
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
81
Trương Thị Gặng
1921
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
82
Nguyễn Thị Giáng
1912
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
83
Trương Thị Liễn
1906
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
84
Trần Thị Phương
1894
Ứng Hoà, Hà Tây
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
85
Trần Thị Sành
1909
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
86
Hà Thị Tẹo
1915
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
87
Nguyễn Thị Vấn
1918
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam
88
Nguyễn Thị Bưng
 
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
89
Nguyễn Thị Ghim
1915
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
90
Nguyễn Thị Hóp
1910
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
91
Nguyễn Thị Hữu
1916
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
92
Nguyễn Thị Vỹ
1901
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Hiệp, Duy Tiên, Hà Nam
93
Từ Thị Chiền
1920
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
94
Vũ Thị Cốt
1820
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
95
Trần Thị Nghiêm
1904
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
96
Bùi Thị Ư
1895
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
Yên Nam, Duy Tiên, Hà Nam
97
Nguyễn Thị Nuôi
1933
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
98
Nguyễn Thị Cám
1895
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
99
Nguyễn Thị Chiên
1903
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
100
Nguyễn Thị Chức
1920
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
101
Nguyễn Thị Trực
1908
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam
102
Nguyễn Thị Lam
1902
Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
103
Trần Thị Nghiên
1918
Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
104
Trần Thị Vịt
1908
Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam
105
Phạm Thị Chót
1913
Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam
Tiên Tân, Duy Tiên, Hà Nam
106
Phạm Thị Đằng
1910
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam
107
Phạm Thị Hoạ
1903
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam
108
Lê Thị Phiền
1928
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam
Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam

 
 
 
 
 
 
DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ ĐƯỢC NHÀ NƯỚC PHONG TẶNG
DANH HIỆU ANH HÙNG
 

TT
Tên đơn vị
Danh hiệu
Năm
1
Đảng bộ và nhân dân huyện Duy Tiên
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2002
2
Xã Châu Giang
Anh hùng lao động
1985
3
Xã Lam Hạ
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Mỹ
1998
4
Xã Tiên Nội
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2000
5
Xã Trác Văn
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2000
6
Xã Chuyên Ngoại
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2000
7
Xã Yên Bắc
Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới
2000
8
Xã Mộc Bắc
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2005
9
Xã Mộc Nam
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2005
10
Xã Yên Bắc
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2005
11
Xã Đọi Sơn
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Mỹ
2005
12
Xã Tiên Tân
Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp
2005

 
 
 
 
 
 
 
 
MỤC LỤC

 
Lời giới thiệu
 
PHẦN THỨ NHẤT
TIẾP THU ĐƯỜNG LỐI CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG TIẾN HÀNH ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN VÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1930 – 1954)
Chương mở đầu
Tình hình kinh tế xã hội của huyện trong thời kỳ thực dân phong kiến thống trị
Chương I
Đảng bộ Duy Tiên ra đời lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền (1930 – 1945)
I. Đảng bộ ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng (1930 – 1931)
II. Kiên trì chống địch khủng bố, giữ gìn cơ sở, tổ chức đẩy mạnh đấu tranh trong phong trào đòi dân sinh dân chủ (1932- 1939)
III. Củng cố tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền (1939 – 1945)
Chương II
Đảng bộ lãnh đạo xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (8/1945 – 1954)
I. Bảo vệ, củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng cuộc sống mới ở nông thôn (22/8/1945 – 3/1946)
II. Đảng bộ được khôi phục và phát triển, lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược (3/1946 – 20/5/1950)
III. Đảng bộ lãnh đạo chống địch càn quét, chiếm đóng, phát triển chiến tranh du kích, phá tề trừ gian, bảo vệ và xây dựng cơ sở kháng chiến (5/1950 – 12/1951)
IV. Kết hợp ba thứ quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực chống càn, bao vây bức rút đồn bốt địch, giải phóng quê hương (1952 – 7/1954)
PHẦN THỨ HAI
ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO HÀN GẮN VẾT THƯƠNG CHIẾN TRANH, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI, GÓP PHẦN CHI VIỆN CHO CÁCH MẠNG MIỀN NAM, ĐẤU TRANH THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (1954 – 1975)
Chương III
Đảng bộ lãnh đạo sự nghiệp cải tạo, khôi phục kinh tế (1954 – 1965)
I. Cải cách ruộng đất, bước đầu khôi phục kinh tế (1955 – 1957)
II. Cải tạo xã hội chủ nghĩa, từng bước phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội (1958 – 1960)
III. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 – 1965)
Chương IV
Tăng cường xây dựng hậi phương xã hội chủ nghĩa, chi viện đắc lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1965 – 1975)
I. Chuyển hướng mọi hoạt động, tổ chức chiến đấu, góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 – 1968)
II. Tranh thủ thời gian hoà bình, đẩy mạnh phát triển kinh tế (1969- 1972)
III. Tập trung sức, tiếp tục chiến đấu, xây dựng kinh tế, chi viện đắc lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam (1972 – 1975)
PHẦN THỨ BA
ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN DUY TIÊN CÙNG CẢ NƯỚC THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC; TIẾN HÀNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI (1975 – 2005)
Chương V
Khôi phục và đẩy mạnh sản xuất bảo đảm ổn định đời sống nhân dân góp phần vào công cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (1975 – 1985)
I. Khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tham gia bảo vệ Tổ quốc (1975 – 1980)
II. Bước đầu thực hiện đổi mới cơ chế trong nông nghiệp, thực hiện kế hoạch 5 năm (1981 – 1985)
Chương VI
Đảng bộ lãnh đạo thực hiện đường lối đổi mới (1986 – 1995)
I. Tích cực thực hiện đường lối đổi mới, phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân (1986 – 1990)
II. Đảng bộ lãnh đạo giữ vững ổn định tình hình kinh tế – xã hội, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng nông thôn mới (1991 – 1995)
Chương VII
Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn (1996 – 2005)
I. Kế thừa và phát huy thành quả đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1996 – 2000)
II. Đảng bộ lãnh đạo đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn (2001 – 2005)
KẾT LUẬN
- Danh sách các đồng chí Bí thư chi bộ, đảng bộ huyện qua các thời kỳ
- Danh sách tổng số liệt sỹ huyện Duy Tiên
- Danh sách các bà mẹ Việt Nam anh hùng huyện Duy Tiên
- Danh sách Các đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng
 
Trang
1
 
 
 
4
 
 
4
 
 
6
 
6
10
 
11
 
 
15
 
15
 
18
 
 
21
 
25
 
 
 
 
29
 
29
 
29
32
 
34
 
36
 
36
 
40
43
 
 
 
49
 
 
 
49
 
49
54
 
57
 
57
 
63
 
 
66
 
66
 
73
 
80
82
83
84
88

 
 
 
 
 
LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN DUY TIÊN
(1930 - 2005)
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Duy Tiên (khoá XXI)
 
Chỉ đạo sưu tầm, biên soạn:
Ban Thường vụ huyện uỷ Duy Tiên
 
Sưu tầm tư liệu, biên soạn:
Lê Thị Thanh Hươmg
Đặng Thị Lạc
Trần Quang
Trần Văn Bi
Nguyễn Minh Tuấn
Lưu Văn Công
Phạm Phú Thịnh
Phạm Hồng Thắng
 
Biên tập:
Trần Văn Bi
Nguyễn Xuân Quý
Nguyễn Minh Tuấn
Lưu Văn Công
Phạm Phú Thịnh
 
Tình bày, sửa bản in:
Nguyễn Minh Tuấn
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH
THĂM DÒ Ý KIẾN - GÓP Ý
Theo bạn giao diện website duytien.gov.vn như thế nào?
TỶ GIÁ

Tổng quan   Lịch sử - Văn hoá   Kinh tế - Chính trị   Văn hoá - Xã hội    An ninh - Quốc phòng   Khoa học - Công nghệ   Tin tức   Văn bản của thị xã   TTHC thị xã   TTHC cấp xã, phường   Sức khoẻ - Đời sống   Gương người tốt việc tốt   Khuyến học-Khuyến tài   Lịch tiếp công dân   Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh   Văn bản QPPL   Thư viện ảnh   Xin ý kiến góp ý của nhân dân   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước    Mặt trận Tổ quốc các cấp   Luật và các văn bản liên quan   Thành lập thị xã Duy Tiên   Cải cách hành chính   Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội  
CƠ QUAN CHỦ QUẢN: ỦY BAN NHÂN DÂN THỊ XÃ DUY TIÊN
Giấy phép số 178/GP-TTĐT do UBND tỉnh Hà Nam cấp Ngày 26 tháng 6 năm 2017
Tổng biên tập: Phạm Hồng Thanh
Email: ubnddt@hanam.gov.vn - Điện thoại: 0226 3830 013 - Fax: 0226 3832 280
® Ghi rõ nguồn "DuyTien.gov.vn" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.
© 2009 Bản quyền thuộc về UBND Thị xã Duy Tiên - Tỉnh Hà Nam
Design by VN2C